Liên kết sản xuất theo chuỗi giúp cà phê "được mùa, được giá" |
HTX Lâm Viên hoạt động giống như một doanh nghiệp thực thụ với sự liên kết chặt chẽ giữa "4 nhà" để hình thành chuỗi cà phê sạch, từ đó dần khẳng định thương hiệu và thâm nhập thị trường trong và ngoài nước, chống bị tư thương ép giá, ổn định đầu ra, tạo thu nhập khá cho các thành viên HTX, cải thiện và nâng cao đời sống của người sản xuất.
Liên kết chặt chẽ
HTX Lâm Viên một trong những HTX của ngành cà phê thu hút người nông dân trồng cà phê theo bền vững nhờ sự hỗ trợ của một tổ chức phi chính phủ Hà Lan.
Không chỉ xây dựng được diện tích cà phê hữu cơ, HTX còn đầu tư xây dựng nhà xưởng, văn phòng, marketing,… Ngoài ra, các thành viên HTX còn được hỗ trợ vay vốn với mức ưu đãi. Đây chính là điểm cộng để mô hình sản xuất của HTX ngày càng hoàn thiện.
Vì các thành viên với số lượng hơn 100 người, nằm rải rác ở nhiều nơi nên ngay từ khi thành lập, HTX sắp xếp thành viên vào các tổ nhóm theo địa bàn. HTX tổ chức họp nhóm hàng tháng, thường từ ngày 1 - 5 hàng tháng và duy trì đều đặn trong năm để thông tin giữa HTX và các thành viên được thường xuyên.
Đầu mỗi vụ cà phê, HTX sẽ đưa ra hợp đồng chi tiết giữa HTX với các thành viên. Thông qua hợp đồng, HTX xây dựng kế hoạch sản xuất - kinh doanh trong niên vụ mới, nhờ vậy HTX chủ động các hoạt động, chủ động được nguồn vốn đầu tư cho các hộ thành viên. Cuối năm, HTX thực hiện kiểm toán nội bộ và báo cáo trước đại hội thành viên.
Nhờ chủ động ký kết với các công ty cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… có uy tín, đảm bảo chất lượng, HTX đã giúp giảm bớt khâu trung gian, lại có thể cung cấp cho các thành viên sản phẩm tốt nhất với giá cả rẻ hơn thị trường 200 - 300 đồng/kg.
Vào vụ thu hoạch, giá cà phê nhân xô được HTX mua cao hơn bên ngoài 2.000 - 3.000 đồng/kg, cà phê chế biến ướt được thu mua với giá cao hơn khoảng 6.000 đồng/kg.
Đáp ứng thị trường xuất khẩu
Bên cạnh đó, HTX cũng chuyển giao kỹ thuật và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sản xuất cà phê theo quy trình và được thành viên thực hiện nghiêm túc.
Trong quá trình chăm sóc vườn cây, thành viên hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường sử dụng phân vi sinh. Ông Lê Văn Vi, thành viên HTX, cho biết: “Hàng năm, HTX lấy mẫu đất của các thành viên để gửi đi phân tích, đánh giá chất lượng đất để biết được hàm lượng thành phần dinh dưỡng có trong đất, nhằm sử dụng phân bón cân đối, hợp lý”.
Thay vì chữa bệnh lúc sâu bệnh đã rộ, HTX hướng dẫn thành viên áp dụng kỹ thuật kháng bệnh trước cho cây, kết hợp trong lúc bỏ phân, tưới nước. Các chất thải chăn nuôi được thành viên tận dụng để ủ phân xanh, nước thải được dùng tưới cho cà phê. Nguồn nước này được dẫn chảy vào các bể chứa, sau đó được pha loãng bằng nước với tỷ lệ 1m3 nước phân/4m3 nước.
Nguồn nước này vừa cung cấp nước, vừa cung cấp lượng phân bón cần thiết cho cây mà không phải sử dụng các loại phân bón hóa học.
Với sản lượng cà phê thu được rất lớn, HTX đã đầu tư lò sấy cà phê. Lượng vỏ cà phê được sử dụng để đốt lò vừa tiết kiệm chi phí, vừa đảm bảo môi trường sạch đẹp. Đặc biệt, điều này đã hạn chế tối đa tình trạng cà phê hư hỏng vào mùa mưa, từ đó hạn chế thất thoát sản lượng thu được.
Song song đó, HTX còn hỗ trợ 50% kinh phí cho nông hộ thành viên trang bị mô hình tưới nước nhỏ giọt để tiết kiệm nước tưới, tiết kiệm nhân công và đặc biệt là chống biến đổi khí hậu.
Nhờ quy trình sản xuất bài bản, chú trọng yếu tố bền vững, năng suất vườn cà phê của các thành viên tăng 10% - 15%, trong khi chi phí sản xuất lại giảm. Bên cạnh đó, chất lượng cà phê của HTX còn đáp ứng được yêu cầu khắt khe về độ an toàn để xuất khẩu.
Như Yến