Thực hiện chuyển đổi theo luật HTX năm 2012, HTX Nông nghiệp Việt Yên có 1.187 thành viên thuộc 602 hộ, với tổng diện tích 183 ha đất cấy lúa.Việc ứng dụng mô hình mạ khay, máy cấy trong sản xuất lúa là một bước tiến trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, tích cực thực hiện chủ trương cơ giới hóa trong sản xuất, khâu bảo quản và chế biến nông sản của ngành nông nghiệp.
Tăng giá trị sản xuất nhờ ứng dụng công nghệ
Ông Đỗ Hữu Dự, Giám đốc HTX Nông nghiệp Việt Yên cho biết, trước đây bà con Đông Yên chủ yếu canh tác sản xuất lúa theo phương pháp truyền thống, mật độ gieo sạ, cấy tay quá dày dễ gây ra nhiều sâu bệnh, năng suất kém.
Ban giám đốc HTX hướng dẫn nông dân xã Đông Yên, huyện Quốc Oai làm mạ khay. |
Khắc phục những hạn chế trên, HTX đã thực hiện đề án “Cơ giới hóa trong nông nghiệp giai đoạn 2016-2030” của huyện Quốc Oai, nhằm nâng cao giá trị cây lúa đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của TP. Hà Nội.
Năm 2017, HTX đưa vào triển khai thí điểm 2 máy cấy, trong đó 1 máy cấy 6 hàng và 1 máy cấy 4 hàng, với tổng số vốn đầu tư gần 1 tỷ đồng.
Chia sẻ về quy trình sản xuất giá thể mạ khay, ông Dự cho biết, trước tiên phải nghiền nhỏ đất sau đó trộn với trấu và đặt trên cùng là lớp phân bón. Sau khi trộn xong, đưa giá thể vào nhà ủ 7-10 ngày để tạo sự trao đổi phân bón với giá thể để cung cấp dinh dưỡng cho cây mạ. Khi đó, giá thể tơi mục sẽ tạo điều kiện cho cây mạ phát triển tốt, bộ rễ dễ dàng đan xen vào nhau.
Hiện, HTX Việt Yên đảm nhận một mô hình doanh nghiệp làm dịch vụ đồng bộ cho nông dân, từ khâu làm đất, gieo cấy đến thu hoạch sản phẩm.
Theo ông Dự, khâu làm giá thể mạ khay giữ vai trò rất quan trọng, quyết định thắng lợi đến 80%, bởi phụ thuộc nhiều vào kỹ thuật cũng như yếu tố thời tiết. Hơn nữa, kinh phí đầu tư để mua khay làm mạ vẫn ở mức cao, nên chỉ có các HTX, mới đủ năng lực đảm nhiệm được.
Ông Dự cho biết thêm, trung bình một chiếc máy cấy có thể cấy được 7-10 mẫu/ngày, tạo độ đồng đều khoảng cách giữa các hàng cố định là 30 cm và khoảng cách cây từ 12-21 cm.
Kết quả thực hiện cho thấy, cấy máy có những ưu điểm như: đảm bảo được mật độ, cây lúa đầy đủ ánh sáng, phát huy được hiệu ứng hàng biên, tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng và phát triển.
Bên cạnh đó, lúa cấy bằng máy sử dụng mạ trong các khay không trải qua giai đoạn nhổ mạ cấy nên hạn chế được hiện tượng đứt rễ. Vì vậy, sau khi cấy, cây lúa có khả năng bén rễ nhanh hơn, khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết bất lợi tốt hơn.
Bà Cao Thị Hoa (thôn Việt Yên, xã Đông Yên) đã chuyển từ cấy tay sang cấy máy cho biết: “Gia đình tôi có 1 mẫu lúa, trước đây, cứ đến vụ mùa, phải thuê người cấy trả công trung bình từ 300.000-400.000 đồng/ngày, chưa kể tiền mua giống, công chăm sóc mạ. Áp dụng mô hình này, chi phí đỡ hơn hẳn mà năng suất trung bình đạt 2,2 tạ/sào, cao hơn 20-30kg/sào so với cách làm gieo mạ, cấy tay truyền thống”.
Vụ Đông Xuân năm nay, HTX đã triển khai áp dụng mô hình mạ khay, máy cấy vào sản xuất nông nghiệp trên diện tích 40 ha. Việc ứng dụng mô hình mới này không những giúp bà con nông dân nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất mà còn tiết kiệm lúa giống, giảm chi phí, nhân công và thời gian gieo cấy.
Ưu việt nhưng cần thêm cơ chế hỗ trợ
Nhờ đưa khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, theo tính toán của Ban giám đốc HTX, cấy máy có giá 290.000 đồng/sào, đạt năng suất 64,5 tạ/ha, cao hơn so với cấy tay 13,8% (lúa cấy tay, gieo sạ đạt 56,7 tạ/ha), nâng cao hiệu quả kinh tế, khoảng 19 triệu đồng/ha.
Ứng dụng công nghệ máy cấy giảm tối thiểu 1/2 lượng hạt giống so với phương pháp gieo sạ truyền thống. |
Là một thành viên trong HTX, ông Nguyễn Đắc Tường (thôn Đông Thượng, xã Đông Yên) cho rằng, phương pháp gieo trồng này còn giúp lúa của bà con giảm sâu bệnh. Qua đó, nông dân giảm liều lượng thuốc bảo vệ thực vật từ 2-3 lần/vụ, ruộng thông thoáng, giảm sâu bệnh, hạn chế thuốc BVTV, bảo vệ môi trường”.
Nhận thấy tính ưu việt của mô hình nên hiện nay, nhu cầu áp dụng phương pháp mạ khay, cấy máy trong bà con nông dân rất lớn. Tuy nhiên, việc nhân rộng hình thức sản xuất này đang gặp rất nhiều khó khăn.
Về nguyên nhân, ông Đỗ Hữu Dự cho biết, để đầu tư làm mạ khay, máy cấy cần chi phí rất lớn, chưa kể các yêu cầu về cơ sở hạ tầng, kho bãi, nhà xưởng chứa máy móc, giá thể làm mạ.
Ngoài ra, khâu làm mạ trên khay rất quan trọng, yêu cầu làm đúng quy trình, kỹ thuật nhưng hầu hết người sử dụng máy, thiết bị đều chưa được đào tạo bài bản nên quá trình thực hiện còn lúng túng.
Hơn nữa, dù đã được dồn điền, đổi thửa, song ở địa phương đồng ruộng vẫn còn manh mún, quy hoạch dàn trải, không bằng phẳng, khó điều tiết nước nên việc áp dụng đồng bộ mạ khay, máy cấy vào sản xuất lúa cũng gặp không ít khó khăn.
“Để tạo điều kiện mở rộng diện tích lúa áp dụng cơ giới hóa trong khâu gieo cấy, HTX cần thêm sự hỗ trợ của các cấp, đưa cán bộ kỹ thuật về tạo chuyên sâu cho người sử dụng máy móc, thiết bị, kỹ thuật sử dụng, sửa chữa máy cấy, dây chuyền gieo mạ.
Đồng thời, HTX sẽ đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng, kiên cố hóa kênh mương nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi đưa máy móc vào phục vụ sản xuất, từng bước hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, tăng thu nhập cho người sản xuất”, ông Đỗ Hữu Dự chia sẻ.
Tô Thương