Thành công đang đến với HTX Đức Lân nhờ sản xuất khoa học gắn với ATLĐ (Ảnh Tư liệu) |
Sản xuất an toàn
HTX Đức Lân ra đời năm 1960, lúc đầu chỉ có 300 thành viên, chuyên sản xuất nông nghiệp với diện tích 98ha. Năm 2016, Đức Lân chuyển sang hoạt động theo luật mới, với 519 thành viên, 90ha đất canh tác, liên kết sản xuất lúa hàng hoá nếp cái hoa vàng VietGAP với 3 doanh nghiệp tại Bắc Ninh.
Để đảm bảo hiệu quả sản xuất, HTX tiến hành khảo sát kỹ lưỡng chất lượng nguồn đất, nước, không khí… tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thành viên, nông dân liên kết trong canh tác an toàn.
Sau khi khảo sát nguồn nước, đất, không khí, HTX đã khoanh vùng được 50ha đảm bảo canh tác VietGAP. Đây cũng là diện tích liền bờ, liền thửa của 100/519 hộ thành viên, nằm trong vùng sản xuất VietGAP.
Đáng chú ý, nguồn nước tưới của HTX được dẫn bằng hệ thống kênh mương riêng, dẫn nước sông Cầu vào để đảm bảo chất lượng, kinh phí xây dựng do thành viên đóng góp, 5 triệu đồng/hộ.
Về kỹ thuật, HTX có hàng chục cuộc vận động, tập huấn về quy trình sản xuất VietGAP gắn với ATLĐ cho hộ thành viên. Các khóa tập huấn giúp các hộ nắm vững 3 chương, 61 điều quy định của sản xuất VietGAP.
Ngoài ra, ở các lớp tập huấn, người dân được trang bị kiến thức để dễ dàng nắm bắt, ứng dụng khoa học – kỹ thuật mới, đồng thời nâng cao ý thức về ATLĐ, đặc biệt trong việc sử dụng máy móc, thiết bị, sử dụng đồ bảo hộ lao động, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đúng cách…
Giám đốc HTX Tô Như Khoa cho biết, vào HTX, các thành viên được tập huấn kỹ thuật, trang bị kiến thức về ATLĐ, giúp quá trình canh tác dễ dàng, hiệu quả hơn. Đơn cử như trong quá trình sản xuất, các hộ được HTX hướng dẫn vận hành máy móc an toàn, hỗ trợ mua đồ bảo hộ như mũ, kính mắt, găng tay…
Sản xuất an toàn giúp nông dân giảm chi phí, tăng giá trị (Ảnh TL) |
Khơi thông thị trường
Nhờ tuân thủ nghiêm túc theo quy trình sản xuất lúa VietGAP gắn với ATLĐ, diện tích lúa của HTX luôn đạt năng suất 200kg/sào (5,2 - 5,4 tấn/ha).
Phần lớn sản lượng lúa của HTX đang được các doanh nghiệp liên kết bao tiêu, điển hình như công ty CP Giống cây trồng Bắc Ninh và công ty Sản xuất Trà gạo nứt thu mua với giá 15.000 - 18.000 đồng/kg.
Khi liên kết với các doanh nghiệp trong tiêu thụ lúa, thành viên HTX yên tâm hơn vì giá thu mua được bảo đảm cao hơn giá thị trường. Đến vụ thu hoạch, doanh nghiệp về tận nơi, thu mua ngay tại ruộng, giúp giảm chi phí vận chuyển, tăng giá trị sản phẩm.
“Nhờ được bao tiêu sản phẩm, các hộ yên tâm phát triển sản xuất, tuân thủ đầy đủ quy trình sản xuất an toàn, ATLĐ… qua đó đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm cao, giá trị lại càng gia tăng”, Giám đốc Tô Như Khoa nhấn mạnh.
Ngoài việc thu mua sản phẩm cho 100 hộ thành viên VietGAP, HTX cũng đang giải quyết tốt đầu ra cho 419 hộ còn lại. Theo đó, giá HTX mua cho thành viên trong vùng VietGAP dao động ở mức 17.000 - 18.000 đồng/kg, còn ngoài vùng VietGAP là 14.000 - 15.000 đồng/kg, đây là con số khá cao so với thị trường.
Được biết, mỗi năm HTX sản xuất 2 vụ, bình quân đạt 500 tấn thóc/vụ, trong đó 1/3 xuất khẩu. Còn lại, bán cho các siêu thị; khu công nghiệp có đông người Hàn Quốc làm việc; hoặc tiêu thụ ở các địa phương như Cao Bằng, Bắc Kạn hoặc xuất sang Trung Quốc.
“Hiện, Đức Lân liên kết với 3 công ty có văn phòng tại Bắc Ninh, chủ yếu xuất khẩu gạo sang châu Âu, châu Phi và châu Á. Các doanh nghiệp hỗ trợ phân bón, giống, bà con chỉ việc canh tác, thu hoạch. HTX đang giải quyết việc làm cho trên 700 lao động, thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng”, ông Khoa phấn khởi nói.
Hưng Nguyên