Trong nông nghiệp, nguồn điện có vai trò vô cùng quan trọng trong việc duy trì và mở rộng sản xuất theo hướng hàng hóa, hiện đại. Tuy nhiên, thực tế tại nhiều HTX vẫn đang khó mở rộng sản xuất kinh doanh vì thiếu nguồn điện cung cấp.
Nỗi lo thiếu điện
Phát triển tại vùng có thế mạnh thủy sản nhưng những năm gần đây, HTX nuôi tôm Hòa Nghĩa (Sóc Trăng) vẫn rơi vào cảnh thiếu điện để sản xuất. Ông Đặng Văn Xúa, thành viên HTX cho biết: Nuôi tôm thẻ khổ nhất là không đủ điện chạy quạt oxy mà phải chạy bằng máy dầu khiến gia tăng chi phí gấp 4-5 lần. Nếu thành viên HTX kéo điện sinh hoạt ra tận ao nuôi thì tiềm ẩn mất an toàn lưới điện và khiến các thiết bị trong nhà gần như không hoạt động được.
Hay như HTX H’Mông (Điện Biên) đang phát triển mô hình trồng dâu tây, su su, khoai sọ, măng tây… HTX định hướng tiếp tục phát triển nhà máy chế biến để mở rộng khả năng tiêu thụ nông sản cho người dân và kết hợp làm mô hình du lịch. Tuy nhiên, theo Ban giám đốc HTX, do còn khó khăn về địa hình nên việc kéo hệ thống điện phục vụ sản xuất, chế biến chưa thành hiện thực.
“Nếu không có nguồn điện ổn định, đáp ứng hoạt động của các máy móc công suất lớn cũng đồng nghĩa với công việc chế biến không thể hoạt động ổn định và không tối ưu được chuỗi sản xuất”, anh Dương Anh Văn, Giám đốc HTX chia sẻ.
Có thể thấy, nhu cầu sử dụng điện để phục vụ sản xuất và chế biến theo hướng hàng hóa của các HTX là không hề nhỏ. Tuy nhiên, nhiều HTX vẫn không có nguồn điện ổn định để sản xuất vì nhiều lý do khác nhau.
Tại Tọa đàm "Tiết kiệm năng lượng - giải pháp gia tăng lợi ích, giảm chi phí trong sản xuất chế biến nông sản thực phẩm", Ths Nguyễn Bích Thủy, Ủy viên Hội đồng năng lượng thế giới cho biết, mỗi địa phương ở Việt Nam đều có thế mạnh khác nhau để phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên thực tế cho thấy, nhiều vùng miền vẫn bị thiếu điện, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, trong khi những vùng này lại có lợi thế về du lịch, phát triển các sản phẩm bản địa.
Nguyên nhân của tình trạng này là do chưa tận dụng được các nguồn năng lượng tái tạo. Trong khi Việt Nam có nhiều tiềm năng sản sinh ra các nguồn năng lượng như phong điện, thủy điện, sinh khối, thủy triều…
Sấy nông sản bằng hệ thống năng lượng mặt trời giúp bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế. |
Theo bà Thủy, với tổng số giờ nắng lên đến trên 2.500 giờ/năm và có thể sản sinh ra khoảng 230-250 kcal/cm2 theo hướng tăng dần về phía Nam, Việt Nam hoàn toàn có thể đẩy mạnh khai thác nguồn năng lượng mặt trời bằng hệ thống điện mặt trời áp mái.
Hay khoảng 40% tổng diện tích của Việt Nam có tốc độ gió trung bình hàng năm ở độ cao 65m lớn hơn 6m/giây, tương đương với tổng công suất 513 GW. Nếu tận dụng có thể tạo ra những nguồn điện không hề nhỏ.
Khi tận dụng và khai thác các nguồn năng lượng tái tạo không chỉ giúp giải quyết khó khăn thiếu điện do nguồn cung chưa đủ tại nhiều địa phương, nhất là ở những vùng miền núi, vùng sâu vùng xa, mà còn góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ môi trường.
Theo tính toán của các chuyên gia, khi sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo sẽ giúp giảm phát thải khí nhà kính hiệu quả. Ví dụ như, một hệ thống điện mặt trời công suất 1MWp sẽ tạo ra khoảng 1.5 triệu kWh điện/năm, giúp giảm phát thải khoảng 1.000 tấn CO2/năm.
