Tháng 3/2017, mô hình trồng cây dong riềng tại xã Bình Lư chính thức được triển khai với 60 hộ nông dân trên địa bàn 3 bản Trung Chải, Nậm Sảo 1 và Nậm Sảo 2, tham gia đăng ký góp 50 ha đất. HTX Duy Sơn là đơn vị dẫn dắt sản xuất, với sản lượng hơn 1.000 tấn củ/năm.
Anh Cầm Văn Chính (bản Nậm Sảo 1) chia sẻ: “Năm 2017, nhận được lời mời của HTX, nhà tôi đăng ký tham gia trồng dong riềng với diện tích sản xuất hơn 2.000 m2. Trong quá trình sản xuất, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ HTX, từ giống cây, phân bón, đến thu hoạch, tiêu thụ…”.
Điểm tựa sản xuất
“Được trang bị kiến thức, khoa học - kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, cây dong riềng phát triển rất tốt và cho thu nhập cao. Vụ gần nhất (tháng 3 - 4/2018), nhà tôi thu về khoảng 10 tấn củ, trị giá trên 10 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng các loại cây nông nghiệp trước đây”, anh Chính cho biết.
Để nâng cao hiệu quả, HTX không trực tiếp đứng ra sản xuất mà làm nhiệm vụ liên kết để hình thành vùng nguyên liệu sản xuất, hỗ trợ đầu vào và thu mua sản phẩm cho nông dân, từng bước tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản riêng của địa phương.
Về cơ sở vật chất, HTX Duy Sơn đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng và dây chuyền chế biến miến dong ngay tại xã. Hiện, HTX đang kết hợp thu mua củ dong riềng và vận hành máy sơ chế, tách tinh bột để sản xuất miến dong.
Không chỉ phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho hàng chục hộ thành viên liên kết, HTX còn đang tạo việc làm cho 10 lao động làm việc trong xưởng sản xuất, với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Đặng Thế Chuyền - Phó Giám đốc HTX Duy Sơn, cho biết: “Trong mối liên kết “3 nhà” đang thực hiện, nếu các hộ thành viên là chủ thể sản xuất, HTX như một doanh nghiệp hỗ trợ, thì chính quyền địa phương là “trọng tài” giám sát”.
Trong mối quan hệ cộng hưởng, hoạt động sản xuất sẽ được thực hiện khoa học hơn, sự công bằng trong phân chia lợi ích tạo động lực làm việc cho người dân, từ đó chất lượng công việc được nâng lên, hoạt động sản xuất hiệu quả hơn.
Mô hình trồng dong riềng đang cho hiệu quả cao ở Tam Đường |
Điển hình xây dựng NTM
Tam Đường là huyện đi đầu của tỉnh Lai Châu trong triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), với 5 xã đạt chuẩn (hoặc cơ bản đạt) NTM. Trong đó, có xã Bình Lư - địa bàn phát triển sản xuất của HTX Duy Sơn.
Thành công trong xây dựng NTM như một cuộc “cách mạng” tạo động lực, sinh khí để huyện Tam Đường bứt phá, có được những sự đổi thay vượt bậc trong phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng tại địa phương.
Đến nay, 95,5% số bản trên địa bàn huyện có đường bê tông liên bản, đi lại thuận tiện trong 4 mùa, 96,8% số bản có điện lưới quốc gia; thu nhập bình quân đầu người đạt 22 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể.
Huyện cũng hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, như: Lúa xã Thèn Sin, Bản Bo, Bình Lư, thị trấn Tam Đường; chè chất lượng cao tại các xã Bản Bo, Sơn Bình, Nà Tăm; cây ăn quả ôn đới tại Giang Ma, Hồ Thầu, Nùng Nàng…
Đặc biệt, phong trào “Chung tay xây dựng NTM” được nhân rộng, lan tỏa đến các bản làng xa xôi và đến tận hôm nay, phong trào này vẫn được người dân hưởng ứng nhiệt tình bằng việc góp công, sức, hiến đất làm đường giao thông nông thôn.
Ông Từ Hữu Hà - Chủ tịch UBND huyện Tam Đường, khẳng định: “Các tiêu chí về thu nhập của người dân vẫn là điểm còn yếu tại các xã trong quá trình xây dựng NTM. Vì vậy, việc phát triển các HTX là một trong những nhiệm vụ quan trọng của huyện trong thời gian tới, nhằm nâng tầm sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, gia tăng lợi ích kinh tế bền vững cho người dân”.
Hưng Nguyên