Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Lai Châu đã cụ thể hóa công tác giảm nghèo bằng nhiều giải pháp thiết thực, giúp đồng bào sống ở các khu vực “lõi nghèo” có thêm điều kiện vươn lên thoát nghèo.
Thay đổi tư duy để thoát nghèo
Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Lai Châu có 6/7 huyện được thụ hưởng hỗ trợ từ Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, gồm các huyện: Mường Tè, Nậm Nhùn, Phong Thổ, Sìn Hồ, Than Uyên, Tân Uyên. Đây là nguồn lực quan trọng để các địa phương phát triển kinh tế - xã hội, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn…
Để tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân, các huyện đã xây dựng kế hoạch sản xuất từng vùng, từng xã, từng thôn bản và từng gia đình theo hướng đa canh, mở rộng nhiều ngành nghề để phát huy thế mạnh của từng vùng, gắn việc giải quyết lương thực tại chỗ với phát triển lâm nghiệp, chăn nuôi theo mô hình nông, lâm kết hợp, sắp xếp lại dân cư hợp lý, vừa thuận tiện sản xuất, vừa bảo đảm an ninh quốc phòng.
Các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP của các HTX ở huyện Mường Tè. |
Mường Tè từ lâu được biết đến là huyện biên giới khó khăn nhất của tỉnh Lai Châu với tỷ lệ hộ nghèo cao. Mường Tè có 13 dân tộc sinh sống, với trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số, như Hà Nhì, Si La, Cống, Mảng, La Hủ...
Toàn huyện có 6 xã biên giới: Ka Lăng, Thu Lũm, Tá Bạ, Pa Ủ, Pa Vệ Sủ và 12/14 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Trình độ dân trí thấp, đời sống của người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, hạ tầng giao thông và các công trình phúc lợi phục vụ sinh hoạt, sản xuất chưa được đầu tư đồng bộ dẫn tới tỷ lệ hộ nghèo cao.
Ông Đao Văn Khánh, Chủ tịch UBND huyện Mường Tè, chia sẻ trước thực trạng trên, Đảng bộ và chính quyền huyện Mường Tè đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án triển khai các chương trình xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển góp phần giúp Mường Tè thay đổi diện mạo.
Trong đó, huyện đã tập trung quy hoạch vùng sản xuất, bố trí đất ở cho đồng bào; chuyển giao khoa học kỹ thuật để bà con tiếp cận áp dụng vào sản xuất; khảo sát, xây dựng đề án nuôi trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương. Vận dụng một số nguồn tín dụng từ quỹ của tỉnh, của huyện để hỗ trợ vốn cho bà con. Từ đó, nhiều hộ dân được vay vốn phát triển các mô hình chăn nuôi đem lại thu nhập cao.
Đặc biệt, phát triển mô hình HTX để hỗ trợ các người dân sản xuất và canh tác một cách bền vững như: hỗ trợ về vốn, giống cây, con và vật tư nông nghiệp và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Một số HTX đã có sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP, giúp nâng cao thu nhập cho các thành viên.
Ông Lý Phí Giá, Chủ tịch UBND xã Pa Ủ, huyện Mường Tè cho biết: Đến nay, chính quyền và lực lượng biên phòng đã thực hiện gần chục mô hình trồng trọt, chăn nuôi để hướng dẫn cho bà con. Các mô hình được làm đều là mô hình dễ và thực hiện theo cách “cầm tay, chỉ việc”, như trồng lúa nước 2 vụ, chăn nuôi lợn, gà, trâu, bò, cá. Ban đầu, các mô hình đều được chuyển giao cho nhóm hộ, rồi dần dần tách ra cho từng hộ làm chủ.
“Trong việc vận động bà con từ các chỏm về thành lập các bản cũng là một quá trình khó khăn. Được sự hỗ trợ từ các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước và của cấp trên, cấp ủy, chính quyền đã phối hợp với các đồng chí lực lượng biên phòng đã vận động bà con làm các mô hình. Hiện tại chúng tôi đã hướng dẫn các mô hình làm lúa nước cho bà con nhân dân, để xóa dần đi những khó khăn”, ông Lý Phí Giá cho biết thêm.
Giảm nghèo nhanh và bền vững
Huyện Mường Tè có 34 HTX đang hoạt động tại 6 xã, thị trấn, tổng số vốn đăng ký 128.817 triệu đồng với 330 thành viên hoạt động trên các lĩnh vực xây dựng, nông - lâm - ngư - nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ… Với doanh thu trung bình của HTX trên địa bàn huyện đạt 908 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân lao động làm việc thường xuyên trong HTX là 52,75 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân thành viên HTX đạt 45 triệu đồng/năm.
Thời gian qua, các HTX trên địa bàn huyện luôn đổi mới về tổ chức hoạt động đúng nguyên tắc, bản chất. Đồng thời, phát triển đa dạng các loại hình HTX trong mọi lĩnh vực, trong đó, ưu tiên phát triển HTX nông nghiệp đa ngành nghề gắn với vùng nguyên liệu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Một số HTX hoạt động sản xuất kinh doanh tiêu biểu và có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao như: mật ong rừng, chè dây leo (HTX Bình An); ớt trung đoàn ngâm dấm, thảo quả (HTX Thanh Nga); thịt trâu sấy ở Bum Nưa (HTX Thắng Tuế).
Ông Lê Văn Thanh, Giám đốc HTX Thanh Nga chia sẻ: “Sau khi có chứng nhận OCOP 3 sao, sản phẩm ớt trung đoàn tạo dựng được niềm tin đối với khách hàng trong và ngoài tỉnh từ chất lượng đến mẫu mã sản phẩm. Để giải quyết đầu ra cho người dân cũng như đưa ớt trung đoàn tới mọi miền Tổ quốc, vào tháng 5 đến tháng 9 hằng năm, HTX thu gom ớt từ bà con các bản, trung bình mỗi tháng thu về gần 5 tạ ớt, với giá đầu vụ và cuối vụ từ 200 - 250 nghìn đồng/kg, vụ chính khoảng 150 nghìn đồng/kg.
Mỗi năm, HTX thu gom được gần 2 tấn ớt, chủ yếu xuất bán cho các quán tạp hóa, quán ăn trong tỉnh và Hà Nội. Hưởng ứng chương trình mỗi xã có một sản phẩm đăng ký chương trình OCOP, do UBND tỉnh, huyện tổ chức, HTX xây dựng lộ trình phát triển và phấn đấu đưa sản phẩm tham gia chương trình OCOP từ năm 2017, đến nay đã đạt 3 sao".
Trong 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, giai đoạn 2016 - 2021, huyện Mường Tè đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là tập trung tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của cán bộ đảng viên và nhân dân trên địa bàn trong thực hiện chương trình giảm nghèo. Theo đó, cả giai đoạn, mỗi năm địa phương đã giảm từ 5 - 6% hộ nghèo; thu nhập bình quân năm 2021 đạt 24,5 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống 24,09% theo tiêu chí cũ.
Dương Hà