HTX sản xuất kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh được thành lập từ năm 2013, tập hợp 10 thành viên đồng thời là những nghệ nhân giỏi. Đến nay, HTX đang tạo việc làm cho 30 lao động với mức thu nhập trung bình từ 8-15 triệu đồng/tháng. Hiện, mỗi năm HTX cung ứng 50.000 sản phẩm các loại, cung cấp cho thị trường trong nước và vươn ra thị trường thế giới như: Đức, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc,...
Thời của gốm sứ công nghệ
Có dịp trở lại làng gốm Bát Tràng, chúng tôi cảm nhận rõ sự thay đổi của làng nghề này so với 4-5 năm trước. Gặp nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Trần Đức Tân, được ông giới thiệu về gốm sứ Bát Tràng, lại càng thêm yêu nghề truyền thống nơi đây khi biết sự giao thoa giữa cục đất sét và công nghệ thời hiện đại.
Đôi bàn tay khéo léo của thợ gốm làng nghề gốm sứ Bát Tràng. |
NNƯT Trần Đức Tân, Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh cho biết, để giữ được nghề như ngày hôm nay, ông và các thành viên đã trải qua vô vàn khó khăn, có những lúc tưởng phải đóng cửa lò gốm.
Theo ông Tân, khi nhận thức rõ về xu hướng thị trường, với làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay, HTX Tân Thịnh đã có những đổi mới về công nghệ sản xuất, không ngừng tăng cường mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp thị hiếu trong nước và nước ngoài. Đồng thời, phải ứng dụng thương mại điện tử để quảng bá, mở rộng thị trường.
Là người say mê với nghề, nghệ nhân ưu tú Trần Đức Tân đã nghiên cứu rất nhiều về công nghệ, mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại bậc nhất vào các công đoạn sản xuất gốm sứ của HTX như: máy đánh hồ, máy khuấy, máy nghiền li tâm, lò nung đốt liên hoàn bằng điện, máy in hoa văn... Nhờ đó, sản lượng năm sau lớn hơn năm trước 20-30% mà cung vẫn không đủ cầu.
Chị Nguyễn Thị Mến (xã Cửu Cao, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) gắn bó với nghề gần 20 năm cho biết: “Việc HTX đưa máy móc vào sản xuất đã giúp người lao động chúng tôi đỡ vất vả mà năng suất lại cao hơn. Trước đây, tôi phải tạo, nặn hình các sản phẩm gốm sứ bằng tay thì nay với máy tạo hình chỉ cần cho khuôn mẫu vào máy, có thể tạo ra các dạng hình khối khác nhau. Năng suất của máy có thể gấp vài chục lần so với người làm và độ chính xác lại cao hơn”.
Đặc biệt, công nghệ mạ kim loại trên cốt gốm, bộ sản phẩm lọ gốm hoa văn cách điệu của HTX Tân Thịnh được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực năm 2014.
Gần đây, NNƯT Trần Đức Tân cho ra mắt bộ sản phẩm men suối ngọc được chế tác thành công từ những nguyên liệu trong nước, các loại quặng kim loại trong lòng đất hàng triệu năm, kỹ thuật pha chế trang trí công phu khi được nung ở nhiệt độ 1.250 độ C tạo ra các màu men sống động như ngọc trên tác phẩm.
Vừa qua, bộ sản phẩm này đã được ông gửi đi tham dự Festival Sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội. Sản phẩm được rất nhiều khách hàng ngợi khen, đặt hàng.
Vươn tầm quốc tế
Với bề dày lịch sử cả nghìn năm, tại làng gốm Bát Tràng, có nhiều dòng sản phẩm đa dạng. Hơn 30 năm trong nghề, nghệ nhân ưu tú Trần Đức Tân luôn trăn trở làm thế nào để tìm được một lối đi riêng giữa những cái chung.
Giám đốc HTX Tân Thịnh giới thiệu bộ sản phẩm gốm sứ men suối ngọc vinh dự nhận được danh hiệu sản phẩm OCOP 4 sao |
"Nói đến gốm Bát Tràng, người ta sẽ hình dung ra những dòng men thời Lý, Trần, Lê, đó là những dòng chảy văn hóa in sâu vào tâm thức của người Việt. Thế nhưng, HTX chọn dòng gốm nghệ thuật mang tính chất trang trí đương đại, đưa gốm truyền thống vào đời sống, vừa mang tính thẩm mỹ, vừa toát lên hồn cốt sinh động”, ông Tân nói.
Thời gian qua, Ban giám đốc HTX Tân Thịnh đã nghiên cứu, không ngừng sáng tạo, cho ra mắt hàng nghìn sản phẩm họa tiết trang trí tinh xảo. Một số tác phẩm tiêu biểu của ông Tân được người yêu nghệ thuật ưa thích phải kể đến: Bình gốm vân đá, bộ lọ gốm hoa văn cách điệu hoa cúc dây, tác phẩm Ngũ sắc liên hoa với chất liệu gốm men màu gấm kim sa, Sen cổ có chất liệu gốm men màu đục mờ…
Nhằm đưa sản phẩm gốm sứ HTX Tân Thịnh vươn ra tầm quốc tế, NNƯT Trần Đức Tân đã tham gia nhiều hội chợ quốc tế để tham khảo, mở rộng thị trường, học hỏi kinh nghiệm sản xuất kinh doanh như ở Nhật, Đức, Ý, Đan Mạch, Đài Loan, Hàn Quốc…
“Để nhận diện sản phẩm gốm trên thị trường, trong khoảng thời gian 6 tháng đến 1 năm, chúng tôi đều cho ra những bộ sản phẩm khác nhau. Phân loại từng sản phẩm và “thổi hồn” màu sắc, họa tiết phù hợp với văn hóa vùng miền của khách nội địa và quốc tế”, ông Trần Đức Tân cho biết thêm.
Nếu như công nghệ giúp rút ngắn các công đoạn chế tác sản phẩm, thì thương mại điện tử (TMĐT) là cầu nối đưa gốm sứ Tân Thịnh tương tác giữa khách hàng với các nghệ nhân, tăng sức cạnh tranh, đưa thương hiệu làng nghề tiến xa hơn trên thị trường thế giới.
Đối mặt với dịch Covid -19, HTX Tân Thịnh thực hiện ký kết các hợp đồng online trên sàn TMĐT với các mặt hàng cao cấp mang tính độc bản, sản phẩm phân loại các dòng sản phẩm, vừa quảng bá vừa là biện pháp thúc đẩy doanh thu, duy trì sản xuất.
Những nỗ lực của nghệ nhân ưu tú Đức Tân đã đạt kết quả khi năm 2020, bộ sản phẩm men suối ngọc của HTX Tân Thịnh đã được công nhận đạt tiêu chuẩn 4 sao OCOP cấp quốc gia, đánh giá có tiềm năng 5 sao OCOP quốc gia.
“Mong muốn lớn nhất của tôi lúc này chính là sáng tạo được nhiều sản phẩm chất lượng hơn nữa và đưa chúng tới tay người tiêu dùng. Song song với đó HTX Tân Thịnh cũng sẽ cố gắng tạo ra các sản phẩm gốm trang trí với chất lượng cao nhất, giá thành hợp lý nhất cho người tiêu dùng” – ông Tân nói.
Tô Thương