Được coi là sản vật trời ban đối với người Mông trên vùng đất đá Trạm Tấu (Yên Bái) - khoai sọ nương và măng ớt đang được người tiêu dùng yêu thích, đem lại nguồn thu chủ yếu cho nông dân trong vùng. Bên cạnh nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, HTX Hưng Thùy tập trung đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi, đảm bảo đầu ra ổn định trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19.
Thành công với hai sản vật nức tiếng
Khi đã chứng minh được mô hình liên kết trồng khoai sọ và thu mua măng rừng mang lại hiệu quả so với trồng các loại cây màu khác tại địa phương, HTX Hưng Thùy đã bắt tay vào mở rộng sản xuất và tiến hành xây dựng sản phẩm OCOP.
Để hướng tới đạt chuẩn OCOP, HTX hướng dẫn các thành viên và bà con nông dân trồng khoai sọ theo hướng sạch, an toàn. |
Ông Hoàng Văn Hưng, Giám đốc HTX cho biết: Để hướng tới đạt chuẩn OCOP, HTX hướng dẫn các thành viên và bà con nông dân sản xuất theo hướng sạch, an toàn. Đồng thời, HTX mở rộng diện tích trồng khoai, tăng cường thu mua măng, kiểm soát chặt vật tư đầu vào, thực hiện quy trình sản xuất nghiêm ngặt để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường xúc tiến thương mại, chuẩn bị đầy đủ bao bì, nhãn mác…
Khoai sọ của HTX được trồng trên nương, nơi đất tơi xốp có nhiều mùn đen, thời gian trồng từ giữa tháng 3 đến hết tháng 4 khi trời bắt đầu mưa xuống, đất nương, đồi ẩm ướt. Vụ thu hoạch từ cuối tháng 9 đến tháng 11 khi mùa mưa đã chấm dứt.
Theo đó, đất được làm sạch cỏ, tơi xốp trước khi trồng khoảng hai tuần, sau đó đem khoai giống để trồng. Đặc biệt, các thành viên không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nên khoai sọ nơi đây có mùi vị rất đặc trưng, hương vị thơm ngon, dẻo quánh, tạo nên thương hiệu nức tiếng tại vùng Trạm Tấu.
Năm nay, anh Hờ A Trăng ở bản Tà Chử, xã Bản Công mua được xe máy, nhiều vật dụng khác có giá trị, tất cả là nhờ phần lớn nguồn thu nhập từ khoai sọ.
“Năm 2019, hơn 1ha đất lúa nương kém hiệu quả, tôi chuyển sang trồng khoai sọ. So với trồng lúa thì trồng khoai sọ cho năng suất cao gấp 3 - 4 lần, sau mỗi vụ thu hoạch và bán cho HTX Hưng Thùy, gia đình tôi thu về gần 50 triệu đồng”, anh Trăng cho biết.
Sản phẩm thứ hai HTX Hưng Thùy xây dựng OCOP là măng ớt Trạm Tấu hạng 3 sao. Đây là món ăn nổi tiếng của vùng cao Trạm Tấu, từ ngàn đời nay người Mông Trạm Tấu làm măng ớt để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt trong gia đình của mình.
Măng thu hái từ loài cây họ trúc có tên là măng Lay mọc trên các sườn núi đá, thân nhỏ hơn thân trúc chỉ bằng ngón tay, mọc trong rừng tự nhiên thành búi, ruột đặc, măng ra vào khoảng tháng 9, tháng 10. Mùa măng đồng bào Mông vào rừng thu hái được HTX thu mua đem về sơ chế và ngâm với ớt đựng trong các ống bương hoặc trong các lọ sành.
Với sức hấp dẫn đặc biệt của măng ớt, những năm gần đây măng ớt của HTX Hưng Thùy đã trở thành hàng hóa được nhiều người biết đến.
Mùa khoai sọ, măng rừng năm 2021 ở Trạm Tấu đang bắt đầu vào vụ thu hoạch. Hiện nay, HTX đang tiến hành thu mua khoai của các thành viên và bà con tại các xã Bản Mù, Bản Công, Xà Hồ,… với giá dao động từ 16.000 - 18.000 đồng/kg đối với khoai sọ nương, măng tươi từ 20.000 - 22.000 đồng/kg. HTX Hưng Thùy đang là đơn vị thu mua lớn nhất huyện, những ngày này tấp nập mua - bán từ sáng đến tối.
Từng bước nâng tầm đặc sản
Sau khi tham gia hội chợ, các sản phẩm của HTX Hưng Thùy được thị trường biết đến rộng rãi, trở thành một sản phẩm OCOP nổi tiếng ở địa phương.
Bà con nông dân tích cực mở rộng sản xuất khi sản phẩm đã chiếm lĩnh được thị trường tiêu thụ. |
Khoai sọ Trạm Tấu hiện nay rất dễ tiêu thụ trên thị trường, mỗi ngày HTX tiêu thụ khoảng 10 tấn. Còn với măng tươi, mỗi năm HTX thu mua từ 250-300 tấn măng tươi của bà con nông dân, sau đó sơ chế, chế biến và bán ra với giá 50.000 đồng/lọ/kg. Đến nay, HTX đã ký hợp đồng bán sản phẩm cho một số doanh nghiệp ở TP Hà Nội, Phú Thọ cung cấp vào cửa hàng lớn và các siêu thị…
Sau khi khoai sọ nương và măng ớt Trạm Tấu được chứng nhận là sản phẩm OCOP, HTX quyết tâm nâng tầm thương hiệu sản phẩm. Theo đó, HTX đã hướng dẫn bà con lựa chọn những khu đất, thửa ruộng thích hợp với cây khoai sọ; lựa chọn vùng đất rộng để thâm canh với diện tích lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho chăm sóc và thu hoạch.
Bên cạnh đó, HTX hướng dẫn 20 thành viên và bà con liên kết trong vùng áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đảm bảo năng suất đi đôi với chất lượng, vận động nông dân thu hoạch khoai đúng tuổi và lựa chọn những ngày thời tiết nắng ráo, nhặt rễ, sạch đất, phân loại khoai có chất lượng, đều củ, vừa đảm bảo giá cao vừa giúp HTX tiết kiệm thời gian.
Đặc biệt, từ khi 2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, tình hình sản xuất, kinh doanh của HTX chuyển biến hẳn với mức tiêu thụ gần gấp 2-3 lần trước, thị trường cũng tiếp tục được nhân rộng ra toàn quốc.
Không chỉ dừng lại ở đó, HTX đang nỗ lực chủ động nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm OCOP để nâng thứ hạng sản phẩm lên 4 sao.
“Để các sản phẩm OCOP ngày càng khẳng định được thương hiệu vững chắc trên thị trường, HTX mong muốn các sở, ngành, địa phương tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ khai thác, nâng cấp các sản phẩm. Đồng thời, có phương án hỗ trợ HTX, bà con nông dân mở rộng sản xuất khi sản phẩm đã chiếm lĩnh được thị trường tiêu thụ”, Giám đốc HTX Hoàng Văn Hưng nói.
Tô Thương