Cần Giuộc đang có gần 1.000 ha trồng rau công nghệ cao (Ảnh Tư liệu) |
Chuyển biến tích cực
Hiệu quả của Đề án Phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang dần thay đổi tư duy sản xuất của người dân huyện Cần Giuộc.
Các mô hình sản xuất hữu cơ ngày càng được mở rộng, nông dân nâng cao ý thức trong việc sử dụng phân bón hữu cơ, xây dựng hệ thống tưới tự động, thuốc trừ sâu sinh học, sử dụng nhà màng, nhà lưới, sản phẩm làm ra có chất lượng hơn, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, đồng thời đảm bảo tính ưu việt về môi trường sinh thái.
Tính đến nay, huyện có khoảng 960 ha trồng rau ứng dụng công nghệ cao, đạt 96% so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020, trong đó có 44ha trồng rau trong nhà lưới, nhà màng, 775 ha trồng rau sử dụng phân hữu cơ.
Việc đẩy mạnh sản xuất hữu cơ không chỉ giúp nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm bởi các chất thải trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi.
HTX Phước Thịnh (xã Phước Hậu) đang là một điển hình trong phát triển sản xuất hữu cơ cho hiệu quả cao tại Cần Giuộc. Qua 7 năm đi vào hoạt động, HTX đang có 60 thành viên, sản xuất rau công nghệ cao theo hướng an toàn trên diện tích 30ha, trong đó có 7,2ha rau đạt chuẩn VietGAP với các tiêu chuẩn cao về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.
Ông Đặng Duy Dũng - Giám đốc HTX Phước Thịnh, cho biết trước đây, việc lạm dụng thuốc trừ sâu khiến môi trường đất, nước, không khí bị thoái hóa, ô nhiễm nghiêm trọng dẫn đến năng suất rau ngày càng đi xuống.
“Sau khi chuyển đổi phương thức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, các loại hóa chất độc hại được thành viên HTX loại bỏ hoàn toàn, các hoạt chất vi sinh, phân bón hữu cơ được ưu tiên, giúp năng suất, chất lượng rau được nâng lên, đồng thời môi trường sinh thái được đảm bảo”, ông Dũng nhấn mạnh.
HTX là chìa khóa xây dựng nông nghiệp hữu cơ ở Cần Giuộc (Ảnh TL) |
Chìa khóa thành công
Không chỉ có HTX Phước Thịnh, khu vực kinh tế hợp tác, HTX của huyện Cần Giuộc đang đóng góp vai trò quan trọng trong thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ, mang lại lợi ích toàn diện về kinh tế, môi trường cho người dân.
Theo thống kê của UBND huyện Cần Giuộc, tính đến đầu năm 2020, toàn huyện đang có 16 HTX, 1 liên hiệp HTX, 22 tổ hợp tác, nhóm nông hộ chuyên sản xuất rau an toàn, với trên 730 nông dân tham gia.
Các HTX, tổ hợp tác đang phát triển thành công trên 1.800ha chuyên canh rau màu, trong đó có 341 ha sản xuất rau an toàn VietGAP.
Thực hiện Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, huyện đã có 6 HTX được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Sự ra đời của các HTX cũng được đánh giá là “chìa khóa” thay đổi tư duy sản xuất của người dân tại các địa phương trên địa bàn huyện.
Điển hình như sự ra đời của HTX Tâm nông Việt (xã Mỹ Lộc) với ngành nghề chuyên cung cấp thực phẩm, đặc biệt là các loại rau, củ, quả đang góp phần đáp ứng nhu cầu về thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng.
Với vốn đầu tư 2 tỷ đồng, HTX đã thực hiện mô hình trồng dưa lưới, dưa leo, cà chua bi trong nhà màng, áp dụng công nghệ Israel trên diện tích 5.000 m2.
Anh Đinh Quy Bạt - Chủ tịch HĐQT HTX, cho biết tất cả quy trình sản xuất đều áp dụng công nghệ cao của Israel để sản phẩm làm ra đáp ứng được những tiêu chí khắt khe nhất của doanh nghiệp thu mua.
Rõ ràng, hiệu quả của các HTX, tổ hợp tác đang tạo nên sức bật cho các sản phẩm nông sản thế mạnh, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện Cần Giuộc.
Hưng Nguyên