Điển hình như HTX Nông sản - Dược liệu Mạnh Hương (huyện Bảo Thắng) đã chọn hướng phát triển là sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông sản, dược liệu và thực phẩm như tinh bột nghệ, bột sắn dây, khoai sâm (hoàng sin cô), hà thủ ô, cà gai leo, trà bí đao, trà mướp đắng, trà hoa đu đủ đực, miến dong, nấm hương...
Tạo việc làm ổn định
HTX đã đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm. HTX còn tích cực tham gia các hội chợ, hoạt động xúc tiến thương mại, bán sản phẩm trên sàn thương mại điện tử Postmart, trên trang facebook, zalo...
Ông Nguyễn Tiến Mạnh, Giám đốc HTX cho biết, mỗi năm HTX đưa ra thị trường khoảng 25 tấn tinh bột nghệ cùng nhiều sản phẩm nông sản khác. Doanh thu bình quân ước đạt 250 triệu đồng/tháng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 8 lao động thường xuyên và 30 lao động thời vụ, thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng.
![]() |
Doanh thu bình quân của HTX Nông sản - Dược liệu Mạnh Hương ước đạt 250 triệu đồng/tháng, tạo thu nhập ổn định cho 8 lao động thường xuyên và 30 lao động thời vụ. |
Hay như tại Mường Khương, mô hình sản xuất của HTX Kinh doanh tổng hợp Mường Khương không chỉ trồng rau củ quả mà còn tập trung vào trồng ớt, chế biến ớt. HTX có 150ha ớt nguyên liệu, trung bình mỗi năm sản xuất 500 tấn tương ớt, doanh thu khoảng 14 tỷ đồng.
Đặc biệt, từ quá trình sản xuất đến tiêu thụ được thực hiện theo chuẩn VietGAP, từ đó hình thành chuỗi giá trị sản phẩm, bảo đảm ổn định cả đầu vào và đầu ra. HTX Kinh doanh tổng hợp Mường Khương kết nối với nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, HTX đã liên kết với doanh nghiệp để mở hướng xuất khẩu. Mô hình sản xuất của HTX đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo khi liên kết trồng ớt cùng HTX. Ngoài ra, HTX còn tạo việc làm và thu nhập cho trên 50 thành viên.
Một số mô hình HTX khác hoạt động hiệu quả theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao, tạo việc làm ổn định, giúp người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu, có thể kể đến như: Mô hình sản xuất, chế biến chè chất lượng cao của HTX Bản Liền (Bắc Hà); HTX Nậm Dù Xuân Quang (Bảo Thắng) sản xuất mật ong, liên kết tiêu thụ quả na; HTX rau quả Thắng Lợi (thị xã Sa Pa) trồng dâu tây bằng phương pháp giá thể trong nhà kính; HTX Nông nghiệp công nghệ cao Lùng Phình (Bắc Hà) trồng các loại rau, củ, quả trong nhà màng.
Ngoài ra, tại thị xã Sa Pa có một số HTX du lịch hoạt động khá hiệu quả, tạo việc làm ổn định cho người lao động bản địa, như HTX Cộng đồng Dao đỏ, xã Tả Phìn; HTX Du lịch sinh thái Hoàng Liên; HTX du lịch Cộng đồng Tả Phìn; HTX Mường Hoa, xã Tả Van; HTX Tả Phìn Xanh...
Đóng góp lớn vào công cuộc giảm nghèo
Những năm gần đây, khu vực kinh tế HTX của Lào Cai đã thể hiện vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của cả tỉnh nói chung và vùng nông thôn nói riêng. Bằng việc áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là hoạt động gắn với các sản phẩm chủ lực của vùng, thực hiện liên kết chuỗi..., mô hình kinh tế HTX đã giúp tỉnh xây dựng thành công các vùng chè, chuối, quế, dược liệu, gạo Séng cù cùng nhiều sản phẩm nông lâm sản có giá trị khác.
Theo lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh Lào Cai, vai trò lớn nhất của thành phần kinh tế HTX chính là thúc đẩy phát triển kinh tế các hộ thành viên, tạo việc làm cho lao động nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.
"Không hợp tác với nhau thì không thể làm được những việc lớn. Khi tư vấn thành lập HTX thì phải hướng cho các HTX theo chương trình nông nghiệp hàng hóa của tỉnh; nâng cao trình độ quản trị của HTX, đáp ứng nhu cầu thị trường", lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh Lào Cai nhấn mạnh.
