Hiện, đạo Hồi là tôn giáo lớn thứ hai trên thế giới với hơn 2,2 tỷ người theo, tương đương với khoảng 25% dân số và sinh sống ở 112 quốc gia. Theo ông Ramlan Osman, Giám đốc kinh doanh Việt nam Halal Center, trên toàn thế giới hiện có khoảng 1,8 tỷ người tiêu thụ sản phẩm Halal (phù hợp với chuẩn mực và giá trị đạo Hồi). Còn ngành thực phẩm Halal trên toàn thế giới đang có giá trị 1.900 tỷ USD.
Chưa khai thác hết tiềm năng
Trong khi đó, hiện nay, hàng nông sản Việt Nam được xuất khẩu đi 185 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đặc biệt, năm 2020 dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vẫn đạt 41,2 tỷ USD, tăng 2,5% so với năm 2019. Trong đó, 50% mặt hàng nông sản như gạo, rau quả, chè, cà phê, điều, tiêu... được đánh giá là rất phù hợp với thị trường Halal.
Có thể thấy, thị trường sản phẩm Halal rất tiềm năng không chỉ đối với các doanh nghiệp mà còn đối với cả các HTX. Vì hiện nay, nhiều HTX đang chú trọng sản xuất và chế biến nông sản theo chuỗi giá trị.
Tuy nhiên, tiềm năng luôn đi kèm thách thức, bởi sản phẩm Halal với những quy định nghiêm ngặt vừa đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn vừa đúng theo kinh Koran và luật Sharia nên việc xuất khẩu các sản phẩm sang các quốc gia Hồi giáo là khó khăn lớn đối với doanh nghiệp, HTX. Việc tiếp cận thị trường rộng lớn này đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các HTX mới ở mức độ sơ khai.
Muốn xuất khẩu sang thị trường Hồi giáo, sản phẩm của HTX Tài Thịnh Phát Farm phải có chứng nhận Halal. |
Theo các chuyên gia, hiện nay hầu như ở tỉnh nào cũng có các HTX sản xuất bánh tráng, bánh phở khô. Thị trường Hồi giáo ở Philippines, Malaysia, Indonesia sử dụng rất nhiều các sản phẩm bún, phở như của Việt Nam nhưng chúng ta chưa khai thác được lợi thế.
Bà Lý Thị Niên, Giám đốc HTX Bún phở Quỳnh Niên (Bắc Kạn), cho rằng các quy định, tiêu chuẩn Halal rất nghiêm ngặt, phức tạp nên HTX chưa tiếp cận thị trường này.
Chia sẻ về việc tiếp cận thị trường Hồi giáo, bà Mai Thị Thùy Trang, Giám đốc HTX Tài Thịnh Phát Farm (Cà Mau), cho biết HTX nuôi tôm, cua sinh thái và thực hiện chế biến tôm theo quy trình bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Qua tìm hiểu, HTX thấy sản phẩm đáp ứng được các tiêu chuẩn của người Hồi giáo nhưng khó khăn của HTX hiện nay chưa có chứng nhận Halal nên chưa thể thâm nhập vào thị trường này.
“HTX đã tìm kiếm nhưng rất khó tiếp cận với các đơn vị đứng ra hỗ trợ HTX làm chứng nhận Halal”, bà Trang bày tỏ.
Không dừng lại ở đó, ông Trần Việt Thái, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia, cho biết các nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Malaysia còn ít, chủ yếu mới chỉ có gạo, ớt nhưng vẫn còn xuất thô và qua một số đầu mối của Thái Lan nên giá trị không cao. Ngoài ra có thanh long, cà rốt, khoai lang, hạt điều nhưng xuất khẩu thô, còn những quả có múi vốn là lợi thế của Việt Nam chưa thâm nhập được.
“Hiện, mới chỉ có cà phê xuất sang Malaysia là có chứng nhận Halal. Nếu đăng ký chứng nhận Halal được cho những sản phẩm khác thì sẽ giúp nâng cao giá trị nông sản và thu nhập cho người nông dân”, ông Thái chia sẻ.
Đây cũng là nguyên nhân khiến khoảng 41% địa phương Việt Nam chưa có sản phẩm xuất khẩu có chứng nhận Halal. Sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường Halal truyền thống tại Đông Nam Á, Nam Á và Trung Đông, Bắc Phi chủ yếu là nông, thủy sản nhưng ở dạng thô, sơ chế và chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu.
