Theo số liệu từ Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), đến năm 2023, cả nước có 30.698 HTX. Số HTX giải thể năm 2023 là 1.931 HTX nhưng cũng có 1.931 HTX được thành lập mới. Hàng nghìn HTX đã vượt qua được khó khăn được cho là nhờ tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh.
Cạnh tranh ngày càng khốc liệt
Ông Hoàng Văn Thám, Giám đốc HTX Chúc Sơn (Hà Nội), cho biết công nghệ là đòn bẩy của HTX, giúp HTX tối ưu sản xuất, tiện kiệm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh. Lúc đầu, HTX ứng dụng phần mềm kế toán cũng mất rất nhiều thời gian do trình độ thành viên có hạn. Nhưng nay, HTX đã thu hút được nhiều thanh niên có tri thức mới ra trường vào làm việc nên ứng dụng công nghệ, phần mềm thuận lợi. Phần mềm kế toán cũng có thể giúp HTX kết nối với khách hàng mua, tiếp cận với chủ trương, chính sách của Nhà nước thuận lợi.
Theo TS Võ Kim Sa, Phó hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn 2, "cuộc chơi" thương mại ngày càng khốc liệt hơn với những "luật chơi" mới. Cụ thể là mối quan tâm về an toàn thực phẩm, nhiều yêu cầu khắt khe về chất lượng hàng hóa và dịch vụ, sở hữu trí tuệ, môi trường, chống biến đổi khí hậu… buộc các HTX phải thay đổi bằng cách đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số.
Sự đồng hành của doanh nghiệp, các cơ quan quản lý sẽ giúp HTX ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số hiệu quả. |
Điển hình, Thỏa thuận Xanh Liên minh châu Âu (European Green Deal - EGD) được phê duyệt vào năm 2020, yêu cầu các sản phẩm nhập khẩu vào các nước Liên minh châu Âu phải được sản xuất bằng các vật liệu và quy trình thân thiện với môi trường, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững và dán nhãn sinh thái nghiêm ngặt. Điều này ảnh hưởng nhiều mặt tới các HTX không chỉ trong ngành hàng nông sản mà cả HTX ở ngành hàng công nghiệp và thủ công mỹ nghệ.
Hiện nay, nhiều HTX có tài sản công nghệ lớn, số lượng nhiều, được đầu tư ở nhiều nơi. Điều này đặt ra bài toán làm sao HTX có thể quản lý được số lượng tài sản này, từ bảo trì, bảo dưỡng, tránh thất thoát, hư hao để kiểm soát được chi phí, tối ưu hóa được tài sản. Nếu không làm được điều này, HTX khó lập được ngân sách, bố trí được chi phí phù hợp cho đầu tư, vận hành công nghệ, tài sản một cách phù hợp.
Chẳng hạn như HTX điện năng, thủy sản, nông nghiệp thường có hệ thống dây điện phục vụ vận hành sản xuất, máy móc, phát triển dịch vụ. Nhưng bao nhiêu lâu HTX phải thay thế cái gì, bảo trì ra sao, phải thực hiện theo quy trình nào để bảo đảm an toàn thì nhiều HTX ít khi để ý và khó có thể tự làm được.
Có ý kiến cũng cho rằng nhiều HTX khi áp dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số phải bỏ ra số tiền lớn, lên đến hàng tỷ hoặc hàng chục tỷ đồng. Nhưng một điều đặt ra là khi có công nghệ hỗ trợ, thay thế sức người thì liệu có khiến các thành viên thay đổi mối quan hệ với nhau, thậm chí xa rời nhau, từ đó làm mất đi bản chất của mô hình HTX là liên kết, đề cao tính cộng đồng?
Để công nghệ không là rủi ro với HTX
Trước vấn đề này, là một đơn vị ứng dụng công nghệ hiệu quả trên quy mô lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội, ông Hoàng Văn Thám cho rằng việc ứng dụng công nghệ không làm các thành viên xa rời nhau, không làm mất đi bản chất của mô hình HTX là tính cộng đồng, liên kết.
Bởi ngay lúc đầu chuyển đổi số, HTX đã tiến hành tập huấn, tuyên truyền đề thay đổi nhận thức cho thành viên, từ đó giúp họ hiểu giá trị, hiệu quả của công nghệ. Trước khi chưa ứng dụng công nghệ, rau của các hộ thành viên chỉ bán cho HTX là thành viên hết trách nhiệm. Nhưng nay, công nghệ truy xuất nguồn gốc đến từng mảnh ruộng của từng hộ thành viên với thông tin rõ ràng nên mỗi hộ thành viên đều có trách nhiệm cao trong sản xuất.
Rau thay vì cho vào túi nylon như trước thì nay đã được thành viên bảo nhau hái xong sẽ cho vào các sọt nhựa, rau được sơ chế qua theo quy trình. Đến nay, một số thành viên lớn tuổi cũng chủ động xin HTX được đi học tập, tham gia các lớp tập huấn để tiếp tục nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ.
Để HTX ứng dụng công nghệ mạnh mẽ hơn, theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, việc các bộ ngành xây dựng kế hoạch chuyển đổi số, hỗ trợ các HTX kết nối với doanh nghiệp có chuyên môn là rất cần thiết.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp hỗ trợ HTX chuyển đổi số cần cẩn thận vì nhiều khi ứng dụng công nghệ có thể là rủi ro vì có những công nghệ đưa vào thực tiễn chưa chắc đã hiệu quả đối với HTX.
Bên cạnh đó, các nhà quản lý cũng cần xây dựng những tiêu chí cụ thể để xem doanh nghiệp công nghệ nào phù hợp, có thể đồng hành với khu vực kinh tế tập thể, HTX thì mới đi đến hợp tác lâu dài.
Có một vấn đề hiện nay là cần nhanh chóng xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống cấu trúc điện tử trên tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản… để HTX và cơ quan quản lý có cái nhìn tổng thể, xuyên suốt về chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể.
Theo ông Lê Đức Thịnh, muốn khu vực kinh tế tập thể, HTX chuyển đổi số hiệu quả, đồng bộ, cần sự vào cuộc của cả các cơ quan quản lý tại địa phương, ngành nông nghiệp, doanh nghiệp có chuyên môn đồng hành cùng HTX trong chuyển đổi số.
Vì hiện cả nước mới có 2.000 HTX ứng dụng công nghệ nên nhu cầu mua sắm, bảo trì, bảo dưỡng các phần mềm, công nghệ còn có thể ở mức hạn chế. Nhưng nếu có hàng chục nghìn HTX cùng đầu tư công nghệ, chuyển đổi số, cần ứng dụng các phần mềm, công nghệ vào sản xuất kinh doanh thì liệu doanh nghiệp công nghệ có đáp ứng được hết không? Bởi khi muốn bán công nghệ, phần mềm cho HTX thì doanh nghiệp cũng phải đồng hành với HTX, phải hình thành đội ngũ chuyên gia đủ rộng để kết hợp với các bộ ngành nhằm hướng dẫn, đồng hành cùng các HTX trong chuyển đổi số một cách xuyên suốt.
Hàng năm, doanh nghiệp cũng cần có các khóa tập huấn cho đội ngũ chuyên gia hỗ trợ HTX nhằm nâng cao chất lượng chuyên gia. Ngoài ra, cần vinh danh, tạo điều kiện cho các HTX tham quan những HTX đi đầu trong chuyển đổi số để tạo tính lan tỏa, tăng khả năng hấp thụ công nghệ cho HTX.
Huyền Trang