Một trong những mô hình liên kết sản xuất sản phẩm nông nghiệp mới tiêu biểu trên địa bàn huyện Bình Gia là mô hình liên kết trồng cây macca của HTX Nông lâm nghiệp Kéo Coong, xã Tân Văn. Đây là HTX trồng macca cho sản phẩm đầu tiên của Lạng Sơn, với quy mô hơn 5.000 cây.
Thành công nhờ liên kết
Ông Nông Văn Viên, Giám đốc HTX Kéo Coong, cho hay: “Năm 2013, HTX bắt đầu đưa 500 cây macca về trồng, đến năm 2017, khoảng 250 cây bắt đầu cho quả, sản lượng bình quân đạt hơn 1 tấn quả tươi/vụ, tương đương khoảng 4 tạ hạt thành phẩm, sản phẩm được doanh nghiệp bao tiêu với giá bình quân 30 nghìn đồng/kg quả tươi”.
Sản xuất nông nghiệp ở Bình Gia đang có tính liên kết cao, qua đó tăng hiệu quả. |
Những thử nghiệm ban đầu cho thấy cây macca cho giá trị kinh tế cao, sản phẩm đầu ra lại được bao tiêu ổn định, do đó đến năm 2018, HTX Kéo Coong đã quyết định mở rộng diện tích trồng cây lên 15 ha.
Giám đốc Nông Văn Viên cho biết, ngay từ khi khởi sự, các thành viên HTX đều thống nhất cần thay đổi tư duy sản xuất theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học – kỹ thuật mới, chú trọng bảo vệ môi trường nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng, giàu sức cạnh tranh.
Theo đó, trong quá trình sản xuất, 100% diện tích của HTX được áp dụng quy trình canh tác hữu cơ, VietGAP. Các loại hóa chất độc hại được loại bỏ hoàn toàn. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón tuân thủ nguyên tắc đúng loại, đúng liều, đúng cách và thời gian cách ly đúng quy định.
Để chăm sóc cây trồng, các hộ ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ, đặc biệt là các loại phân chuồng đã được xử lý vi sinh, ủ hoai mục theo tiêu chuẩn an toàn sinh thái. Qua đó, đảm bảo khả năng sinh trưởng của cây, năng suất, chất lượng sản phẩm tốt, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tránh lãng phí.
Bên cạnh hoàn thiện sản xuất theo hướng hàng hóa, thân thiện môi trường, thời gian qua, được sự hỗ trợ của Phòng NN&PTNT huyện, HTX Kéo Coong đang hướng đến việc sản xuất, đóng gói hạt macca đã qua sơ chế có tem nhãn đầy đủ sau đó mới ký hợp đồng bán thành phẩm cho doanh nghiệp để đạt giá trị kinh tế cao hơn và hướng đến quảng bá rộng sản phẩm đến thị trường cả nước.
Mở rộng sản xuất lớn
Không chỉ trong trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi của huyện cũng đạt được những thành công tích cực, đặc biệt trong việc liên kết sản xuất theo hướng hàng hóa gắn với an toàn sinh thái.
Chăn nuôi theo hướng gia trại tăng giá trị sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. |
Đơn cử như mô hình chăn nuôi HTX nông lâm nghiệp xã Hồng Thái. Năm 2020, HTX ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Hồng Thức nhằm liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên.
Bà Hoàng Thị Phương, thành viên HTX, chia sẻ từ khi tham gia vào HTX, gia đình bà biết đến hình thức chăn nuôi trâu, bò theo hướng gia trại. Nếu như trước đây, chăn nuôi truyền thống phải mất 3 năm/lứa, thì hiện nay, mỗi năm gia đình vỗ béo được 2 – 3 lứa, mỗi lứa từ 7 đến 10 con.
Đặc biệt, thông qua các lớp tập huấn, bà Phương được hướng dẫn và học hỏi về kỹ thuật chăn nuôi theo hướng an toàn sinh thái. Theo đó, công tác vệ sinh môi trường trong chăn nuôi được đảm bảo. Các loại chất thải được thu gom đúng cách, xử lý vi sinh để làm phân bón, vừa tăng giá trị vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
“Nhờ sản xuất khoa học, chú trọng an toàn sinh thái, hiện mỗi năm, gia đình tôi xuất bán 2 - 3 lứa trâu bò vỗ béo, đem lại thu nhập trên 80 triệu đồng/năm”, bà Phương nói.
Với giá trị kinh tế cao gấp 2 đến 3 lần so với chăn thả tự nhiên, hiện nay, HTX Hồng Thái duy trì mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo với quy mô 250 con. Mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo của HTX đã trở thành mô hình hiệu quả để nhiều hộ dân học tập, nhân rộng. Đến nay, đã có 60 hộ tại 5/6 thôn trên địa bàn xã phát triển mô hình chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng, tăng 25 hộ so với năm 2020.
Để có được thành công hiện tại, đại diện Phòng NN&PTNT huyện Bình Gia cho biết trong quá trình triển khai thực hiện các mô hình liên kết sản xuất từ năm 2018 đến nay, huyện đã giao các cơ quan chuyên môn trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi.
Huyện cũng chủ động phối hợp mở các đợt tập huấn tại các xã để nâng cao trình độ sản xuất cho các hộ dân, đảm bảo quy trình sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm đáp ứng đúng cam kết với doanh nghiệp, hạn chế để xảy ra trường hợp doanh nghiệp hủy hợp đồng gây thiệt hại cho cả 2 bên. 3 năm qua, huyện đã tổ chức 67 lớp tập huấn cho 3.779 học viên tại 17 xã đặc biệt khó khăn.
Để mở rộng các mô hình liên kết sản xuất, thời gian tới, UBND huyện tiếp tục kết nối các HTX, doanh nghiệp, các chuyên gia thực hiện khảo sát, lựa chọn cây, con giống phù hợp với từng xã, đồng thời vận động, hỗ trợ, hướng dẫn người dân dần thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp từ nhỏ lẻ, quy mô gia đình sang sản xuất hàng hóa tập trung gắn với an toàn sinh thái, hướng đến mục tiêu mỗi xã có ít nhất một mô hình liên kết sản xuất hiệu quả.
Nhật Minh