Ngành nghề của HTX nhung hươu Bù Đốp là tư vấn kỹ thuật chuồng trại, nuôi và chăm sóc hươu theo hướng bền vững, mua bán trao đổi hươu giống, sản xuất nhung hươu cung ứng ra thị trường... Hiện, các thành viên đang nuôi đàn hươu 50 con, mang lại thu nhập ổn định hơn 600 triệu đồng/năm.
Thoát khỏi bóng trụ tiêu
Anh Nguyễn Hồng Sơn, thành viên HTX, cho biết nhà anh trước đây trồng tiêu nhưng tiêu chết còn những cột cây keo vẫn tươi tốt, đây là nguồn thức ăn rất tốt cho hươu. Nhờ vậy, công cuộc thoát nghèo, thoát khỏi bóng trụ tiêu của anh đã thành công. Hiện nay, anh Sơn đã có thu nhập ổn định mỗi năm trên 100 triệu đồng.
Hầu hết các thành viên HTX đều chuyển từ trồng tiêu không hiệu quả sang nuôi hươu. Nuôi hươu phù hợp với điều kiện khí hậu địa hình khô nóng ở Bù Đốp.Tuy nhiên, khi nuôi với quy mô lớn thì đòi hỏi về mặt kỹ thuật cũng cao hơn. Ngay từ công đoạn làm chuồng đã được HTX quan tâm, trại nuôi hươu được đặt ở gần đồng cỏ và bảo đảm có nguồn thức ăn thô xanh khác để cung cấp đủ thức ăn hàng ngày cho hươu.
Hươu và vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao cho các thành viên |
Để dễ dàng trong lúc chăm sóc, chuồng đều có hai cửa, một để người nuôi có thể ra vào vệ sinh và một để lùa hươu di chuyển giữa các ngăn. Các máng ăn, máng uống đều được làm bằng cao su để tránh vỡ.
Thông thường, một con hươu đực trưởng thành một ngày có thể tiêu thụ 15 - 20 kg thức ăn xanh, 0,5kg thức ăn tinh, 0,5kg thức ăn giàu đạm... Ngoài ra, mỗi tuần, HTX cho ăn thêm 2-3 quả trứng gà để bảo đảm dinh dưỡng cho hươu phát triển khỏe mạnh.
Mùa cắt nhung hươu thường bắt đầu từ cuối tháng chạp đến gần cuối tháng hai (âm lịch). Một con hươu đực độ hai năm tuổi sẽ bắt đầu cho nhung.
Hiện, giá nhung dao động 18 - 25 triệu đồng/kg, một con hươu đực có thể cho nhung tối đa 20 năm. Mỗi năm cắt nhung tối thiểu 2 lần, trung bình mỗi con hươu trưởng thành cho 1,2 - 1,6 kg nhung/năm.
Với giá trên, mỗi con hươu đực cho thu nhập 20 - 30 triệu đồng/năm. Còn hươu cái là nguồn cung con giống có giá trị kinh tế cao. Một hươu giống giá 15 - 30 triệu đồng/con tùy vào đực, cái, tơ, trưởng thành. HTX cũng đã ký kết với trang trại hươu giống Trường Sinh (Lâm Đồng) giúp các thành viên bao tiêu sản phẩm, mở rộng chăn nuôi theo hướng bền vững
Chú trọng ATLĐ trong chăn nuôi
Hươu nuôi là động vật bán hoang dã, tuy đã được nuôi dưỡng nhưng tập quán sống của nó rất khác với những gia súc khác. Đặc biệt, con người rất khó tiếp cận, điều này đã gây khó khăn lớn cho quản lý, điều trị bệnh và thu hoạch nhung, thậm chí là gây mất an toàn lao động (ATLĐ).
Trong trại nuôi hươu, các thành viên có thể tập luyện thành công khi từng ngày gọi hươu đến để vuốt ve. Có con chấp thuận cho cả người nuôi cưỡi lên lưng mà không hề sợ hãi. Nhưng với đa số hươu, có thể đến gần nhưng không sờ chúng được, khi sờ tay, hươu lập tức hoảng sợ chồm nhảy thốc lên.
“Hươu nuôi vẫn còn tính dã sinh khó tiếp cận, luôn luôn ở trạng thái cảnh giác, đến gần là lập tức chồm chạy. Có một số hươu tính tình hung dữ, khi gặp người là lập tức tấn công rất nguy hiểm”, ông Trương Văn Nghiệp, Giám đốc HTX cho biết.
Trong thời kỳ hươu mẹ đẻ, nuôi con bú hoặc thời kỳ hươu đực phối giống đều rất hung dữ. Để hạn chế bị hươu tấn công và bảo đảm ATLĐ, các thành viên đều không cho người lạ tiếp cận vật nuôi.
Các thành viên là người tiếp xúc thường xuyên cũng cần bảo đảm các động tác tiếp cận phải nhẹ nhàng. Trước hết, phải đứng cách xa để cho hươu nhìn thấy và có sự chuẩn bị. Không được xuất hiện đột ngột, đề phòng hươu bị hoảng sợ và làm bị thương.
Trong suốt quá trình chăm sóc và nuôi dưỡng, công đoạn cắt nhung hươu là quan trọng nhất, quyết định 70% việc thành công với nghề bởi nếu cắt nhung không đúng cách sẽ làm hư đế, nhung sẽ không mọc lại, hoặc mọc lại nhưng phát triển kém. Đặc biệt đây là công đoạn tốn nhiều công sức, nếu không chú trọng đến vấn đề ATLĐ, con người luôn luôn bị hươu coi là “kẻ thù”.
Nhung hươu ngay sau khi khai thác (Ảnh:TL) |
Để cắt nhung phải cần ít nhất 10 người khỏe mạnh, có kinh nghiệm vì hươu là loài vật rất nhanh nhẹn, bộ móng guốc rất sắc. Nếu “hợp đồng tác chiến” không nhanh, không dứt khoát sẽ dễ làm hươu tổn thương hoặc bị hươu đạp vỡ bụng, rách mặt. Do đó, HTX thành lập “đội cắt nhung” tập trung những thành viên khỏe mạnh, sành sỏi, có nhiều kinh nghiệm,vừa để hỗ trợ lẫn nhau đảm bảo ATLĐ vừa giúp bà con nuôi hươu.
Nhà nào đến lượt cắt nhung là hội sẽ tập trung đến để cùng giúp chủ nhà với đầy đủ dụng cụ hỗ trợ cần thiết như cưa, băng gạc, thuốc cầm máu. Hươu được dùng thòng lọng để bắt, sau đó đưa khu vực chuồng ngăn nhỏ, cố định chân vào các thanh sắt rồi mới cắt nhung.
Sau khi cắt nhung, các hoạt động xung quanh chuồng hươu phải nhẹ nhàng, tuyệt đối không để người lạ đi vào chuồng làm hươu hoảng sợ húc lung tung, đập vỡ vết thương ảnh hưởng đến vết cắt và gây khó khăn cho việc làm lành vết cắt, ảnh hưởng xấu đến độ lớn của nhung hươu sau này.
Theo các thành viên, trong thời gian tới, HTX sẽ xin ý kiến của ngành thú y về việc tiêm thuốc gây tê cho hươu trước khi khai thác nhằm bảo đảm ATLĐ một cách tốt nhất cho con người cũng như hạn chế đau đớn cho vật nuôi.
Nhờ hoạt động bài bản, chú trọng ATLĐ, quá trình chăn nuôi được bảo đảm, các thành viên không bị vật nuôi tấn công.
Huyền Trang