Tình trạng lạm dụng thuốc BVTV được xem là thói quen khó bỏ của nông dân. Thay vì sử dụng các loại thuốc sinh học để thay thế, họ phun cho cây trồng bằng các loại thuốc hóa học được bán trên thị trường. Không những thế, nhiều nông dân còn không tuân thủ về liều lượng mà tiến hành phun, bơm thuốc theo kiểu “càng đậm đặc thì sâu bệnh càng mau chết” và càng phun nhiều thì mới không bị mất mùa mà không hề quan tâm đến chất lượng nông sản, môi trường.
Không tuân thủ quy trình sản xuất
Xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa) chủ yếu sản xuất lúa và cây rau màu truyền thống. Tuy nhiên, chỉ có hơn 20ha lúa và 10ha rau màu được chăm sóc theo quy trình an toàn (VietGAP), còn lại nông dân tự chăm sóc theo kinh nghiệm. Tình trạng phun xịt thuốc BVTV xuất hiện hầu hết các tháng trong năm và trên mọi loại cây trồng.
Để chăm sóc 2 sào lúa của mình, bà Nguyễn Thị Mỹ Dung (thôn Nam Phước, xã Nghĩa Thuận) phải sử dụng thuốc BVTV ít nhất 4 lần trong mỗi vụ. Bà Dung cho biết khi sạ được 4 ngày thì phun thuốc diệt cỏ, sau đó tầm một tháng sẽ phun thuốc dưỡng cây, đến khi lúa gần làm đòng lại phun thuốc tiếp, rồi lúc lúa làm đòng phải bơm thuốc dưỡng hạt. Đó là chưa kể, khi lúa bị nhiễm các loại bệnh như sâu cuốn lá, rầy nâu... cũng bắt buộc phải sử dụng thuốc, chứ không là coi như mất mùa.
Lạm dụng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không chỉ gây tồn dư hóa chất trong nông sản mà còn làm môi trường bị ô nhiễm. |
Còn ông Nguyễn Văn Đính (thôn Nam Phước, xã Nghĩa Thuận) cho biết, trồng rau cũng phải phun xịt thuốc từ những ngày mới trồng cho đến khi sắp thu hoạch thì rau mới xanh, không bị còi cọc. Ông thường dùng thuốc trừ nấm, diệt sâu bọ, diệt cỏ, cũng có khi là thuốc dưỡng lá, kích thích trái.
“Tôi sử dụng phân bón, thuốc BVTV theo kinh nghiệm, chia sẻ của các chủ vườn và hướng dẫn của người bán. Dù biết là độc hại nhưng không xịt thì cây chết, rau quả xấu thương lái không mua”, ông Đính chia sẻ.
Đặc biệt, nhiều nông dân sử dụng thuốc BVTV không theo khuyến cáo. Việc kiểm tra mẫu đất, nước theo định kỳ không được tiến hành nên xảy ra tình trạng thuốc BVTV tồn dư trong nông sản, đất, nước.
Ông Nguyễn Văn Đính chia sẻ, các thành viên trong gia đình và người dân ở gần nhà ông vẫn đang dùng thuốc BVTV hóa học là chính, tỷ lệ sử dụng thuốc sinh học rất thấp. Quá trình sử dụng thuốc BVTV hóa học, nhiều người không hề tuân thủ đúng hướng dẫn về liều lượng, mang đồ bảo hộ, chưa cách ly đủ số ngày nên khi nào ra đồng là nồng nặc mùi thuốc. Đất canh tác thì bị cằn cỗi.
