Trong lần chia sẻ gần đây, chuyên gia đầu ngành nông nghiệp - Giáo sư Võ Tòng Xuân cho biết, việc lạm dụng phân bón chính là nguyên nhân khiến người dân tốn nhiều chi phí trong sản xuất, không nâng cao được chất lượng cây trồng mà còn gây ô nhiễm môi trường. Để giải quyết vấn đề này, ông luôn khuyến khích người dân, HTX áp dụng quy trình sản xuất khoa học và tận dụng nguồn phế, phụ phẩm để mang lại những hiệu quả thiết thực.
Môi trường bị ảnh hưởng bởi rác thải
Thống kê của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho thấy, hiện nay trên cả nước lượng chất thải sinh hoạt phát sinh khoảng 60.000 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị chiếm gần 40.000 tấn/ngày. Dự báo đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải tăng khoảng 10-16%/năm.
Tuy nhiên, việc tập kết rác tại các bãi rác lộ thiên và việc xử lý rác thải bằng công nghệ chôn lấp lại chiếm đến 80% . Điều này đã khiến vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng thêm trầm trọng.
Theo thống kê, hiện có 663 bãi chôn lấp ở Việt Nam nhưng chỉ có 30% trong số này được xếp loại là bãi chôn lấp hợp vệ sinh, đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường. Những bãi chôn lấp rác còn lại không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường nên gây mất mỹ quan đô thị, khu dân cư, ảnh hưởng xấu đến chất lượng môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ về dịch bệnh.
Hầu hết các bãi chôn lấp này không có máy đầm nén, hệ thống thu gom xử lý nước rỉ rác hoặc hệ thống quan trắc môi trường. Chính vì vậy mà môi trường đất, nước, không khí ngày càng bị ảnh hưởng.
Không phân loại và tận dụng nguồn rác thải hữu cơ là một trong những nguyên nhân gây áp lực đến môi trường. |
Để giải quyết vấn đề trên, ngoài việc đầu tư đúng mức cho việc nâng cao các bãi tập kết rác, việc áp dụng các công nghệ xử lý rác tiên tiến và phù hợp cũng được các chuyên gia đề cập. Và một trong những phương pháp hiệu quả hiện nay là chú trọng phân loại rác ngay từ hộ gia đình, cơ sở sản xuất, sau đó tận dụng rác thải hữu cơ để ủ phân phục vụ sản xuất.
Cụ thể, rác thải từ hộ gia đình, cơ sở sản xuất sẽ được phân thành 3 loại: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải khác. Theo đó, những chất thải thực phẩm và chất thải nông nghiệp chính là nguyên liệu quan trọng để làm ra phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch, thân thiện môi trường.
HTX tận dụng rác hữu cơ phục vụ sản xuất
Theo Ths Bùi Hồng Hà (Học Viện Nông nghiệp Việt Nam), chỉ tính riêng TP. Hà Nội mỗi ngày đã thải ra khoảng 7.000 tấn rác. Nếu thực hiện tốt công tác phân loại, Hà Nội sẽ tận dụng được hàng nghìn tấn chất thải hữu cơ mỗi ngày mà sau khi qua chế biến không mấy tốn kém và có thể sử dụng làm phân bón hiệu quả.
Trên thực tế, một số xã ở ngoại thành Hà Nội đã tận dụng được nguồn rác này để ủ phân phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, mang lại những giá trị trong sản xuất. Đơn cử, nông dân ở xã Thanh Xuân (Sóc Sơn, Hà Nội) có truyền thống sản xuất rau lâu đời. Ngoài rau, lúa cũng từng là cây trồng chính của nông dân. Tuy nhiên, lượng rác thải phát sinh từ sinh hoạt, chăn nuôi, trồng trọt hằng ngày của xã khá lớn, khoảng 4,5-5 tấn/ngày.
Mặc dù nắm được thông tin về mô hình chế biến rác thải thành phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp hiệu quả kinh tế cao nhưng trước đó, người dân vẫn rất lúng túng.
Được sự giúp đỡ của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA), HTX dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân đã được thành lập, thu hút 161 người dân tham gia sản xuất rau hữu cơ kết hợp phân loại và tận dụng phế phụ phẩm để ủ thành phân.
