Nông nghiệp hữu cơ đang chuyển biến tích cực, mang lại nhiều lợi ích cho nông dân ở Tiên Du (Ảnh Tư liệu) |
Giá trị từ sản xuất hữu cơ
Việt Đoàn là xã thuần nông của huyện Tiên Du. Những năm qua, xã đã có nhiều hoạt động thiết thực giúp nông dân phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Một trong những thành công nổi bật của xã Việt Đoàn là việc thành lập HTX sản xuất rau, củ, quả an toàn Liên Ấp. Hiện, HTX đang canh tác trên tổng diện tích hơn 20 ha, gắn kết được hơn 100 hộ cùng sản xuất các loại rau cải, dưa chuột Nhật, cà chua, hành, tỏi… theo quy trình VietGAP.
Bình quân mỗi năm, HTX Liên Ấp đứng ra tiêu thụ từ 250 đến 350 tấn rau, củ, quả các loại với giá cả ổn định cho các thành viên, nông dân liên kết. Theo ghi nhận, hầu hết các thành viên HTX có thu nhập ổn định từ 50 đến 70 triệu đồng/năm, trong đó khoảng 20 hộ có thu nhập đạt trên 100 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Văn Hiệp – Giám đốc HTX Liên Ấp, cho hay để có được thành công trên, ngay khi bước vào sản xuất, HTX đã tổ chức tập huấn kỹ thuật, quy trình sản xuất VietGAP cho thành viên, người lao động.
Trong quá trình canh tác, các hộ sản xuất loại bỏ hoàn toàn các loại hóa chất gây hại cho sức khỏe con người và môi trường sinh thái, ưu tiên sử dụng các loại thuốc vi sinh, phân bón hữu cơ, phân chuồng ủ hoai mục…
Các loại bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, rác thải trong quá trình sản xuất được HTX thu gom, tập trung đúng nơi quy định, xử lý đúng cách để không gây ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước, đảm bảo môi trường thuận lợi cho cây trồng phát triển.
Thực tế, kể từ năm 2015 đến nay, với chính sách thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ, các mô hình sản xuất nông nghiệp VietGAP gắn với bảo vệ môi trường sinh thái cho giá trị kinh tế cao như HTX Liên Ấp không còn hiếm trên địa bàn huyện Tiên Du.
Theo thống kê, đến nay toàn huyện Tiên Du có 6 khu trồng trọt, 5 khu chăn nuôi, 2 khu nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, giá trị kinh tế bình quân đạt 120 - 150 triệu đồng/ha, cao gấp 4 - 5 lần giá trị sản xuất nông nghiệp truyền thống.
Huyện Tiên Du đang đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, khuyến khích người dân tích tụ ruộng đất, tập trung phát triển kinh tế theo mô hình liên kết (Ảnh TL) |
Đẩy mạnh sản xuất chuyên canh
Theo UBND huyện Tiên Du, trong lộ trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015 – 2020, tầm nhìn 2025, huyện quyết tâm phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường, phát triển du lịch cộng đồng.
Để đạt được mục tiêu trên, huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp về quy hoạch, huy động và sử dụng nguồn lực, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh cơ chế, chính sách đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Trong quá trình sản xuất, các mô hình được hỗ trợ áp dụng đúng quy trình VietGAP, hữu cơ, tổ chức xây dựng các khu xử lý rác thải và bao bì thuốc bảo vệ thực vật, ưu tiên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, thảo mộc…
Bên cạnh đó, huyện Tiên Du cũng đang đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, khuyến khích người dân tích tụ ruộng đất, tập trung phát triển kinh tế theo mô hình liên kết, đồng thời chỉ đạo các địa phương quy hoạch hình thành thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng chuyên canh.
Hiện nay, trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều khu sản xuất nông nghiệp tập trung như vùng sản xuất lúa hàng hóa, quy mô 120 ha tại các xã Phú Lâm, Lạc Vệ và thị trấn Lim, vùng rau an toàn quy mô 15 ha tại các thôn Liên Ấp (xã Việt Đoàn), thôn Rền (xã Cảnh Hưng), thôn Ngang Nội (xã Hiên Vân).
Vùng trồng hoa, cây cảnh với quy mô 60 ha tại thôn Giới Tế (xã Phú Lâm), mô hình sản xuất rau an toàn theo chuỗi giá trị quy mô 5 ha tại thôn Rền (xã Cảnh Hưng)…
Trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, gia tăng hàm lượng khoa học – kỹ thuật tại Tiên Du rõ ràng là hướng đi đúng và cần tiếp tục được đầu tư, mở rộng nhằm mang lại lợi ích bền vững cho người dân.
Nhật Minh