Mới đây, sản phẩm Đậu đỏ K7 của HTX Nông nghiệp sinh thái rừng xanh, rau sạch (thôn Ating, xã Ga Ry) đã được lựa chọn là một trong 2 sản phẩm mới được UBND huyện Tây Giang tư vấn, hỗ trợ phát triển, trưng bày. Sản phẩm này phấn đấu được xếp hạng OCOP 3 sao trong năm 2025 này.
“Điểm tựa” từ HTX
Sản phẩm Đậu đỏ K7 của HTX này đã được đánh giá đạt các tiêu chí về nguồn gốc sản phẩm, nguyên liệu địa phương, sử dụng lao động địa phương, nguồn gốc ý tưởng sản phẩm, bản sắc, trí tuệ địa phương.
![]() |
Sản phẩm Đậu đỏ K7 của HTX Nông nghiệp sinh thái rừng xanh phấn đấu được xếp hạng OCOP 3 sao trong năm 2025. |
Không chỉ với sản phẩm nêu trên, HTX Nông nghiệp sinh thái rừng xanh, rau sạch đã tích cực đưa nông sản đặc trưng của núi rừng ở Ga Ry tham gia các hội chợ, triển lãm khắp các tỉnh thành. HTX có nhiều hoạt động tích cực để vừa bán nông sản sạch giúp bà con và vừa quảng bá nét đẹp văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc Cơ Tu trong xã.
Những chuyến hàng của HTX được vận chuyển xuống các công ty, siêu thị bán rất nhanh và được người mua rất thích, đây là những rau củ quả sạch (không sử dụng các loại thuốc hóa học gây hại cho sức khỏe) do người dân tự trồng. Đặc biệt, lá đẳng sâm, dưa mèo rất được ưa chuộng.
Với việc tích cực kết nối giao thương, liên kết ổn định đầu ra, HTX này đã giúp các thành viên HTX có thu nhập từ 7-10 triệu đồng/tháng. Đồng thời, khi tham gia làm ăn với HTX, người dân xã Ga RY quen dần với sản xuất nông nghiệp hàng hóa, biết mở rộng diện tích giống cây trồng phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng.
Theo chị Coor Thị Nghệ, sinh năm 1990, Giám đốc HTX, đến nay HTX có 23 thành viên hoạt động, đang mở hướng đi mới nhằm giúp tiêu thụ hiệu quả sản phẩm nông sản của đồng bào địa phương.
Để nâng tầm hoạt động, HTX đã mạnh dạn vay ngân hàng hơn 600 triệu đồng để đầu tư hệ thống máy sấy. Nhờ đó, nhiều nông sản sạch được sơ chế, chế biến để bảo quản được lâu hơn, gia tăng giá trị và có thể đến được với người tiêu dùng cả nước. HTX còn trồng thêm 2ha cam bản địa, cùng 1ha táo mèo và 1ha bưởi da xanh.
Thực hiện được ước mơ đổi đời
Với sự giúp sức của chính quyền địa phương, HTX Nông nghiệp sinh thái Rừng xanh rau sạch đã thu mua nông sản, dược liệu của người dân, kết nối thành viên phát triển...Sau thời gian hoạt động, mỗi năm doanh thu của HTX đạt hàng trăm triệu đồng, giúp tạo công văn việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều người dân địa phương.
![]() |
HTX Nông nghiệp sinh thái rừng xanh, rau sạch đã tích cực đưa nông sản đặc trưng của núi rừng ở Ga Ry tham gia các hội chợ khắp các tỉnh thành. |
Hiện nay HTX đã hình thành vùng trồng nguyên liệu rộng lớn gồm có: cam bản địa, táo mèo, bưởi da xanh, măng, ớt xiêm, chuối....Mặt khác, HTX này còn mở một quầy hàng nhỏ bán nông sản, thổ cẩm vùng cao tại Tp. Đà Nẵng. Trong đó có nhiều mặt hàng thực phẩm đặc sắc như thịt trâu gác bếp, thịt heo xông khói, bắp nếp, dứa mật....
Được coi là “điểm tựa” giúp bao tiêu các mặt hàng nông sản cho bà con xã vùng cao Ga Ry, ngoài thu mua nông sản do bà con mang đến HTX, cứ hai ngày các thành viên chia nhau xuống từng khu dân cư thu mua giúp bà con. Nông sản sau đó được HTX phân loại đóng gói, vận chuyển cho các công ty, siêu thị tại Đà Nẵng và cửa hàng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
“Khi thấy bà con vui mừng vì bán được hàng thì tôi cũng phấn khởi, cảm thấy bản thân đang góp phần giúp họ thực hiện được ước mơ đổi đời từ nông sản do chính mình làm ra”, chị Nghệ chia sẻ.
