Mô hình chăn nuôi bò sữa ở xã Thái Hòa được phát triển từ năm 2002, ban đầu chỉ có 7 hộ nông dân trong xã tham gia nuôi thử nghiệm và áp dụng mô hình chăn nuôi bò sữa theo dự án Việt - Bỉ. Để nâng cao chất lượng sữa và giải quyết bài toán môi trường, các hộ chăn nuôi bò sữa ở xã Thái Hòa đã thành lập HTX chăn nuôi và phát triển bò sữa Thái Hòa cùng nhau liên kết làm ăn.
Quy trình sản xuất sạch
Ông Nguyễn Đức Hoàn, thành viên HTX chăn nuôi và phát triển bò sữa Thái Hòa cho biết: Thông qua hoạt động của HTX, người chăn nuôi có điều kiện, cơ hội trao đổi kinh nghiệm, cùng nhau thảo luận và tìm hướng giải quyết khi gặp khó khăn vướng mắc.
Theo ban giám đốc HTX, nuôi bò sữa khác với nuôi bò nhà, không thể thả rông mà phải nuôi bò đúng theo quy trình kỹ thuật thì bò mới cho sữa chất lượng. Tuy bò sữa rất ít mắc bệnh nhưng phải tuân thủ những yêu cầu rất nghiêm ngặt, tỉ mỉ trong vấn đề vệ sinh, khử trùng từ nơi ở, thức ăn, thức uống.
Bên cạnh đó, công đoạn thu hoạch sữa cũng phải bảo đảm sữa bò không bị vi khuẩn xâm nhập, không có chất kháng sinh cũng không hề đơn giản, nhất là khi chăn nuôi theo quy mô lớn.
Để giải quyết vấn đề này, HTX thực hiện chăn nuôi theo hình thức khép kín hiện đại từ việc lựa chọn con giống bò sữa, chế độ dinh dưỡng cho bò sữa trong từng thời kỳ, công nghệ và kỹ thuật vắt sữa, bảo quản sữa, cách vệ sinh chuồng trại, công tác thú y trong chăn nuôi.
Theo ước tính, với quy mô 430 con bò, lượng nước thải hàng ngày lên đến 25m3/ngày, lượng nước thải mùa hè cao hơn so với các mùa khác. Nước thải chủ yếu đến từ quá trình vệ sinh dọn dẹp chuồng trại, bài tiết của bò (phân bò) với khoảng 10-17kg phân/con/ngày. Lượng nước thải này nếu không được xử lý sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường. Đi kèm với đó là lượng vi khuẩn, vi trùng sẽ là nguồn gây bệnh cho đàn bò.
Người dân tự trồng và chế biến cỏ để chủ động nguồn thức ăn cho bò. |
Tuy nhiên, được sự hỗ trợ của địa phương, các thành viên đã đầu tư hệ thống hầm biogas xử lý cả nước thải và chất thải. Ngoài xử lý các chất hữu cơ và tiêu diệt mầm bệnh, hầm biogas còn giúp giảm lượng khí độc sinh ra và cung cấp khí đốt để sử dụng.
HTX cũng đề ra quy trình sản xuất cụ thể để người dân thực hành. Buổi sáng, các hộ thành viên tiến hành vệ sinh chuồng trại và cho bò ăn; buổi chiều đi cắt cỏ chuẩn bị cho bữa tối và sáng hôm sau cho đàn bò.
Các thành viên trong HTX thường trộn men vi sinh cùng với cỏ tươi, sau đó ủ chua để làm thức ăn cho đàn bò. Nhờ phương pháp này, HTX đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí, trong khi đó, đàn bò được tăng cường sức đề kháng, khỏe mạnh và hạn chế được dịch bệnh.
Đầu tư chăn nuôi khép kín đã giúp giảm ô nhiễm môi trường, công tác phòng bệnh cho bò được thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, chất lượng sữa bò luôn được doanh nghiệp đối tác đánh giá cao. Các thành viên hiện nay đều hài lòng với quy trình chăn nuôi bò sữa và hỗ trợ nhau thực hiện.
Vững vàng phát triển
Không chỉ áp dụng quy trình sản xuất sạch từ khi chăm sóc đàn bò mà vấn đề đảm bảo an toàn khi vắt sữa và nhập sữa được đặc biệt chú trọng. Hiện nay, các thành viên và hộ liên kết đều sử dụng máy vắt sữa tự động. Tại các điểm thu mua sữa, công tác kiểm tra chất lượng sữa được tiến hành kỹ lưỡng. Đây được xem là quy trình bắt buộc để đưa sữa bò đạt tiêu chuẩn chế biến đến các nhà máy sữa thương hiệu mạnh trong cả nước…
Chăn nuôi bò sữa theo quy trình khép kín, chú trọng bảo vệ môi trường giúp người dân nâng cao thu nhập. |
Đối với đầu ra của sản phẩm, HTX có sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp đối tác là Công ty Cổ phần sữa Hà Lan, tạo thành chuỗi sản xuất ổn định từ đầu vào cho tới đầu ra và bao tiêu toàn bộ sản phẩm sữa bò tươi của thành viên với giá bình quân từ 12.500 đến 13.000 đồng/lít. Bình quân mỗi năm, HTX xuất trên 1.200 tấn sữa; thu nhập trung bình của thành viên HTX là 20 triệu đồng/tháng sau khi trừ chi phí.
Nhờ chú trọng phát triển nghề chăn nuôi bò sữa theo hướng sạch, thân thiện môi trường nên đời sống kinh tế của thành viên trong HTX ngày càng ổn định. Có hộ nông dân đã đầu tư đàn bò sữa lên 20 -30 con với tổng thu nhập từ nguồn bán sữa tươi lên đến trên 300 triệu đồng/hộ/năm.
Thời gian qua, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng riêng mô hình chăn nuôi bò sữa của HTX Thái Hòa vẫn phát triển. Nguyên nhân là do sữa tươi của các thành viên sản xuất ra vẫn được doanh nghiệp thu mua ổn định. Điều này không chỉ giúp thành viên và hộ nông dân yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập mà còn giúp phát triển và đa dạng thị trường sữa nội địa.
Để mô hình chăn nuôi bò sữa phát triển bền vững, các thành viên HTX chăn nuôi và phát triển bò sữa Thái Hòa mong muốn ngành nông nghiệp địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án nhằm hỗ trợ cho người chăn nuôi, bảo đảm môi trường trong chăn nuôi.
Thành viên HTX cũng mong muốn được tham gia thêm các lớp tập huấn kỹ thuật, phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi đi kèm với đó là mong muốn được hỗ trợ vay vốn mua con giống, các trang thiết bị phục vụ mô hình chăn nuôi tiên tiến như máy vắt sữa, máy băm cỏ, hệ thống phun sương...
Huyền Trang