Từ 9 thành viên ban đầu, đến nay, HTX đã có 22 thành viên, trong đó đa số là cựu chiến binh, phát triển theo hướng liên kết hộ gia đình với các ngành nghề: Tư vấn kỹ thuật chuồng trại, chăm sóc hươu, mua bán hươu giống, sản xuất nhung hươu cung ứng ra thị trường.
Hạn chế rủi ro từ chuỗi an toàn sinh học
Sau khi xuất ngũ về địa phương, nhiều cựu chiến binh ở xóm Tè, xã Tân Hòa đã cùng nhau thành lập HTX nuôi hươu Hội Cựu chiến binh Trọng Hùng Tân Hòa phát triển kinh tế từ mô hình nuôi hươu lấy nhung, mở ra cơ hội làm giàu cho nhiều nông dân.
Quy trình chăm sóc hươu đảm bảo chặt chẽ, an toàn để tạo ra sản phẩm nhung hươu chất lượng cao. |
Cơ duyên đến với nghề nuôi hươu lấy nhung của các thành viên HTX cũng thật tình cờ qua một lần xem trên tivi, thấy mô hình nuôi hươu một số vùng ở Nghệ An, Hà Tĩnh phát triển, đem lại giá trị kinh tế cao. Với bản tính ham học hỏi và khát vọng thoát nghèo, ông Ngô Văn Hùng, Giám đốc HTX đã khăn gói tìm đến các mô hình thành công để tìm hiểu kinh nghiệm, đồng thời mua sách báo hướng dẫn kỹ thuật nuôi hươu về nghiên cứu.
Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, thành công của những lứa hươu đầu tiên của ông Hùng đã tạo động lực cho nhiều hộ dân trong xã đến học hỏi kinh nghiệm và hợp tác mở rộng thị trường.
Ông Hùng cho biết, để sản phẩm được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra, các thành viên phải liên kết với nhau sản xuất theo chuỗi. Theo đó, trước hết các hộ chăn nuôi theo chuỗi phải lựa chọn con giống tốt, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học.
Trong chuỗi chăn nuôi này, các thành viên được cấp vốn đầu tư chuồng trại, được cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y. Đặc biệt, người nuôi không phải chịu rủi ro về giá cả nên có thể duy trì sản xuất ngay cả khi thị trường bất lợi.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Chủ tịch HĐQT HTX kể, trước đây, sau nhiều năm trồng lúa, làm đồi, kết hợp với chăn nuôi lợn, gà manh mún, nhỏ lẻ, gia đình ông vẫn luôn ở mức... nghèo bền vững.
Sau khi được HTX hướng dẫn kiến thức về chăn nuôi hươu, ông Trọng quyết định mua 5 cặp hươu giống về nuôi. Nhờ chuyển sang nuôi hươu lấy nhung ví như con “đại bổ”, gia đình ông đã có thu nhập ổn định hơn 50 triệu đồng/năm, trở thành triệu phú trong vùng, khác hẳn cái thời trồng khoai, sắn…
Ông Trọng cho biết, hươu là động vật bản năng hoang dã nên sức đề kháng cao, ít dịch bệnh so với các loại vật nuôi khác. Nuôi hươu không tốn nhiều công chăm sóc, chi phí đầu tư thức ăn thấp; thức ăn chủ yếu là các loại cỏ, lá cây, có thể tận dụng các loại phụ phẩm trong nông nghiệp như lá ngô, lá mía, chuối, dứa...
Với kiểu nuôi nhốt chuồng, ông Trọng xây dựng khoảng 3m2/chuồng, nền láng xi măng, xung quanh rào lưới vừa đảm bảo sự thông thoáng vào mùa nóng, ấm áp vào mùa lạnh.
Bên cạnh đó, phía ngoài chuồng, ông trồng thêm cây xanh đảm bảo không gian mát mẻ, tự nhiên. Hằng ngày, chuồng trại được ông Trọng quét dọn thường xuyên giúp hươu phát triển khỏe mạnh và phòng bệnh.
Hằng năm, tháng 1-3 âm lịch là thời kỳ cao điểm của vụ thu hoạch nhung hươu. Đây cũng là thời gian các thành viên HTX kỳ vọng nhất trong năm. Bởi sau nhiều tháng chăm sóc, chờ đợi thì những con hươu nuôi cũng bắt đầu cho lộc nhung.
Trọng lượng của mỗi cặp nhung hươu từ 0,5 - 0,7kg, có cặp nặng trên 1kg, mỗi năm có thể cắt nhung từ 1 - 2 lần/con, với giá bán 2 triệu đồng/lạng. Nếu chăm sóc tốt, một con hươu có thể cho khai thác nhung lên tới gần 30 năm.
Xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn
Thời gian qua, trước những bất lợi về biến động giá cả, dịch bệnh xảy ra thường xuyên và phức tạp, trang trại chăn nuôi của HTX nuôi hươu Hội cựu chiến binh Trọng Hùng Tân Hòa đã liên kết nhằm hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình sản xuất như: Hỗ trợ vốn sản xuất; mua vật tư đầu vào khối lượng lớn và giá rẻ; đầu tư vào chế biến xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng như: cao hươu, huyết nhung hươu, thịt hươu sấy, giò hươu…, qua đó giảm giá thành chăn nuôi, tăng lợi nhuận so với làm ăn riêng lẻ.
Sản phẩm nhung hươu ngâm mật ong của HTX có giá 7 triệu đồng/bình. |
Đặc biệt, hươu sao được nuôi ở Tân Hòa hợp thổ nhưỡng, khí hậu nên rất thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển. Do đó, các sản phẩm chế biến từ hươu rất an toàn và lành tính, giá trị dinh dưỡng lại cao.
Hàng năm, HTX duy trì nuôi khoảng 100 con hươu các loại, trong đó 20 con hươu cái sinh sản và 70 hươu đực đang khai thác nhung.
Vì thế, năm 2021, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề và tiêu thụ các mặt hàng, nhưng sản phẩm của HTX không hề bị tác động, thị trường tiêu thụ vẫn ổn định. Hiện, các sản phẩm của HTX chủ yếu được bán theo đơn đặt hàng của khách, thậm chí không có đủ hàng để bán.
Chỉ tính từ đầu năm đến nay, tổng doanh thu của HTX đã lên tới trên 700 triệu đồng, riêng doanh thu từ hươu là hơn 400 triệu đồng, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương với thu nhập ổn định.
Những thành quả bước đầu này là tiền đề, tạo điều kiện thuận lợi trong phát triển nghề chăn nuôi hươu tại địa phương, tạo đà để HTX đưa những sản phẩm ngày càng chất lượng đến khách hàng trên cả nước.
Đến nay, tất cả sản phẩm từ hươu của HTX đều đã được bảo hộ về thương hiệu, có mã số mã vạch đầy đủ, người tiêu dùng có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc của sản phẩm.
“Với mục tiêu phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho các thành viên và các hộ nông dân trong vùng, bên cạnh phát triển chăn nuôi và cung ứng các sản phẩm từ hươu, HTX đang tiến hành nuôi thêm ong mật, chăn nuôi gà thả đồi, chim bồ câu, trồng rau... theo chuỗi giá trị sản phẩm an toàn, khép kín”, Giám đốc Ngô Văn Hùng chia sẻ.
Tô Thương