Khi hộ nông dân làm ăn đơn lẻ thì không thể có thương hiệu, chất lượng không đồng đều. Ngược lại, khi cùng hợp tác, chung một chí hướng sẽ tạo ra khối lượng sản phẩm đủ sức cạnh tranh và được cơ quan nhà nước bảo hộ. Tính ưu việt này đang được các HTX kiểu mới của Lào Cai vận dụng để có chỗ đứng trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp, Đề án Hỗ trợ xây dựng HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị của Liên minh HTX Việt Nam, như đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý, tổ chức điều hành sản xuất của các HTX, hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị hàng hóa chủ lực đã được UBND tỉnh ban hành.
![]() |
Kinh tế HTX đóng góp quan trọng vào việc xây dựng thành công các vùng chè, chuối, quế, dược liệu, gạo Séng cù cùng nhiều sản phẩm nông lâm sản có giá trị khác. |
Các HTX đã và đang thể hiện vai trò quan trọng trong ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thúc đẩy hình thành các liên kết, chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp và cung cấp dịch vụ thiết yếu trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều HTX hoạt động hiệu quả, đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động, đóng góp lớn vào công cuộc giảm nghèo của tỉnh.
Năm 2024, Lào Cai có 20.411 hộ nghèo, chiếm 11,24% tổng số hộ trên địa bàn tỉnh và 18.058 hộ cận nghèo, chiếm 9,94% tổng số hộ trên địa bàn tỉnh. So với năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 3,7%, tương ứng giảm 6.380 hộ; tỷ lệ hộ cận nghèo toàn tỉnh giảm 0,31%, tương ứng giảm 317 hộ.
Phát huy, mở rộng HTX
Theo thống kê gần nhất của Liên minh HTX Lào Cai, tổng số HTX trên địa bàn tỉnh đạt 515 HTX trong đó có 374 HTX đang hoạt động, chiếm 72,6% tổng số HTX. Trong đó, doanh thu bình quân của HTX ước đạt 918 triệu đồng/ năm; lãi bình quân của HTX ước đạt 105 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong HTX ước đạt 48 triệu đồng/năm.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai thực chất, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương về phát triển kinh tế tập thể (KTTT), HTX. Thu hút đại bộ phận nông dân tham gia HTX và huy động ngày càng nhiều các tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoặc liên kết với HTX; xây dựng và phát triển các HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh; tăng cường xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu các sản phẩm chủ lực; xây dựng các mô hình KTTT, HTX kiểu mới phù hợp với bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0; tăng cường hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực sản xuất và khả năng thích nghi trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, biến đổi khí hậu cho kinh tế hợp tác.
Lào Cai đặt mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh có 725 HTX với 14.400 thành viên, 9.386 tổ hợp tác. Cùng với việc thành lập mới, các HTX nông nghiệp sẽ tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, tổ chức sản xuất, đầu tư, liên kết, liên doanh gắn với chuỗi giá trị, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển nông nghiệp hàng hóa của tỉnh Lào Cai đến năm 2030.
Theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân, để phát triển KTTT hiệu quả, bên cạnh việc tận dụng những cơ hội và điều kiện thuận lợi, tỉnh Lào Cai cần có giải pháp vượt qua những khó khăn, thách thức do tác động của biến đổi khí hậu và thích ứng với cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đáp ứng những đòi hỏi và mức độ cạnh tranh ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế, làm thế nào để mọi người dân tham gia phát triển KTTT, HTX, khởi nghiệp thông qua mô hình HTX. Nâng cao năng lực quản trị, thu hút lao động chất lượng, tay nghề cao, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến; huy động nguồn lực đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX, hoạt động hiệu quả và tạo ra sự gắn kết chặt chẽ giữa HTX và thành viên…
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhận xét Lào Cai còn nhiều dư địa để phát triển, cho nên trong thời gian tới, Liên minh HTX Việt Nam sẽ phối hợp cùng tỉnh Lào Cai nghiên cứu kỹ, bài bản để tập trung phát triển HTX. Lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh cần chuyển tải các chính sách hỗ trợ đến HTX để triển khai thực hiện hiệu quả; cần tăng cường công tác đối thoại, nắm bắt những khó khăn để tháo gỡ, hỗ trợ kịp thời, góp phần duy trì, thúc đẩy KTTT, HTX phát triển. Quan tâm phát triển sản xuất chuỗi giá trị, đem lại hiệu quả cao, tăng thu nhập cho các HTX.
Ngọc Giang