Năm 2019, TP Hải Phòng có 12 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, 1 sản phẩm đạt 4 sao và 11 sản phẩm đạt 3 sao. Hầu hết các sản phẩm chủ lực, OCOP đều do các HTX đứng ra tổ chức sản xuất và làm truy xuất nguồn gốc.
Gắn sao cho sản phẩm
Cụ thể, sản phẩm OCOP đạt 4 sao là sản phẩm Cá mòi kho Làng chài của Cơ sở chế biến Làng Chài, xã Đại Hà, huyện Kiến Thụy.
11 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp thành phố: Gạo ruộng rươi của HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thụy Hương;Trứng Chấn Hưng của HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Chiêu Viên; Chuối quả của HTX nông lâm thủy hải sản Nam Việt, xã Tây Hưng; Nấm sò tươi của Cơ sở sản xuất nấm Đỗ Văn Tuấn, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Bảo; Rượu Nếp mân của Cơ sở sản xuất rượu Hoàng Quân; Táo Bàng La của HTX nông nghiệp thủy sản Bàng La; Mật ong hoa rừng Cát Bà, Rượu vang Hibinatu, Nước giải khát Hibigreen, Trà Hibinatu, Nước cốt Hibisy của CTCP thương mại thực phẩm Trường Xanh.
Các cơ sở sản xuất có sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP được sử dụng logo OCOP và hạng sao in trên bao bì sản phẩm. Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp thành phố có hiệu lực 36 tháng kể từ ngày ký.
Sản phẩm táo Bàng La của HTX nông nghiệp thủy sản Bàng La đạt tiêu chuẩn 3 sao |
Ngày 7/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 – 2020. Đây là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Trọng tâm của Chương trình OCOP phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể (KTTT) thực hiện.
Sản phẩm của OCOP là những sản phẩm, dịch vụ được phát triển dựa trên lợi thế so sánh của cộng đồng; có sử dụng phần lớn nguyên liệu địa phương, do các thành viên/chủ sở hữu/cộng đồng địa phương cung ứng và/hoặc được phát triển từ công nghệ truyền thống; có chế biến từ nguyên vật liệu thành các sản phẩm có gia tăng giá trị; có tác động/ảnh hướng tích cực đến cộng đồng. Sản phẩm OCOP gồm 6 nhóm: thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải - may mặc, lưu niệm - nội thất - trang trí, dịch vụ nông thôn - bán hàng.
Chương trình OCOP được TP Hải Phòng bắt đầu triển khai năm 2018. Sau hơn 1 năm triển khai đã có những kết quả tích cực. Toàn TP Hải Phòng hiện có khoảng hơn 50 doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh có sản phẩm sẵn sàng tham gia Chương trình OCOP. Bên cạnh đó, TP Hải Phòng có nhiều loại nông sản, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp đặc trưng vùng miền có thể đạt tiêu chí OCOP.
HTX- nhân tố quan trọng trong xây dựng sản phẩm OCOP
Ông Bùi Doãn Nhân – Phó Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên cho biết: Nhiều HTX của huyện đang hoạt động hiệu quả, quy vùng sản xuất, chuyển đổi cây trồng và có các sản phẩm chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. HTX là nhân tố quan trọng trong xây dựng sản phẩm OCOP. Tiêu biểu như sản phẩm quả Na bở của HTX Liên Khê và các địa phương Lưu Kiếm, Kỳ Sơn, Lại Xuân. Diện tích trồng na bở đã tăng lên 300ha, dự kiến trong tương lai là 500ha. Sản phẩm chuối có 1000 ha. Một số mô hình HTX trở thành kiểu mẫu, điểm đến để học hỏi kinh nghiệm cho các HTX trong và ngoài thành phố như HTX Nuôi trồng thủy sản Mắt Rồng với sản phẩm cá trắm đen và cá vược nổi tiếng. Trong dịp Tết vừa qua, doanh nghiệp tại làng Vũ Đại – tỉnh Hà Nam đến HTX để đặt mua 400 tấn cá trắm đen về chế biến (kho niêu đất), bán làm quà Tết…
Cũng theo ông Nhân, thực hiện chương trình OCOP mỗi xã – phường một sản phẩm, đến nay huyện Thủy Nguyên mới có 6 địa phương có sản phẩm được công nhận, còn 29 xã chưa có. Năm nay, huyện Thủy Nguyên sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện việc phát triển HTX gắn với xây dựng sản phẩm OCOP.
Ông Đinh Công Toản - Phó giám đốc Sở NN&PTNT – thành viên Ban Chỉ đạo phát triển KTTT TP Hải Phòng cho biết: Toàn ngành nông nghiệp Hải Phòng hiện có 183 HTX nông nghiệp đang hoạt động, 41 HTX không hoạt động, chờ giải thể. Trong đó có 64 HTX được thành lập mới theo Luật HTX 2012, riêng năm 2019 có 12 HTX nông nghiệp được thành lập mới. Thực tế cho thấy, HTX đang làm tốt vai trò đặc biệt của mình: Chỉ có HTX mới có thể đứng ra ký hợp đồng với doanh nghiệp và người sản xuất. Để HTX có điều kiện phát triển, mong TP Hải Phòng tăng nguồn vốn hỗ trợ cho Qũy hỗ trợ phát triển HTX…
Sở NN&PTNT tiếp tục đề xuất những nội dung cụ thể với lãnh đạo TP Hải Phòng để chỉ đạo thực hiện xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp, thủy sản theo chuỗi giá trị, thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020.
Thanh Vân