Nhìn lại con đường mà khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã (KTHT, HTX) đã trải qua, đặc biệt là từ khi Luật hợp tác xã được ban hành đã tạo hành lang pháp lý, cùng với đó là các chính sách hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, tín dụng, xúc tiến thương mại, đất đai, cơ sở hạ tầng... đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã phát triển mạnh mẽ.
Đóng góp quan trọng vào kinh tế
Theo số liệu của Liên minh HTX Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 27 nghìn hợp tác xã, gần 100 liên hiệp hợp tác xã và 115 nghìn tổ hợp tác hoạt động trong hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế - xã hội; thu hút hơn 7 triệu thành viên; tổng tài sản của hợp tác xã khoảng 230 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 3 triệu người, thu nhập bình quân lao động đạt 51 triệu đồng/người/năm, doanh thu bình quân mỗi hợp tác xã đạt 4,2 tỷ đồng, lãi bình quân 309 triệu đồng/năm.
Mô hình trồng nấm tại HTX Nấm Vĩnh Ngọc Nha Trang tạo doanh thu ổn định nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. |
Nhiều HTX chủ động liên kết với các tổ chức, đơn vị để liên kết chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, liên kết đào tạo cải thiện chất lượng lao động, nâng cao trình độ quản lý và cải thiện năng suất lao động nhằm giảm thiểu chi phí, thất thoát do thiên tai, sâu bệnh, an toàn môi trường. Đây là những tiền đề quan trọng để các HTX phát triển trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Mặc dù vậy, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất ở các HTX vẫn chiếm tỉ lệ thấp. Theo Bộ KH&CN, tính đến năm 2018, chỉ có 1,7% HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất trong tổng 13.856 HTX nông nghiệp trong cả nước.
Một cuộc khảo sát của Liên minh HTX Việt Nam từ đầu năm 2019 đến tháng 3/2020 với gần 350 HTX cho thấy, chỉ có khoảng 21% HTX, (tương đương với 74 HTX) sử dụng máy tính. Số HTX có máy tính nhưng kết nối Internet cũng chỉ chiếm khoảng 70% (tức khoảng 52 HTX). Đáng chú ý, chỉ có chưa đến 10% số HTX (khoảng 7 HTX) có trang web để quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại. Chỉ có khoảng 19% số HTX sử dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo để quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại.
Đây rõ ràng là một con số thấp trong bối cảnh cạnh tranh thương mại điện tử toàn cầu đang diễn ra gay gắt hiện nay. Đặc biệt, khi mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã gõ cửa tất cả các quốc gia, tất cả các lĩnh vực trên thế giới.
Tận dụng cơ hội 4.0 như thế nào?
Do vậy, để tận dụng những cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tạo ra sức bật mới càng trở nên bức thiết, đòi hỏi các HTX phải có hướng đi mới.
Thứ nhất, là thực hiện tái cơ cấu các HTX thông qua áp dụng khoa học công nghệ nhằm tối ưu hóa phân bổ nguồn lực, phát triển sản xuất, kinh doanh của khu vực KTHT hiệu quả hơn; cắt giảm chi phí, mở rộng thị trường, quản trị chuỗi giá trị tốt hơn; phát triển sản phẩm, dịch vụ mới nhanh hơn; nâng cao năng suất của HTX nói riêng và toàn bộ khu vực KTHT nói chung; đảm bảo các quy định của Luật Hợp tác xã, trên cơ sở nguyên tắc tự nguyện, tự chủ.
Liên minh Hợp tác xã Việt Nam bàn giao máy móc, thiết bị cho Hợp tác xã Nấm Vĩnh Ngọc Nha Trang. |
Thứ hai, là đẩy mạnh thực hiện sáp nhập, hợp nhất và xây dựng mô hình HTX đa chức năng sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị hàng hóa quy mô lớn, thu hút nhiều thành viên; tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế và ổn định chính trị; đa dạng về loại hình, hình thức hợp tác ở các ngành nghề, lĩnh vực, tầng lớp nhân dân, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn, phù hợp với điều kiện của các địa phương; cung cấp toàn diện những dịch vụ cần thiết cho cộng đồng gồm giáo dục, tôn giáo, văn hóa, hoạt động xã hội, phong trào thanh thiếu niên, thể thao, y tế, công viên, xử lý rác thải, ánh sáng công cộng, đường sá và các tiện ích xã hội...;
Thứ ba, các HTX tăng cường các hoạt động “liên doanh”, “liên kết” giữa HTX với các tổ chức kinh tế khác để vừa mở rộng phạm vi hoạt động, quy mô sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường và đảm bảo sự phát triển bền vững. Khuyến khích phát triển HTX trên các ngành nghề, lĩnh vực của nền kinh tế, trên mọi vùng lãnh thổ; các hình thức mở rộng quy mô thành viên; ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh; sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết với doanh nghiệp; bảo đảm lợi ích thành viên...