Với việc ăn nên làm ra của HTX Nông nghiệp sinh thái rừng xanh, chị Coor Thị Nghệ được xem là điển hình cho mô hình khởi nghiệp từ nông sản địa phương. Từ việc HTX cùng cộng đồng người dân địa phương, tìm hướng thoát nghèo, gần đây, chị Nghệ còn vinh dự được kết nạp vào Đảng, trở thành gương mặt tiêu biểu trong phong trào khởi nghiệp của địa phương Tây Giang.
Bà Bríu Thị Kinh, ở thôn Arooi, xã Ga Ry, cho biết, nhà bà có đất rộng, trồng rất nhiều đẳng sâm, mùa này đi hái lá bán, rồi trồng bắp, đậu các loại…Ngày nào bà cũng tranh thủ thu hoạch mang xuống HTX bán, có ngày thu từ 300 - 500 nghìn đồng.
Theo bà Kinh, từ khi có HTX đã giúp gia đình bà được các loại rau củ quả. Bây giờ làm ra cái gì cũng bán ngay được, không như ngày trước phải vất vả tìm người mua.
Còn theo đánh giá của bà Bríu Thị Nem, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Tây Giang, mô hình khai thác nông sản vùng cao của HTX Nông nghiệp sinh thái rừng xanh đã và đang mở hướng phát triển sinh kế mới, cùng giúp nhau thoát nghèo cho bà con địa phương.
Vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng
Ngoài HTX nêu trên, một “điểm tựa” khác cũng được người dân xã Ga Ry kỳ vọng chính là HTX Nông nghiệp - Du lịch Tây Giang (ở Thôn Arooi, xã Ga Ry). Nhất là trong xã có những lợi thế nhất định để phát triển du lịch cộng đồng, khám phá nét đẹp văn hóa của đồng bào Cơ Tu và có những sản vật địa phương có thể đẩy mạnh đầu ra từ việc thu hút khách du lịch.
![]() |
Từ “điểm tựa” HTX, bà con dân tộc thiểu số xã Ga Ry đang dần quen với sản xuất nông nghiệp hàng hóa. |
Để giúp cho người dân, bà con dân tộc thiểu số ở Ga Ry mở ra cơ hội đổi đời thì thời gian qua, từ định hướng của Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam đã có những hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác ở xã Ga Ry nói riêng và huyện Tây Giang nói chung. Đặc biệt thông qua những chương trình tập huấn cho các thành viên HTX đã giúp cho người dân Ga Ry có được tư duy đổi mới, sản xuất nông nghiệp hàng hóa để từ đó đưa hoạt động của HTX nông nghiệp kiểu mới ngày càng đi lên theo hướng bền vững.
Không chỉ vậy, chính từ sự quan tâm, hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam khi tạo điều kiện tham gia hội chợ, triển lãm mà sản phẩm của HTX Nông nghiệp sinh thái rừng xanh được người tiêu dùng biết đến rộng rãi hơn, từ đó tạo được thu nhập ổn định cho người dân Ga Ry.
Và với việc quen dần sản xuất nông nghiệp hàng hóa, những năm gần đây, ở Ga Ry đã phát triển những mô hình thu mua nông sản của cộng đồng, phát triển kinh tế hộ gia đình, mở rộng vườn trồng nông sản, chăn nuôi heo cỏ…đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương.
Điển hình như anh Zơrâm Nhông, dân tộc Cơ tu, sinh năm 1986, tại thôn Da Ding, xã Ga Ry. Hiện tại, trang trại gia đình anh có 100 cây macca, 80 cây cam sành, 50 cây bưởi, hơn 50 cây ăn quả khác (quýt, ổi, chanh...). Ngoài ra, anh còn tận dụng chăn nuôi thêm bò, heo và vịt...tạo nên mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình bền vững.
Điều này hoàn toàn khác so với trước đây, khi đời sống người dân chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nương rẫy và các mô hình sinh kế dưới tán rừng nhỏ lẻ.
Để người dân, bà con dân tộc thiểu số nơi đây tự tin làm kinh tế, thoát nghèo từ tài nguyên bản địa, chính quyền huyện Tây Giang và xã Ga Ry đã nỗ lực tuyên truyền, định hướng các mô hình phát triển mới phù hợp với điều kiện địa phương. Đồng thời hỗ trợ vay vốn, tập huấn cho người dân có có ý tưởng sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp, kinh doanh.
Nhờ đó mà đến nay, rất nhiều mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp đã hình thành ở Ga Ry, từng bước phát triển mở rộng, tạo thu nhập ổn định cho gia đình. Tin rằng từ “điểm tựa” HTX và sản xuất nông nghiệp hàng hóa phù hợp với điều kiện của địa phương sẽ ngày càng giúp cho người dân nơi đây vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Thanh Loan