Nhờ hoạt động hiệu quả, HTX Hợp Tiến cũng đang tạo việc làm cho hơn 1.800 lao động thời vụ, với mức lương bình quân 4 - 7 triệu đồng/ người/tháng, từ những công việc thủ công như đan lát hàng cói, hàng bèo bồng khô, đan lát tre nứa...
Ông Vũ Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT HTX, cho biết: “Không chỉ cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp về kinh tế, HTX cũng không thua kém cả về mặt đời sống nhân lực. Những năm qua, HTX liên tục hoàn thiện cơ sở vật chất, trình độ kỹ thuật, bảo đảm môi trường làm việc an toàn, hiệu quả cho thành viên”.
Biến đổi linh hoạt
Để thích nghi với sự thay đổi của thị trường, HTX Hợp Tiến luôn chủ động tìm tòi, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, gia tăng giá trị trên một đơn vị diện tích đất canh tác.
Điển hình, khoảng 5 năm trước, HTX Hợp Tiến thực hiện chuyển đổi đất nông nghiệp từ trồng lúa sang trồng các loại rau màu ngắn ngày, phục vụ xuất khẩu, với các sản phẩm chủ lực như dưa bao tử, nấm, ngô ngọt, cà chua bi… mang lại hiệu quả gấp 3 - 4 lần.
Năm 2014, HTX Hợp Tiến xây dựng và đưa vào hoạt động hệ thống lò sấy thóc công suất đạt 200 - 300 tấn/vụ, 11 máy gặt đập liên hoàn, 10 máy chuyên làm đất, để phục vụ nhu cầu sản xuất của các thành viên với mức phí thấp hơn 20 - 40% thuê ngoài.
Đến nay, 100% thành viên HTX đang ứng dụng phương thức gieo sạ vào sản xuất lúa, với diện tích hơn 330 ha (trên tổng số 360 ha đất sản xuất). Gieo sạ giúp nông dân giảm 50 - 70% công lao động, năng suất lúa tăng 10 - 20%.
Sự đổi mới liên tục của HTX đang đem lại hiệu quả. Bà Hoàng Thị Cúc - thành viên HTX, chia sẻ: “Nhà tôi chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng dưa chuột bao tử từ năm 2013. Đến nay, mô hình cho thu nhập bình quân 40 - 50 triệu đồng/năm, chưa kể thu nhập từ công việc thủ công tại nhà”.
Để bảo đảm thị trường cho thành viên, kể từ đầu năm 2017, HTX đẩy mạnh các hoạt động liên kết kinh doanh nhằm bao tiêu sản phẩm cho người dân với giá cao hơn, điển hình như công ty TNHH Á Châu (Tam Điệp, Ninh Bình), công ty Phú Hương (Hà Nội), để bao tiêu ngô, dưa bao tử và khoai tây...
HTX Hợp Tiến là nhân tố thúc đẩy NTM nhờ sản xuất hiện đại |
Sức bật cho NTM
Hoạt động hiệu quả của các HTX, điển hình như HTX Hợp Tiến, là nhân tố quan trọng tạo bước đột phá mạnh mẽ trong xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn, góp phần giúp xã Khánh Nhạc xuất sắc về đích NTM vào năm 2014.
Xã Khánh Nhạc là đơn vị đi đầu, làm điểm rút kinh nghiệm cho toàn tỉnh trong xây dựng NTM, đặc biệt về công tác dồn điền đổi thửa, xóa bỏ tình trạng ruộng đất manh mún, thay đổi tập quán và tư duy kinh tế đối với các hộ nông dân.
Hiện, toàn xã đã xây dựng được 250 ha cánh đồng mẫu lớn, đưa 85% diện tích canh tác bằng các giống lúa có giá trị kinh tế cao. Đưa 100% cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp ở cả 4 khâu (làm đất - gieo cấy - tưới tiêu - thu hoạch).
Ông Bùi Thiện Thi - Bí thư Huyện ủy Yên Khánh, đánh giá: “Các HTX có vai trò quan trọng trong tiến trình xây dựng NTM trên địa bàn xã Khánh Nhạc, từ đó, có đóng góp trực tiếp góp phần giúp huyện Yên Khánh về đích huyện NTM vào đầu năm 2019”.
Chuyển biến trong NTM giúp Yên Khánh thay đổi toàn diện về kinh tế, đời sống. Toàn huyện đã nhựa hóa, bê tông hóa được 1.520 tuyến đường, với tổng chiều dài 224,7 km; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia 96,8%; thu nhập bình quân đạt 41,1 triệu đồng/ người/năm…
Để tiếp tục phát huy hiệu quả từ NTM, huyện Yên Khánh tiếp tục chủ động nâng cao các tiêu chí NTM tại các địa phương, thực hiện các giải pháp giảm nghèo, bảo vệ môi trường… Phấn đấu đến năm 2020, huyện có 50% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, có 2 - 3 xã đạt NTM kiểu mẫu.
Nhật Minh