Theo ông Đinh Huy Hòa, Giám đốc HTX số 1 Tây Tựu, trước đây, toàn bộ diện tích đất của Tây Tựu trồng lúa và các loại cây màu như dưa lê, cà chua… Sau khi những cây hoa đầu tiên được đưa về trồng sinh trưởng và phát triển tốt, đem lại cho người dân Tây Tựu thu nhập ổn định thì các hộ dân ở đây đã quyết định chuyển sang nghề trồng hoa.
Đẩy mạnh thương hiệu làng nghề
Do tốc độ đô thị hóa của Tây Tựu có nhiều thay đổi, diện tích đất nông nghiệp dần bị thu hẹp. Các dự án xây dựng đô thị và cơ sở hạ tầng đã lấy đi nhiều diện tích đất trồng hoa nơi đây.
Tính đến thời điểm đầu năm 2021, HTX Dịch vụ Tổng hợp (DVTH) Tây Tựu có diện tích 284,9 ha trồng hoa, và mở rộng thuê ngoài hơn 435 ha tại các huyện lân cận như: Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ…
Thành viên HTX Tây Tự tất bật chăm sóc hoa để bước vào vụ thu hoạch chính. |
Hiện nay, trên địa bàn phường Tây Tựu có 3 Tổ hợp tác thực hiện cung cấp dịch vụ, phục vụ cho các thành viên sản xuất hoa là chủ yếu, thương mại - dịch vụ trên địa bàn hiện vẫn hoạt động theo hình thức kinh doanh cá thể.
Với bề dày lịch sử gần 100 năm làm nghề, năm 2017, làng hoa Tây Tựu được công nhận và vinh danh là làng nghề truyền thống tại Hà Nội. Nghề trồng hoa đã giúp nâng cao thu nhập, tạo mức sống tốt hơn cho người dân; đồng thời đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bên cạnh cúc, hồng và ly là 3 loại hoa được trồng chủ yếu tại làng hoa Tây Tựu thì nơi đây còn xuất hiện một số loài như: Thược dược, hoa đồng tiền, violet...
Theo ông Hòa, hoa cúc ở Tây Tựu có khoảng 5 - 7 loài, bà con trồng tương đối nhàn bởi đây là loại cây trồng ngắn ngày, sức chịu đựng tốt. Khi trồng loại hoa này, người trồng hoa chỉ cần làm luống và trồng hoa theo đường thẳng. Khi cây hoa lớn tầm 70 – 80 cm thì chăng lưới để thân không bị cong. Đặc biệt, khi cúc có nụ thì phải tỉa lá và nụ nhánh để nụ “đội” lên.
Cũng theo ông Hòa, mỗi sào hoa cúc của bà con thu lãi từ 20 - 30 triệu đồng/vụ, tuy nhiên, phần lớn vẫn phụ thuộc vào yếu tố thời tiết và thị trường.
Những năm gần đây, hoa ly ở HTX được bà con chú trọng sản xuất vì được thị trường ưa chuộng. Là một thành viên trong HTX Dịch vụ Tổng hợp Tây Tựu, ông Nguyễn Văn Nam (phố Trung Kiên, phường Tây Tựu) chia sẻ:
“Gắn bó với nghề gần 30 năm, với hoa ly, người dân chúng tôi ví như là “canh bạc” vì đây là một loài hoa khó chăm sóc, phụ thuộc nhiều vào thời tiết và đòi hỏi vốn đầu tư cao. Ngược lại, ly mang giá trị kinh tế cao hơn so với trồng lúa gấp 30 lần, tận dụng ưu thế thời tiết ấm, ủ được đất, ly lên tốt sẽ cho thu hoạch sau 80 ngày. Mỗi cành ly nở đúng dịp, sau thu hoạch được bán với giá từ 40.000 – 60.000 đồng/cành”.