Ngoài ra, với lĩnh vực nông nghiệp, hình thành các HTX quy mô lớn, cung cấp các dịch vụ vật tư đầu vào (cây giống, vật nuôi, thuốc bảo vệ thực vật...), tín dụng - ngân hàng, bảo hiểm, kho tàng, vận tải và các dịch vụ hỗ trợ cho thành viên.
Chẳng hạn như, cung cấp các vật tư nông nghiệp bảo đảm cho thành viên có đủ vật tư thiết yếu, đúng thời gian, giá rẻ hơn thị trường, chất lượng.
Các HTX cần chú trọng xây dựng hệ thống hạ tầng, trang thiết bị hiện đại để chế biến, tăng thêm giá trị cho hàng nông sản. Mở rộng thị trường, phát triển mạng lưới dịch vụ vận chuyển nông sản từ vùng sản xuất đến người tiêu dùng, giúp thành viên sản xuất theo nhu cầu của thị trường, giảm thiểu chi phí lưu thông, hao hụt, thất thoát…. Tiếp tục củng cố, phát triển nhân rộng mô hình HTX kiểu mới gắn với sản xuất nông nghiệp an toàn và chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực, có tiềm năng, lợi thế ở địa phương.
Hợp nhất các HTX nông nghiệp nhỏ thành HTX quy mô lớn cấp huyện, tỉnh, vùng, quốc gia sản xuất, kinh doanh đa ngành; nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến, bảo quản đến tiếp thị, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường. Xây dựng và nhân rộng mô hình HTX ứng dụng khoa học công nghệ cao.
Đối với lĩnh vực phi nông nghiệp, các HTX sản xuất và sử dụng năng lượng xanh, năng lượng sinh học, năng lượng tái sinh như: Sản xuất và tiêu thụ sản phẩm điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối,... Phát triển các HTX ngành nghề truyền thống gắn với kết nối du lịch cộng đồng, tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, xóa đói giảm nghèo bền vững; hình thành và phát triển mô hình HTX vệ tinh để cung cấp nguyên vật liệu, sản phẩm sơ chế cho các nhà máy chế biến; phát triển các dịch vụ hỗ trợ thanh viên HTX, kết hợp hài hòa thương mại truyền thống với thương mại điện tử.
Phát triển HTX ở những nơi có thế mạnh về sản xuất, chế biến hàng hóa quy mô lớn, nhất là trong lĩnh vực chế biến nông lâm sản, hàng tiêu dùng và xuất khẩu; chú trọng phát triển HTX ở nông thôn, tập trung phát triển dịch vụ ngành nghề truyền thống, phục vụ sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, cơ khí phục vụ nông nghiệp, các dịch vụ bảo quản chế biến nông sản thực phẩm. Gắn kết HTX với các chương trình khuyến công, hiện đại hoá công nghiệp nông thôn, làm hạt nhân phục vụ, hỗ trợ phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tại các khu công nghiệp; tạo tiền đề cho việc hình thành và phát triển các làng nghề công nghiệp để phát triển kinh tế bền vững của địa phương. Tiếp tục thành lập và phát triển các HTX để cung cấp các dịch vụ đời sống cho người dân như: Y tế, chăm sóc sức khỏe; giáo dục; du lịch… và HTX do thanh niên, phụ nữ làm chủ.
Trong bối cảnh mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra nhiều cơ hội, cũng như thách thức cho các HTX, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, sự vào cuộc của các Ban, Bộ, ngành, địa phương, Liên minh HTX Việt Nam. Đặc biệt là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của các HTX, chúng ta có thể tin tưởng, trong thời gian tới HTX ở nước ta sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, vững chắc, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đinh Văn Dũng - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Khánh Hòa
Dương Tuấn Cương, Lê Tuấn An - Liên minh HTX Việt Nam