Trên cơ sở nhìn nhận đầy đủ tiềm năng mang lại từ thị trường này, Quảng Ninh đã và đang đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử. Đến nay, Quảng Ninh đã bước đầu đạt được những thành công, góp phần đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng, tạo kênh mua sắm thuận tiện mọi lúc, mọi nơi cho người dân.
Môi trường tiềm năng
Là một trong những địa phương tiêu biểu đi đầu trong triển khai chương trình OCOP, cũng như công tác đưa sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch thương mại điện tử.
Ông Vũ Bình Minh - Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Ninh - cho biết, sàn giao dịch điện tử là môi trường tiềm năng để thu hút khách hàng cũng như quảng bá sản phẩm, đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng một cách nhanh nhất… nhận thấy tiềm năng, lợi thế này. Quảng Ninh đã đi vào xây dựng và phát triển sàn giao dịch điện tử từ năm 2010, đến năm 2017, sàn được nâng cấp hoạt động theo quy chuẩn thương mại điện tử mới để đáp ứng với nhu cầu thương mại điện tử 4.0. Đến nay, sàn giao dịch đã và đang phát triển ổn định, các sản phẩm được quảng bá trên sàn giao dịch được đông đảo người dân biết đến và tin tưởng sử dụng.
Đặc biệt là các sản phẩm OCOP, ngày càng nhiều sản phẩm OCOP được đưa lên Sàn giao dịch thương mại điện tử Quảng Ninh, được quảng bá với đầy đủ các thông tin chi tiết về mẫu mã, giá niêm yết, xuất xứ, liên hệ nhà sản xuất…Không những thế, nhiều thương hiệu còn trở nên quen thuộc với người dân và du khách, như: Chả mực Hạ Long, mực một nắng Cô Tô, hàu sữa chưng thịt, miến dong Bình Liêu, gà Tiên Yên, nước mắm Cái Rồng, ruốc trai, ruốc hàu...
“Chợ điện tử này giới thiệu rất nhiều sản phẩm OCOP chất lượng tốt, mới lạ. Tôi có thể mua những sản phẩm này ở bất kỳ đâu, bất kỳ thời điểm nào chỉ với một thao tác trên điện thoại. Rất tiện lợi”, Chị Đinh Phương Huyền (phường Hồng Hải, Tp. Hạ Long) chia sẻ khi tham gia chợ điện tử Quảng Ninh.
Quảng Ninh sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống sàn TMĐT để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng |
Là kênh quảng bá sản phẩm hữu ích
Ngoài hỗ trợ người tiêu dùng, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP, Sàn giao giao dịch thương mại điện tử Quảng Ninh còn là kênh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm hữu ích.
Ông Lục Văn Thạch, Giám đốc Công ty CP Nước mắm Cái Rồng Vân Đồn, cho biết: “Sàn giao dịch điện tử giúp DN chúng tôi tiếp cận với khách hàng dễ dàng hơn, việc đưa các sản phẩm lên sàn giao dịch giúp đảm bảo được việc quảng bá sản phẩm cũng như tăng doanh thu bán hàng. Nhờ đó, chúng tôi có thêm rất nhiều khách hàng từ trong và ngoài tỉnh tin tưởng và sử dụng sản phẩm vì được cung cấp đầy đủ thông tin, nguồn gốc, chứng nhận về VSATTP... Đặc biệt, các sản phẩm đưa lên sàn giao dịch đều được hỗ trợ miễn phí và đảm bảo tính thương hiệu.”
Trung tâm Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương đang là đơn vị vận hành sàn giao dịch thương mại điện tử. Theo thống kê của Trung tâm, hiện sàn giao dịch đang thu hút bình quân trên 10.000 lượt truy cập mỗi ngày, doanh thu qua sàn cũng tăng trung bình 10-15% / tháng.
Dù vậy, con số này vẫn là khiêm tốn so với sức tiêu dùng các sản phẩm OCOP Quảng Ninh của người dân trong tỉnh và du khách.
Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Ninh: Để việc xúc tiến, quảng bá hiệu quả hơn, Trung tâm sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống. Trong đó, tập trung vào việc đổi mới hình ảnh thông tin bắt mắt nhằm tạo ấn tượng với người tiêu dùng. Tiến tới, sẽ đưa hơn 300 sản phẩm trong chương trình “Mỗi xã phường một sản phẩm OCOP” lên sàn thương mại điện tử để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp và người dân.
Ngoài ra, Trung tâm cũng sẽ hợp đồng liên kết với Viettel, VNPT trong lĩnh vực vận chuyển và đưa sản phẩm lên hệ thống Viettel Pay giúp người tiêu dùng có thể thanh toán điện tử trực tuyến trên sàn. Đồng thời trung tâm cũng kết hợp với các sàn thương mại điện tử lớn như Sendo, Lazada, Fado… để liên kết đường link của sàn sau khi đã hoàn thiện hệ thống, đưa sàn thương mại điện tử Quảng Ninh đến với người tiêu dùng trên toàn quốc.
Khánh Hồng