Đến thời điểm thu hoạch, thành viên HTX đều được các thương lái thu mua tại vườn, thậm chí còn thiếu số lượng cung ứng. |
Được biết, vườn nhà ông Nam có khoảng 15.000 cây hoa ly, với giá bán như hiện nay, ước tính gia đình có thể thu về khoảng 400 - 500 triệu đồng.
Nhằm đẩy mạnh thương hiệu của “thủ phủ” hoa này, HTX DVTH Tây Tựu đã khuyến khích, hỗ trợ bà con đầu tư xây nhà lạnh, làm giàn, nhà lưới che phủ, hệ thống chiếu sáng, hệ thống phun tưới để sản xuất đưa ra thị trường những bông hoa chất lượng nhất.
Vì thế, thay vì trồng 2 vụ như trước đây, hiện nay, HTX DVTH Tây Tựu đã trồng hoa cả bốn mùa và có hoa bán quanh năm nhờ áp dụng kỹ thuật công nghệ cao trong việc lựa chọn và nhân giống sản xuất.
Theo ước tính của ban giám đốc HTX, doanh thu sản xuất hoa Tây Tựu hằng năm đạt khoảng 150 tỷ đồng, đời sống bà con nơi đây được cải thiện đáng kể. Không những vậy, HTX còn tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lượt lao động bên ngoài địa phương, với mức thu nhập trung bình từ 3-5 triệu đồng/tháng.
Chú trọng bảo vệ môi trường
Để bảo đảm phát triển bền vững, HTX DVTH Tây Tựu đã xây dựng nhiều giải pháp bảo tồn làng hoa bằng việc gắn sản xuất với bảo vệ môi trường.
Giám đốc HTX số 1 Tây Tựu, ông Đinh Huy Hòa cho hay, các hộ trồng hoa đã quan tâm tới bảo vệ cảnh quan, môi trường; thực hiện quy định an toàn lao động trong sản xuất; sản phẩm của làng nghề ngày càng đa dạng hóa với nhiều chủng loại hoa cao cấp.
Về quản lý và xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, ban giám đốc HTX thực hiện tốt các hoạt động cung ứng dịch vụ cho thành viên sản xuất, vừa tổ chức quản lý, thu gom và xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Đến nay, HTX đã thành lập 1 tổ vệ sinh môi trường chuyên thu gom, vận chuyển rác thải về nơi tập kết.
Theo ông Đinh Huy Hòa, việc xử lý rác thải trong sản xuất, bảo vệ môi trường làng nghề được HTX chú trọng. |
Chia sẻ với PV VnBusiness, bà Nguyễn Thị Gái (phố Đăm, phường Tây Tựu), người gắn bó với nghề trồng hoa hơn 20 năm, cho biết: “Tổ vệ sinh môi trường HTX thu gom rác thường xuyên nên rác thải trong sản xuất giảm đáng kể. Từ đó, môi trường được cải thiện, nâng cao giá trị sản phẩm của làng nghề”.
Bên cạnh đó, HTX còn hướng dẫn quy trình chăm sóc, thời điểm bổ sung nước tưới, bón phân và phòng trừ một số loại sâu bệnh như: sâu xanh, rệp các loại, ruồi hại lá, bệnh đốm đen, bệnh đốm nâu, bệnh héo vàng,…cho bà con nông dân.
Theo ông Hòa cho biết, năm 2020 HTX đã hỗ trợ hạ tầng, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý, xử lý môi trường tập trung như trạm bơm, nạo vét kênh mương, hệ thống xử lý nước thải... với tổng trị giá trên 700 triệu đồng.
Trên cơ sở đó, HTX cũng chỉ đạo tổ vệ sinh môi trường tu sửa, khơi thông toàn bộ mương thoát nước; tu sửa, nâng cấp toàn bộ trạm bơm để chủ động bơm tiêu thoát nước khi cần thiết. Đồng thời, hướng dẫn các hộ thành viên sử dụng thuốc BVTV đúng quy định, liều lượng, vận động bà con đổ rác đúng lịch, không để rác ứ đọng gây ô nhiễm môi trường.
Tô Thương