Phát triển các mô hình sản xuất sạch
Trước thực trạng trên, các cơ quan hữu quan của tỉnh đã đẩy mạnh kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất kinh doanh, phân phối thuốc BVTV; tuyên truyền, khuyến khích nông dân sử dụng thuốc BVTV sinh học, áp dụng kỹ thuật sử dụng thuốc “4 đúng” (đúng thuốc; đúng nồng độ, liều lượng; đúng lúc và đúng kỹ thuật)…
Nhờ đó, gần đây tỉ lệ sử dụng thuốc BVTV có hại đã giảm đáng kể. Đặc biệt, nhờ tuyên truyền và mở các khóa tập huấn, nhiều hộ nông dân và các HTX, THT đã ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng các loại thuốc BVTV sinh học... Áp dụng sản xuất trên các cánh đồng lớn, các chuỗi liên kết nông nghiệp, quy hoạch khu nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến nông sản xuất khẩu hay những mô hình sản xuất VietGAP, hữu cơ. Nhiều HTX đã thành công, mang lại hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.
HTX nấm Đức Nhuận (huyện Mộ Đức) là một trong những mô hình tiêu biểu chú trọng sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường tại địa phương. HTX đang triển khai trồng nấm ăn và nấm dược liệu theo hướng hàng hóa. Tham gia mô hình này, thành viên bảo đảm từ khâu sản xuất đến thu hoạch, bảo quản và phân phối ra thị trường đều tuân thủ theo quy trình chặt chẽ, hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học mà chỉ chú trọng đầu tư cơ sở vật chất để tạo môi trường tốt nhất cho nấm phát triển nên sản phẩm nấm an toàn được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.
Hay như HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Đức Hiệp (huyện Mộ Đức) ngày trước chuyên trồng dâu phục vụ nuôi tằm, nhưng nay, nghề này không còn hiệu quả vì khó khăn về đầu ra cho sản phẩm. Vì vậy, HTX liên kết với công ty Vinasoy trồng cây đậu nành.
Trong quá trình sản xuất, các thành viên tăng cường sử dụng phân hữu cơ và phân vi sinh cho cánh đồng đậu nành của mình và hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học nhằm nâng cao chất lượng nông sản, an toàn cho người tiêu dùng.
“Các thành viên hầu như không tốn tiền mua thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu thi thoảng có mua nhưng phải là loại nằm trong danh mục cho phép. Tôi đã trồng cây cỏ đậu để giảm xói mòn và giữ độ ẩm cho đất. Cây cỏ đậu không hút phân của cây đậu nành, trái lại rễ của nó tạo ra vi sinh vật, côn trùng có lợi cho cây đậu nành và đất”, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Đức Hiệp Lê Văn Trường cho biết.
Nhờ sản xuất theo quy trình, tất cả sản phẩm nông dân làm ra đều được công ty Vinasoy thu mua. Thời gian tới, HTX dự định mở rộng diện tích trồng đậu nành và tiếp tục áp dụng quy trình sản xuất an toàn để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và nâng cao chất lượng môi trường nông nghiệp.
Mô hình trồng nấm của HTX Đức Hiệp được đánh giá là thân thiện môi trường. |
Ngoài các HTX trên, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã xuất hiện nhiều mô hình giảm sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp như: mô hình trồng măng tây xanh hữu cơ ở xã Tịnh Giang (Sơn Tịnh), Đức Chánh, Đức Thắng (Mộ Đức) và thị trấn Đức Phổ (Đức Phổ); mô hình trồng rau sạch của Tổ hợp tác nông dân ở xã Bình Thới (Bình Sơn)…
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi, hai năm gần đây, tình trạng sử dụng thuốc BVTV không theo khuyến cáo, thuốc có độ độc cao, pha trộn nhiều loại thuốc để phun đã giảm đáng kể so với trước. Bởi địa phương đã tạo điều kiện cho người dân, HTX phát triển sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ.
Nhằm loại bỏ triệt để các phương pháp sản xuất có hại cho môi trường và sức khỏe người nông dân, thời gian tới, tỉnh Quảng Ngãi sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân nhân rộng ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới như: Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), mô hình 3 giảm, 3 tăng, VietGAP, cánh đồng mẫu; xây dựng các bể chứa bao bì thuốc BVTV tại cánh đồng… để tiếp tục giảm, chống lạm dụng và nâng cao hiệu quả sử dụng thuốc BVTV.
Tùng Lâm