Hiện nay, HTX đã đa dạng các sản phẩm đáp ứng nhu cầu khách hàng và có nhiều người lao động tay nghề cao, tự thiết kế ra những sản phẩm mẫu mã đẹp đáp ứng được thị hiếu của khách du lịch trong và ngoài nước
Chú trọng nâng cao tay nghề
Với phương châm vừa phát triển kinh tế, vừa duy trì bản sắc văn hóa dân tộc, HTX đã ký kết với Trung tâm dạy nghề, tạo điều kiện cho các thành viên và người lao động tham gia các khóa đào tạo nâng cao tay nghề.
Đồng thời, các học viên lớp may công nghiệp tại các trung tâm dạy nghề của tỉnh sẽ được vào thực hành làm việc tại xưởng may của HTX để gia công các sản phẩm dệt may thành sản phẩm theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp có uy tín, bảo đảm các điều kiện về việc làm, thu nhập, đáp ứng được yêu cầu của các thành viên và người lao động.
Đến nay, HTX đã phối kết hợp với Trung tâm Khuyến công (Sở Công Thương) và Liên minh HTX Việt Nam mở 5 lớp dạy nghề cho các thành viên và người lao động. Việc chú trọng nâng cao tay nghề đã góp phần thay đổi được nhận thức cho các thành viên và người lao động.
Từ thói quen lao động nhỏ lẻ trong sản xuất, giờ đây, phần lớn trong số họ đã tự tin tham gia sản xuất nhờ những kiến thức, hiểu biết thông qua các lớp tập huấn, các chương trình đào tạo nghề... để mang lại hiệu quả cao hơn trong sản xuất, kinh doanh.
Hàng tháng, các thành viên và người lao động có thu nhập 3 - 3,5 triệu đồng. Có việc làm và thu nhập ổn định, nhiều thành viên đã đăng ký tham gia đưa vốn điều lệ của HTX lên gần 2 tỷ đồng. Từ đó, cơ sở vật chất của HTX ngày càng được mở rộng, nhiều học viên ở các xã đến liên hệ học việc, hợp tác làm bao tiêu sản phẩm.
HTX hiện có hơn 200 khung dệt
Từ 13 khung dệt ban đầu với 8 thành viên, đến nay, HTX đã phát triển thành một cơ sở dệt uy tín của tỉnh với hơn 200 khung dệt, hàng chục máy khâu và 125 thành viên (chủ yếu là phụ nữ dân tộc Mường).
Nhờ sự đa dạng về mẫu mã, nhiều sản phẩm của HTX như khăn quàng, áo váy, túi xách, chăn ga gối đệm, khăn lụa tơ tằm... với hoa văn đặc sắc được tiêu thụ ở nhiều nơi trong nước (Thanh Hóa Lai Châu, Ninh Bình, Hà Nội...) và là địa chỉ mua sắm của khách du lịch nước ngoài.
Mở rộng sản xuất
Trong xu thế phát triển hiện nay, HTX Vọng Ngàn đã cố gắng bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống, vừa gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, vừa nâng cao đời sống của đồng bào tại địa phương.
Sản phẩm của HTX đã được quảng bá tại các hội chợ lớn trong nước, được khách hàng đánh giá cao về cả chất liệu sản phẩm cũng như hoa văn, thể hiện bản sắc dân tộc... Một số bạn hàng ở các xã Ngọc Lặc và Lang Chánh của tỉnh Thanh Hóa đã ký kết hợp đồng dệt khăn Piêu.
Được sự giúp đỡ của Liên minh HTX Việt Nam, HTX đã gia nhập làm thành viên của Tổng công ty Đầu tư Thương mại du lịch Thắng Lợi Victoria (thuộc Liên minh HTX Việt Nam), giúp sản phẩm của HTX ổn định đầu ra và đến với nhiều người tiêu dùng hơn.
Bà Bùi Thị Lan Phương - Giám đốc HTX, cho biết: Sản phẩm thổ cẩm của HTX được khách hàng nước ngoài ưa chuộng. Mẫu mã có thể thay đổi nhưng sản phẩm phải luôn được làm từ sợi bông tự nhiên, nhuộm màu tự nhiên để bảo đảm chất lượng, an toàn với người tiêu dùng và bảo vệ môi trường..
Hiện nay, HTX đang xây dựng kế hoạch mở rộng về du lịch cộng đồng để nhiều người biết đến các mặt hàng thêu, dệt và hàng may từ thổ cẩm hơn nữa.
HTX kết hợp mở các chuyến du lịch trọn gói để du khách lưu lại lâu hơn, góp phần tạo nên một khu du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Nghề dệt thổ cẩm của HTX đã trở thành địa chỉ gắn với các hoạt động du lịch, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Như Yến