Huyện Vĩnh Thạnh có khoảng 38% đồng bào công giáo, tập trung nhiều nhất tại 3 xã tuyến Bắc Cái Sắn, gồm: Thạnh An, Thạnh Thắng và xã Thạnh Lợi với 99% dân số là đồng bào công giáo sinh sống.
Điểm sáng Vĩnh Thạnh
Những năm gần đây, mô hình xứ đạo, họ đạo “3 không” được đồng bào giáo dân ở Vĩnh Thạnh tích cực hưởng ứng với sự phối hợp giữa Ủy ban Đoàn kết Công giáo huyện, ngành công an, Mặt trận, các đoàn thể và các nhà thờ giáo xứ…
Mô hình “xứ đạo, họ đạo 3 không” đã được nhân rộng 100% trên khắp các xứ, họ đạo ở huyện Vĩnh Thạnh. |
Điển hình như tại xã Thạnh An, từ 6 năm trước, các ấp đồng loạt triển khai thực hiện mô hình "xứ đạo, họ đạo 3 không". Qua đó, tất cả hộ dân đăng ký cam kết thực hiện 3 nội dung: Không tội phạm, không ma túy, không mại dâm.
Bà Phạm Thị Vân, là một giáo dân sinh sống lâu năm, ngụ tại ấp G2 cho biết, bản thân rất tự giác về việc thực hiện nội dung "3 không". Linh mục cũng thường xuyên tuyên truyền trong nhà thờ để bà con giáo dân ý thức được trách nhiệm của mình.
Theo Linh mục Đỗ Anh Tuấn, Chánh xứ Giáo xứ Long Bình, xã Thạnh An: Hiện nay, tình hình an ninh trật tự trong đồng bào giáo dân nơi đây rất đảm bảo khi nhận thức được ý nghĩa và sự thiết thực của mô hình "3 không", các giáo dân rất hưởng ứng và làm tốt phong trào này.
Còn tại xã Thạnh Lợi - địa bàn có 12 nhà thờ, 8 giáo xứ và 4 họ đạo, trong nhiều năm nay, việc thực hiện mô hình “họ đạo 3 không” đã mang lại hiệu quả lớn. Qua đó, giúp cho địa phương đạt tiêu chuẩn an toàn về an ninh trật tự, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ngày càng đạt hiệu quả cao, tạo sự chuyển biến tích cực về trật tự xã hội, tội phạm được kiềm chế, các tệ nạn xã hội được đẩy lùi…
Như chia sẻ của ông Trần Thanh Tùng, giáo dân ở ấp E2, xã Thạnh Lợi, nhờ mô hình này nên làng xóm bình yên, các giáo dân yên tâm lo làm ăn, phát triển kinh tế, kiếm thêm thu nhập, vươn lên ổn định đời sống.
Ông Phạm Văn Chúng, Chủ tịch Hội đồng mục vụ, giáo xứ An Sơn tại xã Thạnh Lợi cho biết: "Trong những buổi sinh hoạt tôn giáo, chúng tôi thường xuyên lồng ghép, tuyên truyền về những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, chúng tôi nhắc nhở các tín đồ, giáo dân chấp hành nghiêm các quy định pháp luật, nhất là nhắc nhở, giáo dục con cháu không dính líu, sa vào các tệ nạn xã hội".
Có thể nói, sau nhiều năm triển khai, hiện mô hình “xứ đạo, họ đạo 3 không” đã lan tỏa khắp các xứ đạo, họ đạo trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh. Hiện, toàn huyện có 100% xứ đạo, họ đạo đăng ký thực hiện mô hình. Nhờ đó mà ý thức tự giác tham gia phòng, chống tội phạm trong giáo dân được nâng cao rõ rệt, góp phần giữ vững an ninh trật tự tại địa phương.
