Sản phẩm mây tre đan thân thiện với môi trường (Ảnh:TL) |
Hoạt động của HTX Nhật Minh được chính quyền địa phương đánh giá cao vì không chỉ tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân mà còn góp phần thay đổi thói quen và ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường.
Đi lên từ gian khó
Việc thanh niên khởi nghiệp thông qua mô hình HTX lúc đầu gặp không ít khó khăn nhưng với khát vọng phát triển ngành nghề mây tre đan tại quê nhà, các thành viên vẫn không bỏ cuộc, thay vào đó là quyết tâm khẳng định hướng đi mà mình đã lựa chọn.
Chị Trịnh Thị Thảo, Giám đốc HTX Nhật Minh, cho biết lúc đầu các thành viên làm việc này khiến mọi người đều cảm thấy ái ngại vì chẳng ai thích thú với mấy món đồ làm bằng tre, nứa và cũng chẳng mấy ai tin mô hình HTX sẽ thành công. Tuy nhiên, theo thời gian, các thành viên HTX đã chứng minh cho mọi người thấy giá trị của những sản phẩm mây tre đan cũng như hoạt động hiệu qủa của mô hình HTX.
Với số tiền vốn ban đầu, các thành viên đã đầu tư mua máy khắc, máy chà, máy cắt, máy đục, máy khoan, máy bắn lỗ, chốt. Máy móc sẽ hỗ trợ một phần quá trình sản xuất, giúp HTX đáp ứng được nhu cầu thị trường và nâng cao năng suất cũng như chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, để bảo đảm phát triển bền vững, trong quá trình khai thác nguồn nguyên liệu, các thành viên chỉ lấy đúng những cây thân già, không chặt trụi cả bụi. Nguyên liệu được tận dụng triệt để như những cây tre có vanh lớn thì làm bát, nhỏ hơn thì làm cốc, bộ ấm chén uống trà; phần thừa thì tận dụng để làm thìa, dĩa. Ngay cả cật tre, các thành viên cũng mày mò tạo hình thành những chiếc dao cắt bánh nhỏ xinh.
Dưới bàn tay con người, những chiếc cốc, bát, bộ ấm chén… trở nên mịn màng, thanh thoát; thìa, dĩa, ly, gáo múc rượu, chõ xôi… trở nên nhỏ nhắn, đường nét mềm mại. Điều này khiến đầu ra của HTX mở rộng hơn.
Trung bình mỗi tháng, HTX cung cấp cho thị trường khoảng 2.000- 2.300 sản phẩm các loại (Ảnh:TL) |
Hiện, sản phẩm của HTX đã có mặt ở các homestay và hội chợ trong tỉnh. Đặc biệt ở thời đại công nghệ 4.0, việc quảng bá, mua bán thuận tiện hơn khi gói gọn trong chiếc máy tính và điện thoại nên thông qua những hình ảnh bắt mắt, nhiều đại lý gọi mẫu, chủ động đặt hàng online. Thị trường đầu ra đã mở rộng đến Hà Nội, Lai Châu, Sơn La, Quảng Nam, TP.HCM…
Trung bình mỗi tháng, HTX cung cấp cho thị trường khoảng 2.000 - 2.300 sản phẩm các loại. Hoạt động của HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động với mức lương trung bình 3-4 triệu đồng/tháng. Còn khi vào thời vụ, có đơn đặt hàng số lượng lớn thì phải huy động gần 20 lao động tham gia. Một số người dân có thể tranh thủ lúc nhàn rỗi đến làm việc tính công là 150 nghìn đồng/ngày.
Lan tỏa tinh thần vì môi trường
Để mọi người tin tưởng vào những sản phẩm thân thiện với môi trường, các thành viên HTX đã trở thành một tổ chuyên tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa. Nhờ việc liên kết với Hội Phụ nữ xã, HTX đã vận động từng hộ, từng người dân hiểu về tác hại của rác thải nhựa với môi trường. Từ đó, phong trào “Phụ nữ đi chợ bằng làn, nói không với rác thải nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy” do Hội Phụ nữ xã phát động lan tỏa mạnh mẽ. Mọi người đều vui vẻ dùng làn mây, tre đan do HTX làm ra để đi chợ.
“Trước chỉ khoảng 20% chị em trong trong xã dùng làn bằng mây, tre đan thì nay 90% mang theo khi đi chợ”, chị Thảo cho biết.
Nhờ đó, giá trị của mặt hàng mây tre đan dần được nâng lên. Để khai thác tối đa lợi thế, HTX đẩy mạnh cải tiến mẫu mã sản phẩm đi đôi với mở hướng mô hình kinh doanh gắn với du lịch. Giờ đây, xưởng sản xuất được đặt ngay tại mô hình homestay của HTX. Khách vừa được nghỉ ngơi, vừa trải nghiệm, tự tay làm các sản phẩm từ tre như: cốc, chén, thìa, dĩa… Trung bình mỗi năm, HTX đón 100 - 140 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm, mua sắm.
Thời gian gần đây, các công ty, người dân nhiều vùng miền đã tìm đến sản phẩm của HTX nhiều hơn. Không chỉ vì mẫu mã sản phẩm luôn được đổi mới, chất lượng cao mà còn do ý thức của cộng đồng đã được nâng cao đáng kể trong việc hạn chế sử dụng các đồ dùng bằng nhựa, vật dụng khó phân hủy. Thay vào đó, các mặt hàng đồ dùng gia dụng được làm từ mây tre đan thân thiện với môi trường ngày càng được ưa chuộng và phổ biến hơn.
Hiện, HTX đang cùng Hội Phụ nữ đẩy mạnh quảng bá các mặt hàng mây tre đan sang các nước để đưa sản phẩm thân thiện với môi trường đến với nhiều người hơn.
Huyền Trang