Lạc Tấn cùng với Đức Tân đang là hai xã điểm của huyện Tân Trụ gặt hái nhiều thành công nhờ chuyển đổi từ trồng lúa sang canh tác rau sạch theo hướng hàng hóa, thân thiện môi trường. Sau gần 5 năm triển khai, mô hình đang cho lợi nhuận 35 – 50 triệu đồng/ha/năm, cao hơn 3 – 5 lần trồng lúa.
Những kết quả rõ nét
Theo UBND xã Lạc Tấn, kể từ năm 2016 đến nay, nông dân địa phương đã chuyển đổi thành công hơn 23 ha trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu, trong đó hơn 70% diện tích được triển khai theo quy trình VietGAP, hữu cơ, cho giá trị kép về kinh tế và môi trường.
Tân Trụ chuyển đổi thành công nhiều mô hình mới cho hiệu quả kinh tế cao (Ảnh TL). |
HTX rau sạch hữu cơ Khôi Nguyên đang là điển hình trồng rau ở Lạc Tấn. Không chỉ giúp người dân giải “bài toán” thị trường, HTX đang là đơn vị dẫn dắt thành viên, hộ liên kết phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, an toàn sinh thái.
Ông Nguyễn Việt Thịnh – Giám đốc HTX cho hay, sự khác biệt của HTX đến từ những thay đổi trong tư duy sản xuất của thành viên, người lao động. Từ phương thức quảng canh truyền thống, phụ thuộc vào tự nhiên, các hộ sản xuất đã chủ động ứng dụng kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Điển hình, nếu trước đây các hộ sản xuất thường lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học để chạy theo số lượng khiến môi trường bị ô nhiễm, gây hại cho sức khỏe, thì nay các hợp chất vi sinh, thân thiện môi trường được ưu tiên sử dụng. Quá trình cơ giới hóa được đẩy mạnh.
“Việc ứng dụng khoa học để nâng cao năng suất thay vì lạm dụng hóa chất giúp điều kiện làm việc của thành viên HTX được cải thiện, môi trường sống trong lành, qua đó giảm thiểu các loại bệnh vốn rất phổ biến trong sản xuất như đau mắt đỏ, mẩn ngứa, ngộ độc thuốc trừ sâu…”. Giám đốc Nguyễn Việt Thịnh phân tích.
Nếu Lạc Tấn thành công với rau VietGAP, thì người nông dân Bình Tịnh lại đang hái quả ngọt với thanh long. Điển hình, ông Ngô Văn Nhàn, ngụ ấp Bình Điện, mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu nhờ chuyển đổi 1,5 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng thanh long ruột đỏ ứng dụng công nghệ cao.
Ông Nhàn cho hay, khi quyết định chuyển đổi mô hình sang trồng thanh long, ông được cán bộ nông nghiệp địa phương tổ chức tập huấn, trang bị kỹ thuật. Ngoài ra, để thanh long phát triển tốt, chất lượng đảm bảo, trước khi trồng, gia đình ông tiến hành bón lót hỗn hợp phân hữu cơ vi sinh, phân chuồng, mụn dừa (xơ dừa xay nhỏ)...
“Nhờ ứng dụng hiệu quả công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến, vườn thanh long của gia đình tôi luôn đạt năng suất bình quân 18 - 20 tấn/ha/vụ, thu lãi trên 500 triệu đồng/năm”, ông Nhàn phấn khởi nói.
Thêm điều kiện phát triển
Bên cạnh trồng trọt, các mô hình nuôi tôm sinh thái cũng được nhiều nông dân trên địa bàn huyện Tân Trụ ưu tiên lựa chọn. Điển hình như ông Đỗ Văn Đo, ngụ xã Nhựt Ninh, đầu tư nuôi 1ha tôm, thu nhập bình quân 200 triệu đồng/năm.
Nuôi tôm sinh thái đang là điểm sáng trong chuyển đổi nông nghiệp của huyện (Ảnh TL). |
Theo ông Đo, so với trồng lúa thì nuôi tôm mang lại thu nhập cao hơn gấp nhiều lần nhưng quá trình nuôi cũng gặp nhiều rủi ro, nhất là tình hình dịch bệnh và điều kiện thời tiết thay đổi liên tục, đòi hỏi người nuôi phải nắm vững kỹ thuật, sản xuất theo quy trình an toàn sinh thái.
Cũng như ông Đo, bà Dương Thị Sương, ngụ xã Đức Tân, chuyển đổi hơn 0,5ha đất lúa sang nuôi tôm. Bà Sương chia sẻ: “Nhờ nuôi tôm mà kinh tế gia đình tôi khá hẳn lên, lúc trước với 0,5 ha đất lúa nhiễm phèn, thu nhập cả năm chỉ khoảng chục triệu đồng. Nay, với tôm thẻ chân trắng, lợi nhuận hàng năm đạt gần 200 triệu đồng”.
Số liệu thống kê cho thấy toàn huyện Tân Trụ hiện có trên 1.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả được chuyển sang trồng thanh long và nuôi tôm, trong đó, có 540 ha được chuyển sang trồng thanh long.
Để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả, thời gian qua, huyện đã thực hiện chính sách hỗ trợ ao lắng trong nuôi tôm, thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ cao, mở các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi tôm và trồng thanh long theo hướng VietGAP, mô hình tưới tiết kiệm trên cây thanh long.
Thời gian tới, huyện sẽ phối hợp các xã nắm lại những diện tích đã chuyển đổi và có nhu cầu chuyển đổi, đồng thời xây dựng các phương án như hỗ trợ xây dựng HTX, tổ hợp tác, hướng dẫn kỹ thuật nuôi và định hướng người dân sản xuất theo hướng VietGAP để bảo đảm các tiêu chuẩn đầu ra.
Huyện cũng sẽ đẩy mạnh kết nối thị trường, hình thành liên kết sản xuất - tiêu thụ, chủ động giúp người dân ứng phó tình trạng vật tư nông nghiệp lên xuống thất thường, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, giảm thiệt hại từ hạn mặn...
Nhật Minh