Trên thực tế, dư địa các sản phẩm của các làng nghề để xuất khẩu vẫn còn lớn. Tăng cường kết nối để đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm OCOP, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ (TCMN), các đặc sản vùng miền, qua đó nhằm nâng cao giá trị, tăng thu nhập, ổn định đời sống cho người lao động trong các HTX, doanh nghiệp (DN) tại các làng nghề.
Nhiều dấu ấn tích cực
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, thời gian qua, chương trình OCOP đã được thực hiện ở hầu hết các địa phương trên cả nước, tạo ra hàng nghìn sản phẩm hàng hóa đa dạng và cho thấy sự sáng tạo của người dân là vô hạn, ngày càng khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của OCOP. Tổng số sản phẩm dự kiến được chuẩn hóa OCOP đến năm 2020 là trên 3.800 sản phẩm.
Ông Cao Quốc Hưng - Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết hiện nay cả nước đã có 12 tỉnh, gồm: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Quảng Nam, Lào Cai, Bến Tre, Nam Định, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Bình Định, Sóc Trăng, Hòa Bình và Hà Giang tổ chức đánh giá, phân hạng và có Quyết định công nhận cho 604 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 9 sản phẩm 5 sao, 5 sản phẩm đề xuất 5 sao, 195 sản phẩm 4 sao, 395 sản phẩm 3 sao. Các địa phương khác đã và đang triển khai việc tổ chức, đánh giá và phân hạng các sản phẩm OCOP. Nhiều địa phương đã ban hành cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy, tăng cường hoạt động triển khai như Quảng Ninh, Quảng Nam, Lâm Đồng, Hà Nam, Bắc Kạn, Sơn La, Hòa Bình…
Bên cạnh các sản phẩm OCOP, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu ngày càng đáp ứng được yêu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường, góp phần phát triển công nghiệp ở các địa phương và xây dựng nông thôn mới. Năm 2019, có 110 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia, thuộc các nhóm: TCMN; sản phẩm chế biến nông lâm thủy sản và đồ uống; sản phẩm thiết bị, máy móc, dụng cụ và phụ tùng cơ khí, thuộc cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Đây là những sản phẩm nổi trội, đại diện cho các nhóm ngành sản xuất công nghiệp chủ yếu, có lợi thế của các địa phương, khu vực và quốc gia, có giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Cùng với đó, các sản phẩm từ các làng nghề truyền thống đã mang lại nhiều lợi nhuận, góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước, nâng cao đời sống cho người dân. Không chỉ vậy, sản phẩm từ các làng nghề truyền thống còn thể hiện sự gìn giữ, bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc của vùng miền và dân tộc. Đặc biệt, nhiều làng nghề bị thất truyền trong lịch sử thì nay đã được khôi phục, phát triển trở lại.
Sản phẩm của các HTX làng nghề ngày càng đóng góp vai trò quan trọng trong phát triển KT-XH |
HTX đóng vai trò quan trọng
Một thực tế cho thấy, số lượng làng nghề lớn, nhưng có sự tham gia tích cực của các HTX vào sản xuất chứ không chỉ có các DN. Mặc dù là HTX hay DN thì các làng nghề đều tạo việc làm cho đông đảo lao động là người dân địa phương. Nếu triển khai tốt, có hiệu quả sẽ đóng góp cơ bản vào công tác tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Muốn thực hiện tốt việc này, ông Trịnh Quốc Đạt - Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, cho rằng các cơ quan chức năng như Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Liên minh HTX Việt Nam và các địa phương cần tổ chức những phiên chợ làng nghề thường xuyên và luân chuyển tại các địa phương.
“Cần tích cực xây dựng văn hóa làng nghề và nâng cao chất lượng văn hóa làng nghề. Làng nghề truyền thống nhất thiết phải là làng nghề văn hóa ở cấp độ cao. Vì đó là nơi sản sinh ra các di sản văn hóa, nơi đào tạo, bồi dưỡng các nghệ nhân làm cho các sản phẩm làng nghề nổi trội lên, có thể sánh vai với các nước trên thế giới”, ông Đạt cho biết.
Theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo, để triển khai hiệu quả chương trình OCOP, thời gian qua, Liên minh HTX việt Nam đã phối hợp đồng bộ với các bộ: NN&PTNT, Công Thương, UBND các tỉnh, thành phố thành lập các Trung tâm phát triển làng nghề và các HTX trong làng nghề; phát triển các hoạt động tư vấn về kỹ năng nghề và tổ chức sản xuất tại các làng nghề; mở các lớp đào tạo truyền nghề tại làng; hỗ trợ lãi suất vốn vay để phát triển sản xuất, thành lập HTX. Đặc biệt chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho cán bộ quản lý doanh nghiệp, HTX.
“Đến nay, đã có hơn 30 tỉnh, thành phố trong cả nước học tập và triển khai Chương trình OCOP theo các quy mô khác nhau. Trong một thời gian ngắn đã tạo ra hàng nghìn sản phẩm hàng hóa đa dạng, chất lượng, có nhiều địa phương có những sáng kiến, mô hình, cách làm hay. Những HTX làng nghề truyền thống, sản phẩm có thương hiệu trên thị trường như làng lụa Vạn Phúc, làng nghề mây tre đan Phú Vinh, làng quạt Chàng Sơn (đều ở Hà Nội), làng nghề chạm Bạc Đồng Xâm (Thái Bình), làng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh)”, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo cho biết.
Chương trình OCOP không chỉ giúp tạo việc làm cho lao động khu vực nông thôn, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, mà còn góp phần lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể ở các làng quê. Cả nước đang dấy lên một phong trào mạnh mẽ về phát triển kinh tế nông thôn theo mô hình mỗi làng nghề một sản phẩm. Đây là những tín hiệu tích cực và cần tiếp tục phát huy trong thời gian tới.
Phạm Duy