Tuy nhiên, đến nay chưa có nhiều HTX đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Theo Bộ KH&CN, tính đến năm 2018 có 1,7% HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất trong tổng 13.856 HTX nông nghiệp trong cả nước.
KHCN phát huy vai trò là đòn bẩy
Nhờ áp dụng khoa học công nghệ (KHCN) trong sản xuất nông nghiệp, đến nay HTX rau an toàn Tự Nhiên, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đã có 32 sản phẩm rau sạch được cấp chứng nhận VietGap cung cấp ra thị trường. Ngoài thị trường địa phương, đến nay, HTX đã ký hợp đồng cung cấp sản phẩm cho các siêu thị lớn ở Hà Nội, như: MM Mega Market, Vinmart, BigC với nhiều loại rau đặc sản như cải mèo, cà chua, bắp cải… Với sản lượng cung cấp ra thị trường trên 1.000 tấn/năm, doanh thu bình quân của HTX 7 - 8 tỷ đồng/năm.
Mô hình tưới rau hữu cơ mang lại năng suất cao cho HTX (Ảnh:TL) |
Bà Nguyễn Thị Luyến, Giám đốc HTX cho biết, có được kết quả này là do HTX được nhận sự hỗ trợ kỹ thuật từ dự án “Tăng cường khả năng kết nối thị trường cho sản phẩm rau trái vụ vùng cao Tây Bắc Việt Nam” do chính phủ Australia tài trợ... với các chuyên gia nước ngoài đến hướng dẫn trực tiếp tại ruộng cho các thành viên. Bên cạnh đó là chương trình hỗ trợ về tập huấn kỹ thuật, kinh phí làm nhà lưới, túi lưới, hệ thống tưới nước phun sương và quy trình trồng, sản xuất, sơ chế rau đạt tiêu chuẩn của Liên minh HTX Việt Nam và tỉnh Sơn La.
“Từ khi được hỗ trợ, HTX đã triển khai ứng dụng KHCN vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhờ sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan chuyên môn, quy trình VietGAP được thiết lập, nên sản phẩm làm ra cũng như vị thế của HTX được nâng lên, sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường, thu nhập của thành viên được nâng lên…”, bà Nguyễn Thị Luyến chia sẻ.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ để tháo gỡ
Dù biết là áp dụng KHCN vào sản xuất, chăn nuôi sẽ nâng cao được năng suất, chất lượng, giá trị nông sản, nhưng thực tế vẫn chưa có nhiều HTX triển khai, áp dụng. Cụ thể, tính đến hết tháng 6/2020, cả nước có 16.012 HTX nông nghiệp, nhưng chỉ có 1,9% số lượng HTX ứng dụng KHCN vào sản xuất.
Nguyên nhân được xác định là do vốn đầu tư cho sản xuất nông nghiệp ứng dụng KHCN tương đối lớn, chưa hình thành được những vùng sản xuất tập trung một cách đồng bộ để triển khai ứng dụng. Ngoài ra, các HTX khó tiếp cận các nguồn vốn do những công trình sản xuất, như: nhà kính, nhà lưới…không được tổ chức tín dụng xác định là tài sản. Đất sản xuất, đất làm nhà xưởng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất… cho nên không ký được giao dịch bảo đảm, thế chấp cho khoản vay vốn từ các tổ chức tín dụng. Nhiều chính sách khuyến khích phát triển công nghệ cao mới chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ một phần, tỷ lệ đối ứng quá khả năng của các HTX...
Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp sẽ nâng cao chất lượng, sản lượng, giá trị nông sản. Trong ảnh: cánh tay tưới công nghệ cao trên cánh đồng cỏ của trang trại TH. |
Trước thực tế này, hàng năm Bộ KH&CN phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam triển khai các hoạt động hỗ trợ tư vấn, đào tạo, hướng dẫn áp dụng khoa học công nghệ và hỗ trợ xây dựng một số mô hình sản xuất ứng dụng KHCN giúp các HTX cải thiện phương pháp quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng doanh thu cho HTX và thu nhập của thành viên.
Thứ Trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang cho biết, giai đoạn 2016-2018, có 11 dự án được phê duyệt và triển khai do HTX là tổ chức chủ trì hoặc tham gia với tổng kinh phí thực hiện 79.500 triệu đồng, trong đó kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương 32.830 triệu đồng. Đặc biệt, trong giai đoạn này nhiều công nghệ mới, công nghệ cao đã được chuyển giao vào sản xuất cho các HTX.
Điển hình như mô hình ứng dụng công nghệ cao sản xuất hoa, cây cảnh tại xã nông thôn mới Thụy Hưng, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội; Dự án Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá rô phi NORTH đơn tính đực phục vụ kinh tế xã hội tại tỉnh Bắc Ninh do HTX thủy sản Nam Sơn chủ trì...
“Ngoài ra, chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KHCN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2002 đến nay đã có hàng trăm dự án do HTX là tổ chức chủ trì hoặc tham gia thực hiện, thông qua đó đã có hàng nghìn công nghệ mới được chuyển giao, ứng dụng và xây dựng được các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cho các HTX”, ông Giang nhấn mạnh.
Ðể KHCN phát huy vai trò là đòn bẩy trong sản xuất, theo các chuyên gia, cần huy động các nguồn lực đầu tư của xã hội, trong đó ngân sách nhà nước ưu tiên hỗ trợ thực hiện các chương trình, đề án, nhiệm vụ KHCN về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp bền vững nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư thành lập trung tâm nghiên cứu chuyên sâu; hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với những tổ chức KHCN để thúc đẩy quá trình nghiên cứu và ứng dụng KHCN.
Cần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, mang tri thức và tiến bộ KH và CN từ nhà khoa học đến với nông dân, giúp họ áp dụng vào thực tiễn. Sự liên kết này sẽ giúp doanh nghiệp, HTX phát triển bền vững, nông dân nâng cao thu nhập.
Phạm Duy