Theo Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, toàn huyện đang có 22 HTX nông nghiệp, trong đó có nhiều HTX đã ứng dụng khoa học - kỹ thuật, tạo ra những mặt hàng nông sản công nghệ cao, giàu sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường trong và ngoài nước.
Tiên phong La’sfarm Ân Phong
HTX Nông nghiệp Công nghệ cao La'sfarm Ân Phong, xã Ân Phong là một trong những đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất các loại rau quả trên địa bàn huyện Hoài Ân.
La'sfarm Ân Phong đang là một điển hình nông nghiệp công nghệ cao ở Hoài Ân (Ảnh TL). |
Ông Trần Bảo Diệp, Giám đốc HTX La'sfarm Ân Phong cho biết, HTX đang ứng dụng các kỹ thuật công nghệ cao của Israel vào sản xuất như trồng rau trong nhà màng, tưới nhỏ giọt tự động hẹn giờ và điều khiển sản xuất trên điện thoại thông minh…
Hiện tại, dưa lưới đang là cây trồng chủ lực của HTX, bởi phù hợp với điều kiện khí hậu khắc nghiệt tại địa phương. Trời càng nắng thì dưa càng có chất lượng cao.
Giống dưa được HTX lựa chọn là TL3 và dưa lưới mật E-Garden. Dưa TL3 có vị ngọt thanh, mềm, phù hợp với thị hiếu không thích hoặc ít thích “ngọt” của người miền Bắc; trong khi dưa E-Garden lại được người tiêu dùng miền Nam ưa chuộng.
Với diện tích 1.000m2, HTX áp dụng kỹ thuật trồng dưa trong túi nylon chuyên dụng có 2 lớp trắng và đen. Lớp màu trắng bên ngoài có tác dụng không hấp thụ nhiệt từ ánh nắng mặt trời giúp rễ cây không bị nóng, héo, mất nước... Lớp màu đen bên trong có tác dụng bảo vệ rễ, chống sâu bệnh.
Việc sử dụng túi nylon chuyên dụng giúp ngăn chặn rêu, tảo và một số loại cỏ dại phát triển, từ đó giúp cây tận dụng tối đa lượng dinh dưỡng có trong túi bầu.
Để đảm bảo cây dưa phát triển đồng đều, nguồn nước và phân bón đều được chuyển sang sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt hiện đại theo công nghệ Israel đến từng gốc dưa. Công nghệ này giúp quản lý được nguồn dinh dưỡng, đáp ứng tốt từng giai đoạn sinh trưởng của cây.
Theo Giám đốc HTX Trần Bảo Diệp, nhờ sản xuất khoa học, ứng dụng hiệu quả công nghệ cao, sản phẩm của HTX có chất lượng vượt trội, đã có chứng nhận và truy xuất nguồn gốc với mã QR.
Trung bình một năm, HTX trồng được 4 vụ, mỗi vụ 75 ngày thì có thể thu hoạch được 4 tấn dưa/1.000m2. Giá bán tại vườn là 45.000 - 55.000 đồng/kg, lãi khoảng 40 - 60 triệu đồng/vụ. Đến mùa thu hoạch, thương lái, doanh nghiệp ở khắp nơi đổ vể thu mua.
Hiện, không chỉ trồng dưa lưới, HTX La’sfarm Ân Phong còn đang mở rộng sang sản xuất các loại rau quả an toàn như dưa hấu, dưa lê Hàn Quốc, cà chua sô cô la, dưa leo baby…
Hình thành chuỗi giá trị
Nếu La’sfarm Ân Phong gân ấn tượng với dưa lưới công nghệ cao, thì HTX HTX nông nghiệp Ân Tín, xã Ân Tín lại trở thành đơn vị đầu tiên trong tỉnh trồng lúa sạch theo hướng hữu cơ, có ứng dụng một phần công nghệ cao.
HTX Ân Tín đang là đơn vị đi đầu trong sản xuất lúa hữu cơ, ứng dụng một phần công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bình Định (Ảnh TL). |
Cụ thể, từ năm 2019, HTX áp dụng quy trình kỹ thuật trồng lúa không bón phân hóa học, không phun thuốc trừ sâu, sử dụng phân hữu cơ và phân vi sinh để tạo ra sản phẩm lúa gạo sạch, được thị trường đón nhận tích cực.
Trong quá trình sản xuất, 100% khâu làm đất, 70% khâu thu hoạch được thành viên HTX ứng dụng máy móc hiện đại. HTX cũng có hệ thống máy xay xát công suất lớn, đảm bảo nhu cầu phục vụ người dân.
Ông Bùi Long Xuân, Giám đốc HTX Ân Tín cho biết, để nâng cao khả năng đáp ứng thị trường, thời gian tới, HTX sẽ mở rộng diện tích canh tác, đồng thời đầu tư ứng dụng công nghệ cấy mạ và công nghệ sấy lúa để nâng cao phẩm cấp sản phẩm gạo sạch.
Cùng với ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất theo chuỗi để nâng cao giá trị sản phẩm là cách mà nhiều HTX thực hiện. Điển hình như HTX nông nghiệp 19/4, xã Ân Tường Tây, chuyên trồng cây bưởi da xanh theo hướng VietGAP. Với 9 thành viên/20 ha, HTX có thể cung ứng 200 tấn quả mỗi năm.
Ông Nguyễn Hoài Thương, Giám đốc HTX 19/4 chia sẻ, để nâng cao thương hiệu bưởi da xanh Hoài Ân, HTX xác định xây dựng chuỗi liên kết là cần thiết. Chuỗi liên kết sẽ tạo ra sản phẩm đồng đều về trái và chất lượng.
Hiện, HTX đứng ra bao tiêu toàn bộ sản phẩm của nông dân và ký hợp đồng với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, HTX còn tập trung xây dựng kho vật tư nông nghiệp nhằm thu gom bưởi về để sơ chế, chế biến, đóng gói và hỗ trợ bao bì nhãn mác, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.
Rõ ràng, việc có nhiều HTX nông nghiệp đổi mới tư duy, mạnh dạn ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất đã góp phần nâng khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp của huyện Hoài Ân.
Hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, thời gian tới, huyện sẽ tăng cường các biện pháp hỗ trợ về kỹ thuật, đất đai, vay vốn để các HTX đầu tư phát triển sản xuất. Công tác quảng bá, giới thiệu, xây dựng và đăng ký nhãn hiệu sản phẩm cũng được chú trọng.
Ngoài ra, huyện Hoài Ân còn triển khai xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản, tạo đầu ra ổn định, bền vững cho sản phẩm nông sản, qua đó góp phần nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, đồng thời nâng cao thu nhập cho người dân và HTX.
Nhật Minh