Là 1 trong 7 HTX tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, HTX Thủy sản Bó Ban đã tập trung khai thác tối đa tiềm năng, áp dụng quy trình nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn an toàn để tạo sản phẩm sạch, nâng cao thu nhập và bảo đảm an toàn lao động (ATLĐ) cho thành viên.
Từ khi thành lập, HTX chú trọng bố trí những thành viên có kinh nghiệm vào các tổ sản xuất giống, tiêu thụ sản phẩm và các khâu dịch vụ; vận động những hộ có khả năng và điều kiện nuôi cá lồng tham gia liên kết sản xuất, trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau phát triển sản xuất.
Chú trọng yếu tố an toàn
Không chỉ hướng dẫn các thành viên kỹ thuật nuôi thả cá (ương cá giống, mật độ thả, vệ sinh ao nuôi), HTX còn cử thành viên đi học hỏi kinh nghiệm ở các HTX nuôi cá lồng khác trong huyện; tham gia các lớp tập huấn về sản xuất và ATLĐ do huyện, tỉnh tổ chức; chủ động tìm các doanh nghiệp, nhà hàng bao tiêu sản phẩm...
Hiện, HTX có 110 lồng nuôi các loại cá: Trắm, chép, mè, nheo, lăng...; trung bình mỗi lồng cá có diện tích hơn 20 m², được làm bằng khung thép chắc chắn. Thức ăn cho cá được sử dụng từ các nguyên liệu sẵn có của địa phương như: Sắn, rau, cỏ voi, bột ngô, lá chuối...
Để cá phát triển, cho năng suất, chất lượng cao, HTX thống nhất liên kết giữa các thành viên trong ký kết hợp đồng dịch vụ đầu vào với các cơ sở uy tín, bảo đảm chất lượng. Các thành viên HTX thực hiện đúng yêu cầu về kỹ thuật chăm sóc cá, bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm, ATLĐ, thường xuyên ghi chép nhật ký sản xuất; nhận định tình hình dịch bệnh để có biện pháp phòng, chống bệnh kịp thời cho đàn cá.
Nhờ chăn nuôi theo quy trình VietGAP và thực hiện tốt liên kết tiêu thụ sản phẩm, trung bình mỗi năm, HTX thu hoạch 200 - 300 kg cá/ lồng, đạt sản lượng gần 25 tấn cá các loại, doanh thu trên 900 triệu đồng. Tham gia HTX, 70% thành viên vươn lên trở thành hộ khá, thu nhập 100 - 300 triệu đồng/ hộ/năm. Số thành viên còn lại có cuộc sống ổn định, hộ thu nhập thấp nhất cũng đạt 4 - 6 triệu đồng/tháng.
Khu vực nuôi cá của HTX |
Thử nghiệm ốc nhồi
Bên cạnh việc nuôi trồng các loại thủy sản truyền thống, từ năm 2018, HTX đưa vào nuôi thử nghiệm giống ốc nhồi, bước đầu cho hiệu quả kinh tế.
Là người đưa ốc nhồi về nuôi ở HTX, ông Là Văn Đoán, bản Bó Ban, cho biết trong một lần về Hưng Yên thăm một người bạn, được tham quan mô hình và nghe chia sẻ về việc nuôi ốc nhồi. Thấy việc nuôi ốc nhồi phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, sau khi trở về, ông bàn với gia đình xây bể xi măng để nuôi thử nghiệm.
“Bắt đầu từ 10 cặp ốc bố mẹ, tôi vừa nuôi, vừa học hỏi kỹ thuật qua internet, sách báo và chủ yếu từ bạn mình. Sau 6 tháng, đàn ốc phát triển nhanh lên đến 200 con lớn nhỏ. Bước đầu thành công, tôi đã đem mô hình này chia sẻ với các thành viên trong HTX với mong muốn nhân rộng mô hình và để cùng nhau làm giàu”, ông Đoán nói.
Được ông Đoán chia sẻ, Ban Giám đốc HTX và các thành viên trong HTX đã bàn bạc và nhận thấy những ưu điểm của việc nuôi ốc nhồi, như: Kỹ thuật nuôi đơn giản, chi phí đầu tư thấp, không tốn quá nhiều công chăm sóc, đầu ra rộng. Vì thế, HTX đã chuyển 1 số lồng nuôi cá để nuôi ốc nhồi.
Ông Là Văn Thuận - Giám đốc HTX, cho biết hiện nay, HTX có 45 lồng nuôi ốc với mật độ 800 - 900 con/ lồng. Từ đầu năm đến nay, HTX đã xuất ra ngoài thị trường hơn 9 vạn con ốc giống với giá 1.000 đồng/con ốc 1 tháng tuổi, ốc bố mẹ 15.000/cặp, thu hơn 100 triệu đồng.
Hiện, HTX đã bước sang giai đoạn bán ốc thương phẩm, bước đầu cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn và nhân dân trên địa bàn huyện. Trong thời gian tới, HTX sẽ cung cấp cho địa bàn thành phố và một số tỉnh miền xuôi như Hà Nội, Hải Phòng...
Hoàng Lê