HTX đang phát huy vai trò dẫn dắt người nông dân sản xuất theo hướng hàng hóa (Ảnh Tư liệu) |
Cùng với những chính sách thúc đẩy nông nghiệp hiện đại, những năm qua, tỉnh Long An đã và đang xây dựng thành công hàng loạt HTX tiêu biểu, điển hình như HTX Hưng Phú (huyện Vĩnh Hưng), HTX Thạnh Hưng (thị xã Kiến Tường), HTX Nông nghiệp Phước Thịnh (huyện Cần Giuộc)…
HTX tiên phong trong sản xuất an toàn
Sau nhiều năm đổi mới, HTX rau an toàn Mười Hai (xã Long Khê, huyện Cần Đước) đang gặt hái nhiều thành công nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau hữu cơ. HTX hiện có 25 thành viên, sản xuất khoảng 8 ha rau các loại.
Anh Lê Phước Tồn – thành viên HTX Mười Hai chia sẻ, khi tham gia HTX, các thành viên được hỗ trợ công nghệ tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước, tập huấn kỹ thuật, nâng cao kiến thức về sản xuất hữu cơ để vừa nâng cao hiệu quả, vừa bảo vệ môi trường sinh thái.
“Trong sản xuất, chúng tôi loại bỏ hoàn toàn các loại thuốc trừ sâu, hóa chất độc hại. Các loại rau tuân thủ nguyên tắc “5 không”, “4 đúng” theo tiêu chuẩn VietGAP. Quy trình sản xuất hiện đại giúp năng suất, chất lượng rau tăng 30 – 35%, môi trường đất, nước được bảo vệ”, anh Tồn phấn khởi nói.
Tương tự, HTX Bến Kè (huyện Thạnh Hóa) hiện có 12 thành viên trồng 40ha khoai mỡ trắng và liên kết với nông dân trong vùng trồng thêm 60ha theo hướng VietGAP, bình quân mỗi năm thu hoạch từ 1.500-1.700 tấn/100ha.
Đáng chú ý, nhờ sản xuất sạch, đáp ứng các tiêu chuẩn cao về vệ sinh thực phẩm, nói không với các loại hóa chất độc hại, đảm bảo vệ sinh môi trường, sản phẩm của HTX được bao tiêu với giá ổn định 10.000 đồng/kg cả năm.
“HTX cũng liên kết nhiều nông dân trồng khoai tím và hướng dẫn sản xuất theo hướng VietGAP, thu mua để đủ nguồn cung cho khách hàng trong nước. Đây là kết quả của quy trình sản xuất sạch, chú trọng kỹ thuật cùng sự đồng hành của các cơ quan chức năng”, Giám đốc HTX Phan Thành Dũng nhấn mạnh.
HTX sẽ là cầu nối giúp nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ, ổn định giá bán nông sản (Ảnh TL) |
Đổi mới tư duy để mở cửa thị trường
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Long An, việc liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản là mắt xích quan trọng trong cung ứng thực phẩm đến tay người tiêu dùng. Để đẩy mạnh liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản, đòi hỏi phải có sự liên kết của nông dân, HTX, doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
Từ năm 2016 đến nay, sở phối hợp Sở NN&PTNT tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa giữa doanh nghiệp, HTX của tỉnh với TP.HCM và hàng loạt tỉnh thành trên cả nước. Kết quả, có trên 200 biên bản ghi nhớ, hợp đồng nguyên tắc được ký kết, hơn 200 hợp đồng được triển khai thực hiện có hiệu quả…
Đang có những chuyển biến tích cực, song một trong những điểm nghẽn trong liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản tại Long An hiện tại là một bộ phận nông dân còn duy trì tập quán canh tác cũ, chưa tham gia sản xuất hàng hóa quy mô lớn và rải vụ theo kế hoạch của doanh nghiệp bao tiêu.
Để giải quyết tình trạng trên, đại diện Sở NN&PTNT Long An cho hay tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện xúc tiến tiêu thụ hàng hóa, kết nối cung - cầu, đồng thời, phối hợp ngành liên quan tuyên truyền nông dân thay đổi tập quán sản xuất, chú trọng ứng dụng kỹ thuật mới.
Đẩy mạnh hỗ trợ các HTX, hộ sản xuất xây dựng thương hiệu sản phẩm, xây dựng chuỗi liên kết hiệu quả. Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, HTX, nhà sản xuất, kênh phân phối nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Hưng Nguyên