Hòn Yến là danh thắng có tính đa dạng sinh học cao cả trên cạn và dưới nước, đặc biệt là các rạn san hô. Tuy nhiên nhiều năm trở lại đây, Hòn Yến bị ô nhiễm bởi có nhiều rác thải. Đặc biệt là rác thải nhựa, bao bì, túi nilon, vỏ chai nhựa, hộp đựng thức ăn... từ các hoạt động kinh doanh, nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, từ khi Tổ hợp tác (THT) Quản lý và bảo vệ rạn san hô Hòn Yến ra đời, những khó khăn trên đã dần được tháo gỡ.
Giảm thiểu rác thải
Việc bảo vệ, bảo tồn quần thể Hòn Yến đang được tiến hành trên nguyên tắc phát triển bền vững nên huy động được sự tham gia của cộng đồng. Trong công tác bảo vệ môi trường, đây được xem là giải pháp thiết thực. Chính vì vậy, ngoài thực hiện bơi thuyền trực tiếp ra vớt rác, THT đã liên kết cùng người dân để họ chủ động thu gom rác khi thực hiện nuôi thủy sản. Sau đó, THT thu gom và vận chuyển bằng xe cơ giới đến nơi tập trung và thực hiện xử lý theo quy định.
THT cũng hướng dẫn người dân đầu tư thả nuôi thủy sản đúng vùng quy hoạch, đảm bảo quy định mật độ nuôi, không gây ảnh hưởng đến giao thông đường thủy cũng như hoạt động khai thác thủy sản và phát triển du lịch trong khu vực.
Các điểm tập kết rác thải sinh hoạt tự phát của người dân trước đây cũng được THT dọn dẹp sạch sẽ. Thay vào đó là xây dựng điểm tập kết ở khu vực mới để thuận tiện cho việc vận chuyển. Hàng chục thùng rác được trang bị quanh đảo phục vụ việc để rác đúng nơi quy định của người dân.
Thu gom rác thải giúp đảo Hòn Yến bảo đảm được tính đa dạng sinh học. |
Được sự cho phép của chính quyền địa phương, THT chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn người dân phân loại rác vô cơ, hữu cơ; áp dụng phương pháp ủ rác hữu cơ, kỹ thuật nuôi trùn quế và phương pháp tái chế chất thải thành những sản phẩm có ích. Nhờ đó, người dân dần thay đổi thói quen sử dụng túi nilon khó phân hủy và đồ nhựa dùng một lần trong sinh hoạt hàng ngày.
Theo Hội Nông dân xã An Hòa, trước đây đảo Hòn Yến là điểm nóng rác thải biển và ven biển, nay nhờ thành lập THT Quản lý và bảo vệ rạn san hô Hòn Yến, lượng rác đã giảm khoảng 80%. Không chỉ người dân trên đảo mà các hộ nuôi trồng thủy sản ven bờ cũng đã có ý thức thu gom và hạn chế sử dụng rác thải nhựa, nhất là các loại nhựa dùng một lần.
Chị Nguyễn Thị Hợp, người dân xã An Hòa, cho biết từ trước đến nay chị chưa biết cách phân loại rác thải và không nhận biết đâu là rác thải nguy hại nên chưa xử lý đúng cách, vô tình gây tổn hại sức khỏe của chính mình và gây ô nhiễm môi trường sinh thái Hòn Yến. Từ khi được THT hướng dẫn cách phân loại, chị đã biết đâu là rác thải hữu cơ, đâu là rác thải vô cơ và tích cực phân loại.
“Hòn Yến là niềm tự hào của người dân nếu làm được việc gì có ích để bảo vệ khu danh lam thắng cảnh này, tôi sẽ cố gắng”, chị Hợp chia sẻ.
Bảo vệ hệ sinh thái biển, rạn san hô
Theo nghiên cứu, đảo Hòn Yến đang có 17 loài san hô ven bờ sinh sống và phát triển tốt. Thế nhưng trong những năm gần đây, do nhiều hành động thiếu ý thức của một bộ phận du khách và người dân địa phương đã tàn phá, dẫm đạp lên san hô, xả rác bừa bãi… đã khiến rạn san hô khu vực này bị chết hoặc biến dạng nghiêm trọng.
Từ thực tế này, ngoài công tác thu gom rác thải, THT còn thực hiện quản lý khoảng 2,87 ha đất mặt nước tại khu vực quần thể rạn san hô Hòn Yến. Trong đó, tập trung bảo quản hệ thống phao, mốc cắm khoanh vùng và lập bảng cảnh báo khu vực vùng bảo vệ rạn san hô để nhân dân biết và tránh khai thác các rạn san hô.
Khu vực có nhiều rạn san hô trên đảo Hòn Yến đang được chăm sóc, bảo vệ. |
THT kết hợp cùng các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương theo dõi, tuần tra nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm trên bờ, trên biển gây hại đến quần thể của rạn san hô. Các thành viên cũng thả bổ sung để làm tăng mật độ và phục hồi một số san hô, cỏ biển nhằm tạo sinh cảnh, nơi cư trú, sinh sản và tăng trưởng cho các loại thủy sản tại đây.
Rạn san hô Hòn Yến là một bộ phận quan trọng của quần thể đảo Hòn Yến đã được công nhận là di tích danh thắng cấp quốc gia vào năm 2018. Việc thành lập THT Quản lý và bảo vệ rạn san hô Hòn Yến đã và đang góp phần thực hiện mục tiêu bảo tồn, bảo vệ rạn san hô, góp phần phục hồi và bảo vệ tài nguyên biển, ngăn chặn những tác động làm giảm hệ sinh thái biển tại đây.
Đánh giá của ngành chức năng cho thấy, dù THT Quản lý và bảo vệ rạn san hô Hòn Yến mới đi vào hoạt động được hơn 1 năm nhưng ý thức người dân đã nâng lên rõ rệt. Hòn Yến hiện nay cơ bản không còn rác thải, thay vào đó cây xanh được trồng dọc khắp bờ biển. Hiệu quả thấy rõ nên không chỉ các cấp ngành mà người dân đều mong muốn THT tiếp tục phát triển, để công tác bảo vệ quần thể Hòn Yến được bền vững.
Tùng Lâm