Với 11 xã, thị trấn, Sông Hinh có 5 xã và 8 thôn, buôn đặc biệt khó khăn, thuộc diện đầu tư của Chương trình 135. Năm 2020, địa phương được phân bổ 8,6 tỷ đồng đầu tư hạ tầng cơ sở; lồng ghép với các nguồn vốn, chương trình khác để đầu tư mới công trình hạ tầng cơ sở ở các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn.
Phát huy hiệu quả các nguồn vốn
Ông Đinh Ngọc Dạn, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh cho biết, từ các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững, huyện được phân bổ hơn 2,52 tỷ đồng hỗ trợ cho 157 hộ được cấp bò giống, 16 hộ được cấp heo giống, 2 hộ cấp bê giống và 5 hộ cải tạo ruộng.
Đại diện Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Sông Hinh trao bò sinh sản cho một hộ nông dân ở xã Sơn Giang. |
Ngoài ra, từ nguồn vốn nhân rộng mô hình giảm nghèo, huyện Sông Hinh được phân bổ 548 triệu đồng để cấp 45 con bò giống cho các hộ nghèo, cận nghèo ở 3 xã Ea Trol, Đức Bình Đông và Ea Bá; hỗ trợ 130 triệu đồng cho 27 hộ dân đồng bào DTTS có đất sản xuất, nước sinh hoạt và chuyển đổi nghề. Các mô hình hỗ trợ sản xuất đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp các hộ dân từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bước sang năm 2021, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, cuộc sống người dân càng khó khăn hơn, để thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, các chính sách hỗ trợ người DTTS phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo càng được chú trọng. Chẳng hạn, mới đây, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Sông Hinh tổ chức trao 25 con bò sinh sản cho 25 hộ đồng bào DTTS, hộ nghèo ở 7 xã trên địa bàn huyện để chăn nuôi phát triển kinh tế, với tổng giá trị lên đến 450 triệu đồng.
Cụ thể, số bò được trao cho các hộ dân các xã gồm: Xã Sơn Giang 3 con, xã Đức Bình Đông 4 con, xã Đức Bình Tây 2 con, xã Ea Bá 7 con, xã Ea Lâm 1 con, xã Ea Bar 4 con, xã Ea Trol 3 con và xã Sông Hinh 4 con.
Cùng với trao bò giống, các hộ nhận bò cũng được tặng sách hướng dẫn chăn nuôi, chăm sóc, phòng bệnh… để bò phát triển tốt. Được biết, mỗi con bò giống trị giá 18 triệu đồng.
Theo hộ anh gia đình Niê Y Loan ở buôn Mùi, xã Ea Trol, vài năm trước trong buôn còn khổ lắm, các hộ nghèo gặp cảnh đói giáp hạt thường xuyên. Được Nhà nước hỗ trợ heo, bò và cả giống cây trồng nữa nên không còn lo đói, chỉ quan tâm làm sao trồng cho tốt, nuôi cho nhiều để bán có tiền tích lũy.
“Đầu năm nay, gia đình tôi được hỗ trợ 1 con bò giống và có cán bộ của xã về hướng dẫn cách trồng trồng cao su, sắn, ớt để phát triển kinh tế. Hiện tại thu nhập mỗi tháng của gia đình được 8 triệu, so với trước đây tốt hơn rất nhiều”, anh Niê Y Loan cho hay.
Ông Lê Văn Tấn, Chủ tịch UBND xã Ea Trol, cho biết: Năm 2020, từ nguồn vốn nhân rộng mô hình giảm nghèo, địa phương được phân bổ 302 triệu đồng, hỗ trợ 26 hộ nghèo, cận nghèo mua bò giống nuôi sinh sản để cải thiện cuộc sống. Bên cạnh đó, xã Ea Trol cũng san ủi gần 6ha đất rẫy kém hiệu quả chuyển sang trồng lúa để phân bổ cho các hộ không có đất sản xuất làm ăn. Nhờ vậy, xã Ea Trol đã hoàn thành các chỉ tiêu quan trọng về kinh tế, xã hội; đời sống người đồng bào ngày càng được cải thiện và nâng cao.
Thay đổi nhận thức người dân
Cùng với các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Phú Yên cũng lồng ghép nhiều nguồn lực giúp phụ nữ có sinh kế để thoát nghèo, từng bước phát triển kinh tế gia đình và khẳng định vị thế của mình trong gia đình và xã hội.
Phụ nữ Ê Đê tham gia Hội thi dệt thổ cẩm. |
Điển hình như việc thành lập Tổ hợp tác (THT) tập hợp chị em phụ nữ sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, trình độ dân trí còn hạn chế tham gia vào mô hình phát triển nông nghiệp; gìn giữ, phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào như dệt thổ cẩm…
Để giúp chị em phụ nữ phát triển kinh tế, vừa giữ gìn được nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào DTTS Ê Đê, huyện Sông Hinh đã thành lập THT dệt thổ cẩm, với 24 thành viên. Đây là nơi các thành viên học tập, chia sẻ kinh nghiệm dệt thổ cẩm, để cùng nhau bảo tồn và phát triển nghề dệt của người Ê Đê.
Hay như mô hình THT phát triển chăn nuôi từ khi ra đời đã tổ chức nhiều buổi sinh hoạt nhằm nắm rõ được nhu cầu phát triển kinh tế của từng chị em. Từ đây, những hội viên có nhu cầu về vốn sẽ được THT phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ.
Khởi nghiệp từ khi còn rất trẻ với số vốn ban đầu vay của Ngân hàng chính sách xã hội là 5 triệu đồng, chị Ksor H’Bia ở buôn Trinh, xã Ea Bar đã mạnh dạn đầu tư nuôi bò để cải thiện kinh tế gia đình. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, đàn bò của nhà H’Bia ngày càng phát triển, giúp gia đình chị thoát nghèo.
Chị Ksor H’Bia chia sẻ: Từ khi tham THT, mình thấy có rất nhiều lợi ích. Thứ nhất, những lúc mình khó khăn có chị em trong hội chia sẻ giúp đỡ. Thứ hai là vốn vay ưu đãi cho phụ nữ rất nhiều. Thứ ba là được tư vấn nhiều kiến thức, mô hình phát triển kinh tế phù hợp. Gia đình tôi đang nuôi bò lai, trồng cao su, sắn, ớt để phát triển kinh tế. Với thu nhập được hàng năm là hơn 80 triệu đồng, kinh tế gia đình cũng khá ổn định.
Ông Đinh Ngọc Dạn, cho biết, thời gian qua, các chính sách dân tộc, miền núi luôn được quan tâm sâu sát và chỉ đạo kịp thời. Các chương trình mục tiêu quốc gia được lồng ghép có hiệu quả, góp phần rất lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
“Sông Hinh là huyện miền núi nghèo, vùng đặc biệt khó khăn của huyện lại càng nghèo hơn. 5 năm trước, địa phương bắt tay vào giảm nghèo cho vùng này với rất nhiều khó khăn, như điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, dân trí thấp… Nhưng nhờ người dân đồng lòng, chính quyền các cấp nỗ lực, vùng đặc biệt khó khăn của huyện đã thực sự thay đổi”, ông Dạn nói.
Hoàng Hà
Bài 2: Chú trọng phát triển kinh tế tập thể, HTX