Chương trình OCOP đã và đang thổi một luồng gió mới vào nền kinh tế hợp tác (KTHT), HTX khu vực nông thôn. Các đơn vị, tổ chức, HTX nông nghiệp, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp không chỉ được nhận nhiều chính sách hỗ trợ phát triển mà còn đổi mới tư duy theo hướng mới. Các sản phẩm từ làng xã đã bước ra thị trường với diện mạo mới và chất lượng đạt tiêu chuẩn.
Hiệu quả rõ nét
Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, chương trình OCOP thời gian qua đã mang lại những kết quả tích cực. Số HTX, tổ hợp tác (THT) tăng nhanh, đặc biệt là HTX sản xuất ở nông thôn, các phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, nông thôn được đẩy mạnh. Năm 2019, cả nước thành lập mới 9.500 THT, nâng tổng số THT lên 110.000, đạt 136% kế hoạch Nghị quyết; 2.640 HTX mới thành lập, nâng tổng số HTX hiện nay là 24.618, tăng 12% so với năm 2018, vượt 6% kế hoạch năm 2019.
Sản phẩm OCOP tỉnh Sơn La được trưng bày và giới thiệu tại Hà Nội |
Thống kê sơ bộ, vùng nông thôn cả nước hiện có 6.010 doanh nghiệp, HTX, THT, hộ gia đình (có đăng ký kinh doanh), trong đó có 3.126 doanh nghiệp tổ chức sản xuất 4.823 sản phẩm lợi thế thuộc 6 nhóm sản phẩm: thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, nhóm lưu niệm - nội thất - trang trí, nhóm dịch vụ - du lịch nông thôn (chiếm 76,6% số doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp trong cả nước). Nhiều sản phẩm từ chương trình OCOP có chất lượng cao không chỉ được tiêu thụ ở địa phương mà còn được các chuỗi siêu thị nước ngoài phân phối, giúp giá trị sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn gia tăng đáng kể, đóng góp quan trọng vào mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam lên 45 tỷ USD trong năm 2019.
Phó Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương Ngô Tất Thắng cho biết, chương trình OCOP sau hơn một năm triển khai đến nay đã có những kết quả vượt bậc về số lượng; mẫu mã, chất lượng sản phẩm, từng bước được khẳng định, dần hình thành nhóm sản phẩm đặc sản của từng vùng. Đến nay, có 59 tỉnh, thành phố ban hành các quyết định, kế hoạch, đề án thực hiện chương trình, 4 tỉnh đang trong giai đoạn hoàn thiện. Dự kiến, đến năm 2020, số sản phẩm được chuẩn hóa OCOP khoảng 3.800. Trong đó, nhóm thực phẩm có 2.182 sản phẩm, nhóm đồ uống có 397, nhóm thảo dược 263, nhóm vải may mặc 100, nhóm lưu niệm, nội thất, trang trí 665 và nhóm dịch vụ, du lịch và bán hàng 193, với nguồn lực huy động đạt gần 9.863 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh tham quan gian hàng OCOP tỉnh Ninh Bình |
Xác định sản phẩm chủ lực
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, trong 10 năm qua, ngành công thương luôn đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, nhất là thực hiện tiêu chí về điện và cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn. Việc triển khai thực hiện đã đạt được nhiều kết quả trong huy động nguồn lực đầu tư phát triển nguồn, cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện, đưa điện sáng về các thôn, bản, xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; đưa hàng Việt Nam có chất lượng về nông thôn, định hình thói quen tiêu dùng, hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; huy động các nguồn lực phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, sắp xếp, chuyển đổi mô hình quản lý, đầu tư phát triển chợ, mạng lưới phân phối sản phẩm của chương trình OCOP.
Mặc dù chương trình OCOP mang lại những tín hiệu tích cực giúp phát triển kinh tế khu vực nông thôn, HTX, nhưng hiện nay, một số địa phương vẫn chưa xác định được dòng sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Công tác xúc tiến thương mại còn hạn chế; mô hình sản xuất kinh tế hộ vẫn chiếm tỷ lệ cao; chế biến sản phẩm còn ở dạng thô, thiếu sự liên kết. Việc quản lý chất lượng sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức; quản lý nhà nước còn bất cập về định hướng quy hoạch sản xuất, cơ chế, chính sách huy động nguồn lực, kết nối thị trường; người dân chưa phát triển sản phẩm truyền thống theo hướng hàng hóa. Việc chuẩn hóa sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, thị trường chưa được coi trọng. Việc đưa các sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị chưa được thực hiện nhiều.
Sản phẩm OCOP của TP Hà Nội được trưng bày và giới thiệu |
Để chương trình OCOP đạt hiệu quả thiết thực, theo Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh, công tác thông tin thị trường là một trong những giải pháp quan trọng.
“Đối với Chương trình và các sản phẩm OCOP, yêu cầu quan trọng nhất là thông tin thị trường. Thông tin mà các HTX, hộ sản xuất cần là nhu cầu của thị trường về chủng loại sản phẩm, chất lượng, sản lượng, thị hiếu, mẫu mã bao bì, quy trình sản xuất, pháp lý sản phẩm... để họ có định hướng sản xuất, chế biến nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và phát huy được thế mạnh sản phẩm chủ lực của địa phương. Muốn làm được điều này, các HTX, doanh nghiệp cần phải được hỗ trợ tư vấn, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức quản trị sản xuất...”, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh cho biết.
Phạm Duy