Gia tăng lợi ích, thu hút đầu tư
Do những lợi ích thiết thực về kinh tế xã hội và môi trường, ngày càng nhiều HTX quan tâm đến các giải pháp năng lượng sạch.
Tiêu biểu như HTX Tân Phát Lợi (Cà Mau) chuyên sản xuất bánh phồng tôm, tôm khô nguyên vỏ, tôm khô tách vỏ, cá lóc khô, chà bông tôm, muối tôm…
Tận dụng nguồn năng lượng thiên nhiên, HTX đã đầu tư thiết bị sấy sử dụng năng lượng mặt trời, giúp chủ động trong sản xuất, tăng sản lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng hiệu quả kinh tế. Việc sấy nông sản bằng năng lượng mặt trời cũng giảm phát thải khí nhà kính so với việc sấy bằng than củi truyền thống.
Còn tại HTX nhãn chín muộn bản Noong Phụ (Sơn La) đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái với công suất 10,3 kWp. HTX đã sử dụng năng lượng điện mặt trời áp mái để phục vụ tưới ẩm 14 ha cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao và bơm nước cho 3 ao nuôi cá. Từ khi lắp hệ thống năng lượng mặt trời áp mái, HTX đã tiết kiệm được 2 triệu đồng mỗi tháng. Bên cạnh đó, HTX còn sản xuất dư điện mặt trời và truyền tải lại hơn 1.500 kWp vào điện lưới quốc gia.
Ngoài những HTX tận dụng năng lượng mặt trời để sản xuất, chế biến nông sản và sản xuất điện lưới, còn có những HTX chăn nuôi xây dựng hầm biogas vừa góp phần cung cấp thêm năng lượng thông qua lượng khí đốt vừa nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, để tận dụng được các nguồn năng lượng, các chuyên gia cho rằng, các ngành chức năng cần quan tâm phát triển các dự án năng lượng tái tạo và phân bổ các dự án này một cách hợp lý dựa vào điều kiện tự nhiên và đặc tính của các nguồn năng lượng.
Hiện, các dự án năng lượng tái tạo phần lớn tập trung ở miền Trung, miền Nam, nơi nhu cầu và tăng trưởng điện thấp hơn miền Bắc. Hơn nữa, hạ tầng chưa đáp ứng để truyền tải đủ lượng điện từ miền Trung và miền Nam ra miền Bắc.
Bà Nguyễn Thu Liên, Hiệp hội thực phẩm Minh bạch (AFT) cho biết, lợi ích từ năng lượng tái tạo là không thể phủ nhận, song chi phí đầu tư ban đầu khá cao nên dẫn đến việc vẫn còn ít HTX, hộ dân đầu tư cho mảng này.
Chẳng hạn như riêng hệ thống điện năng lượng mặt trời đấu nối lưới điện quốc gia, ngoài đầu tư tấm pin mặt trời, hộ dân, HTX cần đầu tư thêm các thiết bị chuyển đổi điện như: Bộ chuyển đổi nguồn điện một chiều, công tơ hai chiều, tủ điện,… Ngoài ra, các chi phí như lắp đặt, duy trì, bảo dưỡng cũng cao hơn nhiều so với điện lưới thông thường.
Một thách thức khác là bất cập ở hệ thống chính sách. Theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg, loại hình điện năng lượng mặt trời hiện chỉ áp dụng biểu giá hỗ trợ đối với các dự án đưa vào vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021. Ngoài ra, những vướng mắc về hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn ứng dụng các công nghệ năng lượng tái tạo hay các chính sách chưa bảo đảm được tính vùng miền cũng cản trở người dân, HTX đầu tư và gây khó khăn cho công tác quản lý.
Chính vì vậy, ngoài hoàn thiện cơ chế chính sách theo hướng linh hoạt, các cơ quan chức năng cần tập trung phát triển các dự án năng lượng tái tạo phù hợp với thực tiễn. Điều này vừa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường, vừa mở ra cơ hội lớn trong đảm bảo an ninh năng lượng…
Tùng Lâm