Đại diện Ban Quản lý Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) tỉnh Đăk Nông cho biết, thời gian qua, Dự án đã hỗ trợ thành lập và phát triển 56 tổ chức nông dân là các tổ hợp tác và HTX. Trong đó, hỗ trợ thành lập mới 43 tổ chức nông dân, 13 tổ chức là kế thừa và phát triển.
Hiệu quả của mô hình xen canh
Căn cứ kết quả đánh giá mức độ áp dụng phát triển cà phê bền vững của các tổ chức nông dân, Dự án đã xem xét, hỗ trợ cho 11 tổ chức nông dân về cơ sở hạ tầng, 13 tổ chức nông dân về hàng hóa, thiết bị.
Mô hình trồng xen canh trong vườn cà phê đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho thành viên các HTX |
Được hưởng lợi từ Dự án, đến nay, gia đình ông Phạm Công Hải (thôn 9, xã Nam Bình, huyện Đăk Song) duy trì kinh tế ổn định với mô hình vườn cà phê xen sầu riêng. Gia đình ông có 0,5ha thực hiện mô hình sản xuất bền vững của Dự án VnSAT. Từ năm 2018, gia đình ông được hỗ trợ 100% chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
“Năm vừa qua, sầu riêng trong vườn cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Diện tích cà phê được VnSAT hỗ trợ cũng phát triển mạnh nên năng suất rất cao, thu nhập ổn định”, ông Hải chia sẻ.
Xác định cà phê là cây trồng chủ lực nên ngoài việc trồng xen để vượt qua giai đoạn khó khăn về giá cả, gia đình ông Hải cũng hướng đến liên kết sản xuất bằng cách tham gia vào HTX ở địa phương.
Với tổng diện tích cà phê lên đến 6ha, mỗi năm thu về hàng chục tấn nhân, nên theo ông Hải, cần phải có sự hợp tác sản xuất với HTX hoặc doanh nghiệp mới có thể phát triển một cách vững mạnh.
Vì vậy, ông đã đăng ký trở thành thành viên của HTX Nông nghiệp Đoàn Kết, xã Nam Bình. Từ khi tham gia vào HTX, việc sản xuất cà phê của gia đình được hỗ trợ nhiều về kỹ thuật lẫn khâu chế biến, tiêu thụ nông sản.
HTX Nông nghiệp Đoàn Kết được Dự án VnSAT hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, kho bãi, máy sơ chế, chế biến cà phê nên sau khi thu hoạch, các thành viên HTX được hưởng lợi nhiều.
“Tham gia vào HTX, được Dự án VnSAT hỗ trợ, nên việc xịt thuốc, bón phân cho cây trồng được đào tạo một cách bài bản. Thực hiện đúng kỹ thuật, đúng liều lượng nên cây xanh hơn, đẹp hơn, tán rộng và trái nhanh lớn hơn. Việc sản xuất cũng trở nên dễ dàng hơn vì các thành viên trong HTX luôn trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau”, ông Hải cho biết.
Từ xóa nghèo vươn lên làm giàu
Việc tham gia vào HTX Nông nghiệp Đoàn Kết cũng đã giúp gia đình bà Phan Thị Lan (thôn 9, xã Nam Bình) cũng vững tin trong quá trình sản xuất.
Theo đó, các thành viên HTX được tập huấn kỹ thuật canh tác và có thể trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau nên việc làm vườn đỡ vất vả.
Dự án VnSAT giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững |
“Trước đây, chúng tôi làm theo truyền thống nên cắt cành, tỉa cành, chăm bón… theo thói quen, hiệu quả không cao. Khi tham gia HTX, được đào tạo thì cách làm cũ được cải thiện. Như cách làm trước đây chỉ thu về được 3 tấn nhân/ha/năm, nhưng với cách làm mới do Dự án VnSAT hướng dẫn, một năm sau khi áp dụng quy trình, vườn đã cho năng suất lên 3,5 tấn/ha và đến nay đã tăng lên 4 tấn nhân/ha”, bà Lan cho biết.
Nhờ liên kết sản xuất trong HTX nên việc thu hoạch cà phê phải tuân thủ quy trình mới. Chỉ thu hái trái chín và mang về sơ chế chế biến bằng các máy móc hiện đại tại HTX nên chất lượng cà phê được tăng cao.
Trong mùa vụ năm 2019, từ cách làm này mà gia đình bà Lan thu về 8 tấn nhân cà phê và bán được với giá 33.000 đồng/kg, thu về hàng trăm triệu đồng.
Trong khi đó, tại huyện Lâm Hà, Lâm Đồng, gia đình ông Đỗ Văn Toàn cũng tham gia vào Tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững Nam Trưng (xã Nam Hà) để liên kết sản xuất các sản phẩm cà phê sạch. Hiện nay, Tổ hợp tác đang được Dự án VnSAT hỗ trợ phát triển và thực hiện nâng cao năng lực thu hoạch, sơ chế, chế biến. Đặc biệt là hướng đến sản xuất các sản phẩm cà phê chất lượng cao.
Tổ hợp tác Nam Trung được thành lập vào cuối năm 2016 với 60 thành viên ban đầu. Hiện nay, với mục đích hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất cà phê nên số thành viên đã tăng lên 105, với tổng diện tích sản xuất trên 300ha.
“Các thành viên có chung hướng hợp tác, trao đổi kinh nghiệm về kỹ thuật canh tác cũng như đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Chúng tôi định hướng nâng cấp lên thành HTX trong thời gian tới để tạo thương hiệu cũng như cơ chế để làm việc với các doanh nghiệp lớn bên ngoài”, Tổ trưởng Tổ hợp tác Tạ Quang Việt chia sẻ.
Theo Ban quản lý Dự án VnSAT Lâm Đồng, thời gian qua, Dự án đã hỗ trợ cơ sở hạ tầng, xây dựng, nâng cấp được 22,26km đường giao thông nông thôn cho 10 tổ chức nông dân. Đồng thời, xây dựng 8 nhà kho hỗ trợ 8 tổ chức nông dân với tổng diện tích 1.392m2, tổng sức chứa ở vào khoảng 2.783 tấn và xây dựng 6 sân phơi cà phê cho 4 tổ chức nông dân với tổng diện tích khoảng 3.962m2, năng lực phơi gần 80.000 tấn tươi/lần.
Đức Nguyễn