Xác định giảm nghèo là một trong những tiêu chí cốt lõi trong phát triển KT-XH của địa phương, huyện Xín Mần đã nỗ lực triển khai nhiều chương trình, giải pháp giảm nghèo, từng bước nâng cao và cải thiện đời sống sinh hoạt cho người dân, hướng tới mục tiêu thoát nghèo bền vững.
Chú trọng phát triển HTX, tổ hợp tác
Theo ông Phạm Duy Hiền, Chủ tịch UBND huyện Xín Mần, hiện nay, cấp ủy, chính quyền huyện Xín Mần, đặc biệt chú trọng xây dựng các mô hình phát triển kinh tế tập thể nhằm thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo.
Huyện Xín Mần đã nỗ lực triển khai nhiều chương trình, giải pháp giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống người dân. |
Trong đó hạt nhân chính là các HTX và các Tổ hợp tác, hiện trên địa bàn huyện có tổng số 45 HTX, các HTX được củng cố kiện toàn tạo sự chuyển biến tích cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thể hiện vai trò quan trọng trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo.
Cùng với đó, các HTX chuyển đổi hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới đã không ngừng cải tiến phương thức hoạt động, thể hiện tốt vai trò HTX làm cầu nối liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, cung ứng giống, vật tư, phân bón, thức ăn chăn nuôi... Hướng dẫn bà con ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, làm đại lý, ủy thác bao tiêu sản phẩm cho HTX một cách hiệu quả, thiết thực.
Bên cạnh hoạt động của HTX thì vai trò của các Tổ hợp tác cũng đang ngày càng phát huy hiệu quả, khẳng định vai trò, chức năng của mình trong phát triển kinh tế nông thôn trên địa bàn huyện.
Hiện tại huyện Xín Mần có 185 Tổ hợp tác sản xuất nông - lâm nghiệp, các Tổ hợp tác đã ứng dụng khoa học kỹ thuật và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tổ chức sản xuất đi vào nề nếp, quy củ. Đồng thời, nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành của bộ máy quản lý cấp thôn, bản.
“Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động thành lập các HTX, Tổ hợp tác, khuyến khích, tạo điều kiện để các HTX, Tổ hợp tác ra đời và phát huy hiệu quả trong việc thay đổi cách nghĩ, cách làm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát huy tối đa nguồn lực, tiềm năng thế mạnh của địa phương. Tiếp tục hướng dẫn cho bà con nâng cao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, để bà con nông dân tăng cường khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh việc liên doanh, liên kết “4 nhà”, tăng doanh thu, ổn định việc làm cho nhiều lao động tại địa phương”, ông Phạm Duy Hiền cho hay.
Một trong những thành công của công tác xóa đói giảm nghèo ở vùng lõi Xín Mần là đã từng bước thay đổi được tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước ở một số cán bộ và người dân.
Với quan điểm “Dựa vào sức dân, khơi dậy và phát huy vai trò chủ thể của người dân”, các xã nghèo, hộ nghèo được xác định vừa là chủ thể, vừa là nguồn lực, cũng vừa là đối tượng được thụ hưởng chính sách và có nghĩa vụ áp dụng chính sách hiệu quả.
Một loạt phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh, nhất là ở những lĩnh vực thế mạnh của huyện như: Nông nghiệp, chăn nuôi đã được phát động thu hút được sự hưởng ứng, tích cực tham gia của người dân, phát huy tinh thần đoàn kết, sự đồng thuận và ý chí vươn lên thoát nghèo, làm giàu bền vững.
Sinh kế là mấu chốt giảm nghèo bền vững
Huyện cũng tập trung thực hiện tái cơ cấu trồng trọt theo hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, gắn với thị trường tiêu thụ, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng.
Các HTX, tổ hợp tác đang tham gia tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo. |
Mặt khác, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, nhất là giống, biện pháp canh tác tiên tiến, thu hoạch, bảo quản, chế biến. Đến nay, một số cây trồng có lợi thế, tiềm năng để ưu tiên chuyển đổi đang được áp dụng như: Cây dong riềng, dược liệu, hoa màu, giống lúa bao thai... Cùng với đó, là sự hình thành của các mô hình HTX nông, lâm nghiệp do chính người dân làm chủ như: HTX Huyền An, HTX Tuấn Băng, HTX Hoàng Hà… có số vốn kinh doanh tương đối cao, đa dạng ngành nghề.
Các HTX đã từng bước nâng cao chất lượng hàng hóa, xây dựng uy tín thương hiệu, tạo đà cho người dân trên địa bàn huyện thúc đẩy giá trị sản xuất theo hướng chuyên sâu và cải thiện thu nhập cho người dân.
Như tại HTX sản xuất nông nông nghiệp Xín Mần, xã Xín Mần đã đầu tư nhà xưởng, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác chế biến. Hiện tại, HTX đang là đầu mối thu mua nông sản cho người dân địa phương và cung cấp ra thị trường các sản phẩm sạch, đảm bảo chất lượng.
Giám đốc HTX Đinh Công Thiện, ngoài việc thu mua củ cải đường cho các thành viên, HTX tiến hành thu mua tất cả củ cải đường của người dân trong và ngoài xã, với giá thu mua bằng giá bán ngoài thị trường.
Mỗi ngày HTX thu mua khoảng 50 tạ củ cải tươi, thu mua đến đâu chế biến đến đấy. Củ cải tươi sau khi thu mua cho người dân, một phần sẽ liên kết với công ty, doanh nghiệp ở Hà Nội và Phú Thọ để tiêu thụ; một phần sẽ được chế biến thành sản phẩm sấy khô. Hoạt động của HTX theo hình thức “làm theo sản phẩm và hưởng theo năng lực”, thành viên tham gia ở khâu nào sẽ được trả công khâu đó. Nhờ đó, HTX đã từng bước nâng cao thu nhập cho người nông dân, giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu.
Có thể thấy, khu vực KTTT mà nòng cốt là HTX, THT trên địa bàn huyện Xí Mần đang tham gia tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm và tăng thu nhập cho đông đảo người dân, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. HTX đóng góp vào GDP của khu vực KTTT và thành viên HTX ngày càng tăng, góp phần quan trọng thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội.
Gia Bảo