Thực tế, việc chuyển đổi cây trồng đã và đang cho thấy tín hiệu khả quan ở Bình Hòa Tây. Thu nhập của người dân từng bước ổn định và ngày càng nâng lên, trong đó nhiều hộ vươn lên khá, giàu. Đến nay, toàn xã đã chuyển đổi thành công gần 20 ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả VietGAP cho giá trị cao.
Linh hoạt chuyển đổi
Đầu năm 2017, ông Nguyễn Ngọc Minh mạnh dạn đầu tư hơn 300 triệu đồng cải tạo 3 ha đất sản xuất lúa để trồng cây ăn trái. Với phương pháp “lấy ngắn nuôi dài”, ông trồng kết hợp bưởi da xanh, ổi, chanh không hạt và dừa xiêm lùn..., vừa không để đất trống, vừa tạo nguồn thu cho gia đình.
Bình Hòa Tây đang chuyển đổi cây trồng hiệu quả, với nhiều mô hình mới (Ảnh TL). |
Nhờ nắm chắc kỹ thuật, chỉ sau một năm, 700 gốc ổi bắt đầu cho thu hoạch. Đến nay, mỗi ngày, gia đình ông Minh bán ra thị trường hàng trăm kg ổi với giá trung bình 10.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi tháng, ông thu về trên 10 triệu đồng.
Sau cây ổi, 500 gốc chanh không hạt, cây bưởi da xanh và dừa xiêm lùn cũng đang phát triển rất tốt, cho năng suất cao. Tổng giá trị sản xuất của gia đình ông Minh hiện đạt trên 350 triệu đồng/năm.
Theo ông Minh, để có được thành công như vậy, gia đình đã chủ động ứng dụng quy trình sản xuất VietGAP, thân thiện môi trường, với các loại phân bón hữu cơ, phân chuồng hoai mục, các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học, có nguồn gốc tự nhiên (tỏi, gừng, ớt…).
Đơn cử như khu vực trồng ổi đang ứng dụng kỹ thuật bọc quả bằng bao chuyên dụng, vừa ngăn được các loại côn trùng, sâu bệnh hại quả, vừa giảm thiểu 50 - 70% lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Hay trong trồng bưởi da xanh, bên cạnh hệ thống tưới tiết kiệm nước, ông Minh ứng dụng kỹ thuật nuôi kiến vàng làm thiên địch tiêu diệt các loài côn trùng gây bệnh, góp phần hạn chế sự dụng thuốc trừ sâu.
Đặc biệt, kể từ năm 2019, ông Minh chủ động tham gia vào Tổ hợp tác trồng cây ăn quả xã Bình Hòa Tây, có điều kiện trao đổi thêm kiến thức, mở ra nhiều cơ hội hơn trong tiếp cận thị trường, nâng cao giá bán sản phẩm.
Cũng là thành viên Tổ hợp tác trồng cây ăn quả xã Bình Hòa Tây, ông Lâm Văn Đức lại chọn cây sa-pô-chê (hồng xiêm) để chuyển đổi cây trồng. Chỉ với 23 gốc sa-pô-chê trồng trên diện tích hơn 2.000m2 nhưng mỗi năm thu về vài chục triệu đồng.
Theo ông Đức, loại cây này khá dễ trồng và có thể thu hoạch nhiều lần trong năm. Để có được hiệu quả cao, ông đến một số nhà vườn ở Tiền Giang để học hỏi kinh nghiệm xử lý ra trái mùa nghịch và rải vụ trong năm, đồng thời tuyển chọn giống tốt cho năng suất cao.
Nâng "chất" sản xuất
Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” (đúng liều, đúng loại, đúng cách, đúng thời gian) trong việc sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón, nên chất lượng sản phẩm của gia đình ông Đức được đánh giá cao, thương lái thường đến tận vườn thu mua.
Với những cây trồng truyền thống, xã cũng hỗ trợ nông dân sản xuất theo hướng hiện đại (Ảnh Tl). |
“Thu nhập khi trồng cây ăn trái cao gấp nhiều lần so với sản xuất lúa. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ lúa còn khá bấp bênh, nông dân được mùa lại lo rớt giá, nên gia đình tôi mạnh dạn chuyển sang trồng cây ăn trái”, ông Đức chia sẻ.
Không chỉ mạnh dạn chuyển đổi sang cây trồng mới, với các loại cây trồng truyền thống, xã cũng chủ động hỗ trợ người dân thay đổi phương thức sản xuất, ứng dụng hiệu quả khoa học - kỹ thuật để nâng cao giá trị canh tác.
Đơn cử, với cây lúa, xã tổ chức nhiều khóa tập huấn giúp người dân nắm vững quy trình sản xuất VietGAP, thân thiện môi trường, ứng dụng hiệu quả cơ giới hóa vào sản xuất, đảm bảo năng suất lúa đạt 7 - 9 tấn/ha.
Đại diện UBND xã Bình Hòa Tây thông tin: “Nhờ áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất mà năng suất, chất lượng lúa trên địa bàn xã những năm qua không ngừng nâng lên. Vụ Đông Xuân 2020-2021, nhiều hộ dân thu hoạch 9-10 tấn lúa/ha. Nhờ có hệ thống đê bao khép kín, những diện tích lúa chuẩn bị thu hoạch vẫn được bảo vệ tốt, nông dân không còn lo lắng mỗi khi lũ về”.
Với sự đồng hành của địa phương, hiệu quả của các HTX, tổ hợp tác, thời gian qua, nhiều hộ nông dân trên địa bàn đã phát triển thành công mô hình “2 lúa, 1 màu”, chủ yếu là bí đỏ và dưa hấu, vừa giúp cải tạo đất, vừa tăng thu nhập đáng kể.
Thời gian tới, xã Bình Hòa Tây sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt các định hướng phát triển trên lĩnh vực nông nghiệp, tạo sự đồng thuận trong nhân dân về Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo quy hoạch của huyện. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi cho các hộ nông dân trên địa bàn.
Đặc biệt, xã tập trung xây dựng HTX, củng cố hoạt động các tổ hợp tác làm đầu mối giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm, hạn chế tình trạng bị thương lái ép giá.
Nhật Minh