Bắt nhịp thị trường
Thị trường nông sản, thực phẩm Halal được đánh giá là sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Để không bị lỡ nhịp trong tiếp cận thị trường Halal, các chuyên gia cho rằng cần phải hỗ trợ HTX, doanh nghiệp trong việc chứng nhận tiêu chuẩn Halal bởi hiện chưa có quy chuẩn cụ thể trong việc chuẩn hóa mô hình chứng nhận Halal. Đi kèm với đó là có rất ít đơn vị đứng ra hỗ trợ HTX, doanh nghiệp chứng nhận Halal.
Ông Trần Việt Thái cho biết hiện nay để có được chứng nhận Halal thì HTX, doanh nghiệp phải qua nhiều bộ ngành khác nhau. Chẳng hạn như Bộ KH&CN chịu trách nhiệm về chứng nhận, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm về xúc tiến đầu tư, Bộ NN&PTNT quản lý quy trình sản xuất.
“Điều này rất phức tạp. Cần có một đầu mối thống nhất về tiêu chuẩn và chứng nhận Halal. Nếu có thể ủy quyền cho riêng bộ Bộ NN&PTNT thì sẽ thuận lợi cho HTX, doanh nghiệp”, ông Thái nói.
Sản phẩm tiêu Lệ Chí của HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang nhận được sự quan tâm của khách hàng là người Hồi giáo. |
Ông Thái cho biết thị trường Halal tuy phát triển ở các nước trên thế giới nhưng đối với Việt Nam còn mới mẻ. Chính vì vậy, cần có bộ tài liệu hướng dẫn dành cho sản phẩm nông nghiệp Halal vào từng thị trường. Vì ngoài đạo luật chung thì mỗi nước có đạo Hồi lại có những điểm khác. Điều này vô tình gây trở ngại cho các doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận thị trường.
Ông Lê Châu Hải Vũ, Giám đốc công ty Consultech JSC, cho biết thực chất những quy định trong tiêu chuẩn Halal nói chung đều khoa học chứ không phải thần bí nên nếu tiếp cận được thị trường này sẽ mở ra cơ hội trong tiêu thụ nông sản rất lớn. Tuy nhiên, muốn được chứng nhận Halal, sản phẩm của HTX, doanh nghiệp trước tiên phải đạt tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm, ISO. Khi đạt được điều này, việc chứng nhận tiêu chuẩn Halal sẽ thuận lợi hơn, rút ngắn thời gian.
“Các doanh nghiệp Hồi giáo hiện rất quan tâm đến các chuỗi nông sản, thực phẩm Halal. Chính vì vậy việc sản xuất theo chuỗi giá trị sẽ là bàn đạp vững chắc cho HTX, doanh nghiệp”, ông Vũ khuyến nghị.
Giám đốc công ty Consultech JSC cũng cho biết, các tiêu chuẩn và quy định Halal đang ngày càng nghiêm ngặt, chứng nhận Halal lại không có giá trị vĩnh viễn, không được công nhận như nhau ở tất cả các quốc gia, với tất cả các mặt hàng. Chẳng hạn như chứng nhận Halal Jakim (thời hạn 1 năm) tuy có hiệu lực ở tất cả các nước nhưng lại không có hiệu lực ở Indonesia và GCC (các nước vùng Vịnh). Hay tiêu chuẩn Halal Indonesia (thời hạn 1 năm) chỉ có có hiệu lực ở Indonesia, hay Halal GCC (thời hạn 3 năm) chỉ có hiệu lực tại 7 nước GCC. Điều này gây tốn kém chi phí cho HTX, doanh nghiệp vì phải tái chứng nhận nhiều lần và phải căn cứ vào từng thị trường xuất khẩu để đăng ký chứng nhận cho phù hợp
Tuy nhiên, theo ông Vũ, việc các nước nhập khẩu nông sản, thực phẩm Halal có quy định chặt chẽ đến đâu thì HTX, doanh nghiệp Việt nên hiểu rằng các tiêu chuẩn Halal thực chất không phải là rào cản mà đây là những tiêu chuẩn bắt buộc khi thâm nhập một thị trường nào đó. Chẳng hạn như để xuất khẩu sang EU, nông sản phải đạt tiêu chuẩn hữu cơ do EU đưa ra, hay đơn giản việc xuất nông sản sang Trung Quốc hiện cũng có những quy định riêng cần phải vượt qua.
Huyền Trang