Trong đại dịch Covid-19 đợt 4 này và những đợt dịch trước đó thì bà con người Chăm theo đạo Islam ở phường 1, Tp.Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh) đều gương mẫu chấp hành nghiêm các quy định về giãn cách xã hội.
Chung tay vượt qua đại dịch
Vào một ngày hạ tuần tháng 8/2021, anh Dắc Pha, người Chăm Islam ở khu phố 2, phường 1, mặc trang phục nghi lễ Hồi giáo Islam nghiêm túc, nhưng anh không đến Thánh đường như mà ngồi ở nhà chờ đến giờ cầu nguyện.
Cộng đồng Chăm theo đạo Islam ở phường 1, Tp.Tây Ninh tuân thủ tốt các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. |
“Tình hình dịch bệnh phức tạp, Nhà nước đã có quy định và báo đài tuyên truyền nhiều về giãn cách xã hội nên thời gian qua mình không đến thánh đường mà chỉ cúng ở nhà, vừa an toàn cho mình vừa an toàn cho mọi người”, anh Dắc Pha nói.
Còn chị Rohyna, dân tộc Chăm, trú khu phố 2, phường 1, làm nghề may gia công quần áo tại nhà. Chị chia sẻ từ khi xảy ra dịch Covid- 19 đợt 4 cho đến nay, khi đi nhận hàng về may hoặc đi giao hàng cho khách, chị đều cẩn thận đeo khẩu trang, hạn chế ra chợ mua thức ăn.
“Nếu được phép ra chợ thì mình đeo khẩu trang, đi nhanh, về nhanh, tránh tiếp xúc nhiều người, về nhà thì rửa tay khử khuẩn. Hằng ngày, mình cũng thực hiện nghi lễ đầy đủ, nhưng cầu nguyện ở nhà, chứ không đến Thánh đường”, chị Rohyna bộc bạch.
Chị Rohyna bày tỏ cộng đồng người Chăm Islam ở phường 1 rất đồng tình với chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ là cần thực hiện thật nghiêm túc việc giãn cách xã hội, cũng như cần chăm lo hỗ trợ không được để người nào thiếu ăn, thiếu mặc.
Không chỉ ở phường 1, trong đợt dịch Covid-19 lần 4 này, cộng đồng Hồi giáo Chăm Islam ở các địa phương khác của tỉnh Tây Ninh những tháng qua cũng nêu gương chấp hành, thực thi tốt các quy định Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ. Các thánh đường trong tỉnh đã tạm đóng cửa, ngừng các hoạt động, sinh hoạt tôn giáo tập trung đông người.
Cộng đồng người Chăm Islam thực hiện các nghi lễ tôn giáo tại nhà, đồng thời được tuyên truyền, vận động tích cực tham gia khai báo y tế tự nguyện và chấp hành thông điệp 5K của Bộ Y tế để bảo vệ bản thân và cộng đồng, chung tay với chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống dịch.
Với vai trò Trưởng ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo Islam tỉnh Tây Ninh, ông Chàm Sá thời gian qua được chính quyền địa phương đánh giá cao với các thành tích xuất sắc và được tặng Bằng khen trong công tác phối hợp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Nhất là từ các đợt dịch Covid-19 hồi năm ngoái và đợt dịch lần 4 của năm nay, cộng đồng Hồi giáo Islam tỉnh Tây Ninh đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền phòng chống dịch, góp phần không nhỏ trong việc ngăn chặn, đẩy lùi dịch Covid-19 không để lây lan trong cộng đồng.
Ông Chàm Sá cho biết, hiện nay, cộng đồng người Chăm ở phường 1 có 111 hộ với 376 nhân khẩu và đều theo đạo Hồi giáo. Nhờ việc triển khai tuyên truyền đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm cho nên ý thức phòng, chống dịch của cộng đồng Chăm Islam đều được nâng lên, chấp hành rất tốt các quy định, góp phần cùng địa phương thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch.
Về phía chính quyền phường 1, thường xuyên gặp gỡ đồng bào Chăm Islam để thông tin cho họ về tình hình dịch bệnh trong và ngoài tỉnh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền hướng mạnh về cơ sở, tạo sự đồng thuận, nâng cao ý thức chấp hành trong người dân, chung tay đẩy lùi dịch Covid-19 ra khỏi cộng đồng.
Tích cực giữ gìn an ninh trật tự
Theo ông Chàm Sá, với vai trò là Trưởng ban Đại diện cộng đồng dân tộc Chăm của tỉnh Tây Ninh, ông luôn giúp đỡ đồng bào Chăm thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước và truyền thống văn hóa dân tộc.
Hiệu quả của mô hình “Đồng bào ấp Chăm tham gia giữ gìn an ninh trật tự” đã mang lại sự bình yên cho cộng đồng Chăm đạo Islam ở xã Suối Dây thuộc huyện Tân Châu (Tây Ninh). |
Cụ thể, ông cùng với bà con dân tộc tổ chức sinh hoạt cộng đồng theo đúng thời gian quy định và đoàn kết trong nội bộ, giữ gìn an ninh trật tự chính trị nơi mình sinh sống. Nhất là vận động đồng bào Chăm trong phường tham gia các nội dung của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Kết quả là cách đây 2 năm đã có 93,7% hộ gia đình Chăm Islam ở phường 1 đạt chuẩn gia đình văn hóa. Các loại tội phạm trong cộng đồng dân tộc được kéo giảm đáng kể, không có tội phạm nghiêm trọng.
Từ 3 năm trước, ở phường 1 đã thành lập mô hình “Đồng bào dân tộc Chăm tham gia giữ gìn an ninh trật tự”. Mô hình huy động người có uy tín và đồng bào Chăm Islam trên địa bàn phường tham gia công tác phòng ngừa, phát hiện, tố giác các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật.
Cho đến nay, hiệu quả hoạt động của mô hình, với sự gương mẫu thực thi pháp luật của đồng bào Chăm theo đạo Islam, đã góp phần giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương.
Còn ở xã Suối Dây thuộc huyện Tân Châu (Tây Ninh) có mô hình “Đồng bào ấp Chăm tham gia giữ gìn an ninh trật tự”. Hoạt động được 5 năm nay, mô hình này với sự tham gia tích cực đồng bào Chăm theo đạo Islam ở ấp Chăm xã Suối Dây đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác giữ gìn an ninh trật tự địa phương. Đồng bào đã cung cấp cho công an địa phương những tin tức có giá trị về tội phạm, qua đó đảm bảo an ninh trật tự chính trị trên địa bàn.
Hoặc như hồi tháng 10/2020 Ban chỉ đạo phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc huyện Tân Biên (Tây Ninh) phối hợp với UBND xã Thạnh Bình tổ chức lễ ra mắt mô hình “Đồng bào dân tộc Chăm tham gia giữ gìn an ninh trật tự” tại khu dân cư ấp Thạnh Thọ (xã Thạnh Bình).
Ban điều hành mô hình này gồm 10 thành viên, do ông Chàm Vi Mor, Giáo cả Thánh đường Almubarak làm Trưởng ban, thường xuyên tuyên truyền, vận động cộng đồng Chăm theo đạo Islam tuân thủ các quy định của pháp luật, tham gia giữ gìn an ninh trật tự.
Nhờ đó, cộng đồng Chăm Islam ở ấp Thạnh Thọ tích cực tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác, kịp thời cung cấp cho lực lượng công an những thông tin có liên quan đến công tác giữ gìn an ninh trật tự…
Thanh Loan