Nhắc đến đặc sản trái cây ở tỉnh Ninh Thuận, không thể không nhắc đến quả nho. Và khi tỉnh này làm chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) thì cũng không thể thiếu quả nho.
Thăng trầm quả nho
Trong gần 2 thập niên qua, sự phát triển của ngành trồng nho Ninh Thuận được cho là có nhiều thăng trầm. Diện tích nho gia tăng mạnh vào những năm 2002 - 2004 đạt gần 2.000 ha. Những năm tiếp theo giảm dần, cho đến năm 2011 chỉ còn 578 ha. Từ năm 2012 đến nay, diện tích trồng nho của tỉnh có xu hướng tăng trở lại, đạt gần 1.000 ha vào năm 2014. Tiềm năng mở rộng diện tích đất trồng nho của tỉnh là 7.905 ha.
Theo chuyên gia Đỗ Thị Nâng (Học viện Tài chính), Ninh Thuận cũng xác định nho là cây sản xuất hàng hóa chủ lực của tỉnh, khuyến khích nông dân hình thành các trang trại lớn, đưa khoa học kỹ thuật (KH-KT) vào sản xuất, phát triển nghề trồng nho theo hướng an toàn, bền vững.
Thế nhưng, vấn đề là có những mâu thuẫn xuất hiện tại các hộ nông dân trồng nho. Nhất là sản xuất còn mang tính tự phát, quy mô nhỏ, chủ yếu trên đất nông nghiệp được giao của hộ (2.000 - 4.000 m2/hộ).
Chuyên gia Đỗ Thị Nâng cho rằng đa số hộ nông dân sản xuất dễ dãi chấp nhận một mức lợi nhuận “lấy công làm lãi”, nên một hiện thực không thể phủ nhận là họ đã không chú trọng đầu tư cho sản xuất, như: Đầu tư để mở rộng quy mô nhằm phát huy lợi thế quy mô, đầu tư KH-KT để nâng cao chất lượng sản phẩm. Họ càng không có ý nghĩ xa hơn là sản xuất ra sản phẩm nho để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng quốc tế.
Có thể thấy, khi tham gia OCOP thì nâng giá trị cho quả nho Ninh Thuận là cả bài toán hóc búa. Trong khi đó, ở tỉnh này, không chỉ có quả nho, mà còn có các loai trái cây, đặc sản khác đang tham gia vào chương trình OCOP. Như mục tiêu mà tỉnh đưa ra là nâng cao giá trị 3 - 5 sản phẩm OCOP, là nho, táo, tỏi, măng tây xanh và thổ cẩm truyền thống Mỹ Nghiệp có chất lượng cao, đạt chuẩn 3 - 5 sao, được tham gia vào đánh giá tiêu chuẩn sản phẩm OCOP cấp quốc gia.
Nâng giá trị nho Ninh Thuận là bài toán hóc búa |
Cần nghĩ xa hơn
Giống như nhiều nông sản khác của Việt Nam nói chung, cây nho hay táo, tỏi, măng tây xanh của tỉnh Ninh Thuận còn gặp nhiều khó khăn và thách thức.
Với làng nghề thổ cẩm truyền thống Mỹ Nghiệp (huyện Ninh Phước), khi tham gia vào OCOP, các chuyên gia cho rằng cần phải giữ cho được bản sắc truyền thống làng nghề và gắn với phát triển du lịch.
Như chia sẻ của ông Hàm Minh Thiệu - Giám đốc HTX Dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp, hàng năm có khoảng trên 10.000 lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan mua sắm sản phẩm ở làng nghề. Trong thời gian tới, HTX liên kết với Hiệp hội Du lịch Ninh Thuận đưa du khách đến tham quan làng nghề với mục tiêu phấn đấu thu hút 15.000 lượt khách mỗi năm.
Còn hiện tại, với chương trình OCOP, HTX này tiếp tục đầu tư phục hồi hoa văn cổ, đa dạng hóa sản phẩm và tái hiện quy trình dệt vải cổ truyền của đồng bào Chăm phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu của du khách.
Thực tế cho thấy, dù tham gia chương trình OCOP nhưng một số đặc sản của tỉnh Ninh Thuận vẫn còn không ít khó khăn. Nhất là việc tổ chức kết nối, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn do sản lượng thiếu ổn định, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều. Bên cạnh đó, việc quản lý cho đến phát triển thương hiệu, các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận của các sản phẩm đặc thù vẫn còn nhiều hạn chế.
Có thể thấy, bài toán gia tăng giá trị sản phẩm OCOP của Ninh Thuận đang rất cần những nhà kinh doanh lớn, cũng như sự gắn kết giữa người sản xuất, thương lái, người kinh doanh và người tiêu dùng để hướng tới tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Thanh Loan