Trong hành trình phát triển đầy gian nan của vùng đất miền núi Khánh Hòa, ngày 24/2/2025 đã trở thành một dấu mốc đặc biệt. Lần đầu tiên, hai huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh – nơi phần lớn dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số, với xuất phát điểm kinh tế - xã hội thấp – chính thức được công nhận thoát khỏi danh sách huyện nghèo quốc gia, sớm một năm so với lộ trình.
Sự kiện này không chỉ là sự ghi nhận cho những nỗ lực bền bỉ của cả hệ thống chính trị, mà còn là thành quả từ sự đổi thay trong nhận thức, trong cách làm kinh tế của hàng nghìn hộ dân nơi đây. Một "kỳ tích" được làm nên bằng ý chí vượt khó và khát vọng vươn lên thoát nghèo của cả cộng đồng.
Khi HTX trở thành điểm tựa đổi thay
Từng là một trong 74 huyện nghèo toàn quốc giai đoạn 2021–2025, Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã có bước chuyển mình ấn tượng nhờ sự đồng lòng từ chính quyền đến người dân, đặc biệt là vai trò nổi bật của các HTX trong thay đổi tập quán sản xuất, tạo sinh kế bền vững và lan tỏa mô hình KTTT giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Với xuất phát điểm thấp, đến năm 2021, Khánh Vĩnh còn hơn 4.800 hộ nghèo (gần 46%) và hơn 1.300 hộ cận nghèo. Nhưng với nguồn lực khoảng 500 tỷ đồng mỗi năm từ Trung ương và tỉnh cùng quyết tâm chính trị, huyện đã tập trung đầu tư hạ tầng, phát triển sinh kế và hỗ trợ dịch vụ xã hội. Đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 14,77% – một kết quả phản ánh rõ rệt những nỗ lực bền bỉ.
Trọng tâm chiến lược giảm nghèo của huyện là phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với KTTT, phát triển các HTX, THT. Khánh Vĩnh xác định các cây trồng chủ lực như bưởi da xanh, sầu riêng, mít, xoài… và tổ chức sản xuất theo hướng liên kết – tiêu thụ ổn định – tăng giá trị. Bưởi da xanh nổi bật với hơn 600 ha, năng suất đạt 8 tấn/ha, sản lượng khoảng 4.000 tấn/năm. Thương hiệu "Bưởi da xanh Khánh Vĩnh" đã được cấp giấy chứng nhận bảo hộ.
Nhiều HTX trồng bưởi ra đời, góp phần quan trọng trong việc đưa đồng bào dân tộc thiểu số vào chuỗi giá trị nông sản hiện đại. HTX sản xuất và thu mua nông sản Hiệu Linh (xã Khánh Thành) là điển hình. Với 14 thành viên, phần lớn là người dân tộc thiểu số, HTX trồng và thu mua bưởi theo chuẩn VietGAP, liên kết hơn 20 hộ dân để mở rộng vùng sản xuất.
![]() |
Bưởi da xanh đã trở thành cây trồng chủ lực trong việc phát triển kinh tế của người dân. |
HTX hiện có hơn 20 ha bưởi đạt chuẩn VietGAP, đạt OCOP 3 sao, mỗi năm cung cấp hàng trăm tấn sản phẩm, tiêu thụ ổn định qua hệ thống Co.opmart Nha Trang – điều từng là “giấc mơ xa” với người dân miền núi. Ngoài bao tiêu sản phẩm, HTX còn hỗ trợ kỹ thuật, cây giống, vật tư nông nghiệp, giúp người dân an tâm sản xuất. Mỗi tháng, HTX đưa ra thị trường hơn 4 tấn bưởi VietGAP, dần khẳng định vị thế sản phẩm vùng cao.
Ông Đoàn Văn Hưởng – Giám đốc HTX vốn là người đi làm kinh tế mới ở Lâm Đồng, ông đến Khánh Vĩnh và chọn là nơi dừng lại. Ông khởi đầu với việc trồng 2 ha bưởi da xanh sau đó mở rộng lên 10 ha chỉ sau vài năm. Ông ứng dụng kỹ thuật cải tạo đất, trồng trọt hợp lý theo địa hình để đạt hiệu quả cao.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Hưởng còn hỗ trợ cộng đồng: mở cửa hàng vật tư nông nghiệp cho người dân mua trả chậm, thành lập HTX để giúp nông dân tránh bị thương lái ép giá. Các hộ nghèo không có vốn thì góp đất, được tính cổ phần và chia lợi nhuận theo doanh thu HTX.
“Khi mình làm trước, làm được rồi chỉ lại bà con, họ tin và làm theo. Sản phẩm làm bài bản, giá cao hơn 5.000–7.000 đồng/kg. Quan trọng là người dân có thu nhập ổn định, gắn bó với cây trồng và HTX”, ông Hưởng chia sẻ.
Hiện Khánh Vĩnh đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 13% vào năm 2025, nâng thu nhập bình quân đầu người lên hơn 40 triệu đồng/năm. Con đường đi tới phát triển bền vững ấy không thể thiếu vai trò của HTX – nơi hội tụ trí tuệ cộng đồng, ý chí vươn lên giữa đại ngàn.