Chung tay phòng dịch, bác ái thiện tâm
Đặc biệt, lực lượng công an các cấp ở huyện Vĩnh Thạnh đã chủ động phối hợp với các vị linh mục, các vị hội đồng mục vụ tổ chức thông báo trên 3.000 lượt thông tin về tình hình an ninh trật tự, phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm.
Điều này giúp cho Vĩnh Thạnh có 46/46 ấp đạt ấp văn hóa, trong đó có 30/30 ấp của vùng đồng bào công giáo được công nhận ấp văn hóa, 98% hộ gia đình giáo dân được công nhận gia đình văn hóa.
Một trong những hoạt động nổi bật của đồng bào công giáo ở Cần Thơ là thực hiện tốt các hoạt động “bác ái thiện tâm”, chăm lo cho người nghèo. |
Không chỉ vậy, là một trong những vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của TP Cần Thơ, thời gian qua, huyện Vĩnh Thạnh chú trọng phát triển các HTX, tổ hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thu nhập cho nông dân, giáo dân. Tính đến huyện đã có hơn 30 HTX nông nghiệp (với khoảng 1.000 thành viên) và 276 tổ hợp tác (với trên 14.000 nông hộ tham gia).
Trong thời gian tới, huyện Vĩnh Thạnh cũng sẽ tiếp tục củng cố mô hình “Khu dân cư xã, thị trấn, xứ đạo, họ đạo 3 không” và nhân rộng mô hình điển hình tiên tiến khác như mô hình “xứ đạo, họ đạo 4 không, 5 không, 6 không, 7 không”, “Tổ nhân dân tự quản vững mạnh”, “Gia đình giáo dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước”…
Không chỉ ở Vĩnh Thạnh, việc giữ gìn nếp sống, đảm bảo an ninh, trật tự, thực hiện mô hình “xứ đạo, họ đạo 3 không” cũng được nhân rộng trong các đồng bào công giáo trên địa bàn TP Cần Thơ.
Chính quyền TP Cần Thơ cũng tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là các chủ trương, chính sách, pháp luật về tôn giáo cho đồng bào công giáo trong thành phố.
Trong năm 2020 và năm 2021 này, đồng bào giáo trên địa bàn Cần Thơ đều thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19. Điển hình như tại Nhà thờ Thới Thạnh, phường An Cư, quận Ninh Kiều (nơi có 1.200 người sinh hoạt thường xuyên vào ngày Chủ nhật hằng tuần), khi dịch bệnh diễn biến phức tạp thì nhà thờ thành lập group (nhóm) để tuyên truyền cho đồng bào hạn chế tụ tập đông người, hạn chế đi ra ngoài tỉnh…
Linh mục Nguyễn Văn Hùng (Nhà thờ Thới Thạnh) cho biết, từ cuối tháng 5/2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Ban Tôn giáo TP Cần Thơ có thông báo đến nhà thờ tạm dừng các hoạt động.
Vì vậy, theo Linh mục Hùng, để góp phần cùng chính quyền và người dân phòng, chống dịch, nhà thờ không tổ chức thánh lễ nhà thờ, thánh lễ Chủ nhật, thánh lễ ngày thường và tất cả mọi sinh hoạt, lễ hội đều tạm dừng. Các hội đoàn trong họ đạo đều tạm dừng không dạy giáo lý. Trước cổng nhà thờ cũng treo bảng thông báo không tổ chức thánh lễ để bà con biết.
Ngoài ra, với phương châm “sống tốt đời đẹp đạo”, một trong những hoạt động nổi bật của đồng bào công giáo ở Cần Thơ là thực hiện tốt các hoạt động “bác ái thiện tâm”, chăm lo cho người nghèo. Như hồi năm 2020, tổng số tiền giáo dân ở thành phố đóng góp cho công tác từ thiện xã hội trên tất cả các lĩnh vực là trên 19 tỷ đồng. Trong đó, nổi bật có Giáo xứ Bò Ót (quận Thốt Nốt) đã xây dựng 300 căn nhà tình thương với tổng giá trị gần 3 tỷ đồng.
Thanh Loan