Trước khi triển khai mô hình này, ngành nông nghiệp đã cùng HTX có đợt điều tra, khảo sát cho thấy, nhân dân từng không biết đến rác hữu cơ hay vô cơ và chưa thực hiện phân loại rác tại nguồn. Mặc dù xã Thanh Xuân đã thành lập đội thu gom rác thải. Tuy nhiên công tác quản lý của địa phương còn hạn chế, trong khi đó ý thức trách nhiệm của một bộ phận người dân chưa cao, thường vứt rác tuỳ tiện, không phân loại rác và không biết rác có thể trở thành phân.
Dưới sự hướng dẫn của ngành chức năng và HTX Thanh Xuân, người dân đã dần nâng cao mức độ hiểu biết và thấy được lợi ích của việc sử dụng rác hữu cơ làm phân bón cho cây trồng.
Theo đó, HTX hướng dẫn thành viên và các hộ dân phân loại rác thải sinh hoạt và tận dụng rơm rạ, cỏ, thân cây chuối, bèo, ngô, rau màu… để ủ với chế phẩm vi sinh và tạo ra phân hữu cơ.
Tận dụng rác thải làm phân hữu cơ là cách làm hiệu quả về kinh tế và thân thiện với môi trường. |
Bà Hoàng Thị Hậu, Giám đốc HTX, cho biết các thành viên đều được chuyển giao kiến thức phân loại rác thải tại nguồn, cách sử dụng rác thải hữu cơ làm phân bón cho cây trồng. Việc này giúp HTX tăng năng suất cây rau màu từ 20-50%, hạn chế được sâu bệnh, cải tạo đất tốt, tăng độ tơi xốp và màu mỡ cho đất.
Về mặt kinh tế, HTX chỉ mất chi phí mua thuốc vi sinh về ủ. Nếu hạch toán đầy đủ các chi phí nguyên vật liệu, công lao động, dụng cụ… bình quân một tấn phân hữu cơ thành phẩm, các thành viên tiết kiệm được 1,1 triệu đồng. Không những đem lại hiệu quả về kinh tế, việc tận dụng nguồn chất thải và phế phụ phẩm nông nghiệp làm phẩm hữu cơ còn đóng góp tích cực vào công tác bảo vệ môi trường. Hiện, lượng rác thải cần thu gom và vận chuyển đi xử lý của xã chỉ còn khoảng 2-3 tấn/ngày, trong đó đất đai luôn màu mỡ, bảo đảm yêu cầu sản xuất vùng rau hữu cơ phục vụ cho thị trường Hà Nội.
Nhờ chất lượng được kiểm soát và bảo đảm được tiêu chí môi trường trong sản xuất, mỗi tháng HTX Thanh Xuân cung cấp ra thị trường Hà Nội 30 tấn rau với giá ổn định từ 15.000 – 20.000 đồng/kg.
Thông qua mô hình sản xuất của HTX, các thành viên và người dân đã thay đổi hành vi, ứng xử thân thiện với môi trường, chú trọng phân loại rác thải từ đó góp phần làm giảm tình trạng ô nhiễm do chính con người gây ra.
HTX Thanh Xuân chỉ là một trong số những mô hình kinh tế tập thể tiêu biểu chú trọng biến rác thải thành tài nguyên quý giá phục vụ cho sản xuất sạch, thân thiện với môi trường. Rõ ràng, nếu mỗi người dân, HTX... biết tận dụng những lợi ích mà rác mang lại không những góp phần vào bảo vệ môi trường, mà còn tạo ra những sản phẩm hữu cơ sạch, mang lại lợi nhuận cao cho người dân.
Theo Bộ NN&PTNT, đến nay, chỉ tính riêng diện tích đất sản xuất nông nghiệp và cây hàng năm là trên 17 triệu ha, trong đó, diện tích đất đạt chứng nhận VietGAP 120.000 ha, 238.000 ha được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Trong số đó, 65% diện tích được chứng nhận VietGAP và hữu cơ là do các HTX thực hiện.
Điều này cho thấy, các HTX đang góp phần không nhỏ và việc nâng cao chất lượng môi trường, từ đó thu hút sự liên kết với doanh nghiệp để tạo thành các chuỗi giá trị bền vững.
Như Yến