Từ vùng đất hoang hóa đến thủ phủ cây ăn trái chất lượng cao
Trước kia, Khánh Sơn là vùng hoang hóa, bị tàn phá bởi tập quán du canh, du cư của đồng bào dân tộc thiểu số. Ngày nay, những đồi trọc xưa đã phủ kín bởi sầu riêng, chôm chôm, măng cụt… tạo nên vùng chuyên canh cây ăn trái chất lượng cao đang vươn mình mạnh mẽ.
Với gần 5.000 ha đất nông nghiệp, huyện tập trung chuyển đổi vườn tạp sang trồng cây có giá trị. Hiện có hơn 3.300 ha cây ăn trái, trong đó có 430 ha sầu riêng được cấp 15 mã số vùng trồng, đủ điều kiện xuất khẩu. Huyện có 34 sản phẩm OCOP, gồm 1 sản phẩm 4 sao và 33 sản phẩm 3 sao.
Thành công hôm nay bắt nguồn từ tầm nhìn dài hạn. Năm 1999, huyện đưa hơn 1.000 cây giống sầu riêng Moong Thoong về trồng thử nghiệm. Giai đoạn 2006–2010, huyện triển khai đề án phát triển sầu riêng – bước khởi đầu cho chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp bền vững.
Sầu riêng Khánh Sơn cho trái to, cơm vàng, hạt lép, hương vị đặc trưng, lại chín muộn hơn 4–5 tháng so với các vùng khác. Điều này giúp nông dân tránh áp lực mùa vụ và bán được giá cao hơn.
![]() |
Nhiều mô hình THT, HTX trồng cây ăn trái được hình thành và phát triển. |
Để tổ chức lại sản xuất gắn với lợi thế nông nghiệp, huyện chú trọng phát triển các HTX, tổ hợp tác trồng cây ăn trái. Tính đến cuối năm 2024, Khánh Sơn có 11 HTX và 28 tổ hợp tác hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực này. Nhiều mô hình tiêu biểu đã khẳng định được vai trò đầu tàu như: HTX Điền Thanh (xã Sơn Hiệp), HTX Cây ăn quả Sơn Bình, HTX Sầu riêng hữu cơ Sơn Trung, HTX Nông nghiệp xanh Thành Sơn... Các tổ hợp tác trái cây Ba Cụm Bắc, sầu riêng Ba Cụm Nam và sầu riêng Dốc Gạo (thị trấn Tô Hạp) cũng đang hoạt động năng động, liên kết chặt chẽ với nông dân.
Đáng chú ý, trong số 15 chủ thể được cấp mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc, có tới 13 đơn vị là HTX và tổ hợp tác. Điều này cho thấy vai trò chủ đạo của KTTT trong phát triển nông nghiệp địa phương. Các đơn vị không chỉ tổ chức sản xuất, cung ứng vật tư đầu vào, mà còn đảm nhận tiêu thụ nông sản, nâng cao thu nhập cho thành viên.
Chính thức thoát nghèo trước hạn
Ngày 24/2/2025, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình ký Quyết định công nhận hai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh thoát khỏi danh sách huyện nghèo giai đoạn 2021–2025 – một bước ngoặt ghi nhận nỗ lực vượt bậc của chính quyền và nhân dân.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Khánh Hòa công bố quyết định, ưu tiên bố trí ngân sách và huy động nguồn lực để tiếp tục đầu tư hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội tại hai huyện. Đồng thời, yêu cầu địa phương duy trì chất lượng các tiêu chí thoát nghèo, nhất là tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập và trình độ phát triển cấp xã, bảo đảm tính bền vững.
![]() |
Chính quyền các cấp tại Khánh Hòa thường xuyên tổ chức các buổi xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm của HTX, bà con tới người tiêu dùng. |
Với đông đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, hai huyện từng là trọng điểm giảm nghèo. Nhờ đầu tư từ Trung ương và tỉnh, các chương trình hỗ trợ hạ tầng, sinh kế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xóa nhà tạm… đã làm thay đổi diện mạo vùng núi.
Tại lễ công bố quyết định, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa nhấn mạnh: “Việc hai huyện thoát nghèo trước hạn là điểm sáng và bước ngoặt lịch sử. Nhưng thách thức lớn là làm sao để không tái nghèo. Phải quy hoạch phát triển bền vững, chú trọng nông – lâm nghiệp, du lịch cộng đồng và tăng cường nội lực – yếu tố then chốt cho sự phát triển lâu dài.”
Nhìn lại những thành công của hai huyện nói chung và khu vực KTTT, HTX nói riêng có thể thấy, đó là sự quyết tâm rất lớn của lãnh đạo hai huyện, bên cạnh đó là sự hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam thông qua Liên minh HTX tỉnh đã hỗ trợ, đào tạo và định hướng cho các HTX ở hai huyện đi đúng hướng. Từ đó đã góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, từ đó xóa đói giảm nghèo trên địa bàn.
Có thể thấy, Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đã bước ra khỏi vùng tối của nghèo đói, nhưng phía trước là hành trình dài đòi hỏi quyết tâm lớn hơn để giữ vững thành quả và phát triển bền vững. Thoát nghèo không phải là điểm kết thúc, mà là điểm khởi đầu cho một giai đoạn mới – giai đoạn kiến tạo nội lực, khơi dậy tiềm năng bản địa, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển hài hòa, toàn diện.
Thu Thảo