Xã Cam Phước Tây ở huyện Cam Lâm trong những năm trước có tình hình an ninh trật tự khá phức tạp khi thường xảy ra tình trạng say rượu đánh nhau, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, cờ bạc, nghiện hút ma túy…
Mang lại bình yên cho giáo họ
Điều này khiến nhiều người dân lo lắng, nhất là khi trong xã có đồng bào theo công giáo chiếm 70 - 80% ở một số thôn. Để góp phần khắc phục tình trạng mất an ninh trật tự, cách đây 6 năm mô hình “Giáo họ tự quản về an ninh trật tự” đã ra đời, ban đầu làm thí điểm ở giáo họ Phú Ân, thôn Văn Sơn thuộc xã Cam Phước Tây.
Các mô hình “Giáo họ tự quản về an ninh trật tự” góp phần xây dựng các khu dân cư văn hóa, an toàn về an ninh trật tự ở Cam Lâm. |
Nhiệm vụ trọng tâm của mô hình tự quản này là giáo dục số thanh, thiếu niên chậm tiến và giúp đỡ đối tượng hình sự nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng, có việc làm ổn định.
Ngay sau khi chủ trương trên được triển khai, Trưởng giáo họ đạo Phú Ân đã họp để phổ biến trong giáo dân (trong đó có nhiều giáo dân là người dân tộc Raglai) quán triệt các nội dung của mô hình và được mọi người hưởng ứng.
Tính đến nay, mô hình “Giáo họ tự quản về an ninh trật tự” ở giáo họ Phú Ân đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an địa phương giữ gìn và bảo đảm tốt tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Theo đánh giá của chính quyền xã Cam Phước Tây, bà con giáo dân ở giáo họ Phú Ân đã phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, không phân biệt tôn giáo, nâng cao cảnh giác, phòng, chống các luận điệu chia rẽ, phá hoại của kẻ xấu. Số giáo dân vi phạm pháp luật giảm đáng kể, tình hình an ninh tôn giáo luôn được bảo đảm.
Thông qua mô hình này, các giáo dân đã cung cấp hàng chục nguồn tin tố giác tội phạm. Nhờ đó, đã giảm các vụ gây rối an ninh trật tự và trộm cắp trên địa bàn xã.
Như chia sẻ của ông Nguyễn Hưng, Trưởng Giáo họ Phú Ân, bà con giáo dân luôn tích cực hưởng ứng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc bằng nhiều việc làm thiết thực.
“Đến nay, 100% hộ gia đình đều đăng ký tham gia xây dựng “Khu dân cư Văn Sơn an toàn về an ninh trật tự” và ký cam kết không có ma túy, tệ nạn xã hội gắn với thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, ông Hưng cho biết.
Tương tự như vậy, sự tham gia tích cực của các giáo dân và các chức sắc, chức việc của đạo Công giáo trong việc giữ gìn an ninh trật tự cũng được phát huy hiệu quả tại thị trấn Cam Đức, nơi có 4 giáo xứ lớn gồm: Hòa Nghĩa, Hòa Yên, Hòa Bình, Vĩnh Hòa, với khoảng 12.000 giáo dân, chiếm 75% dân số trong thị trấn.
Thời gian qua, các giáo xứ ở thị trấn Cam Đức đều tập trung phát triển đô thị văn minh, giúp nhau xóa đói giảm nghèo bền vững, thực hiện tốt công tác tự quản về vệ sinh môi trường, phòng chống tội phạm trong tình hình mới. Các linh mục quan tâm đôn đốc thanh niên là giáo dân tham gia khám tuyển nghĩa vụ quân sự.
Lan tỏa mô hình “Tiếng chuông học bài”
Bên cạnh đó, các vị linh mục còn cùng chính quyền thị trấn vận động giáo dân không tham gia các tệ nạn cá cược, đua xe, đặc biệt là sử dụng trái phép chất ma túy. Đơn cử như Giáo xứ Hòa Bình có 1 giáo họ vừa qua đã phối hợp với đoàn thể, mặt trận và công an phát triển mô hình “Giáo họ tự quản về an ninh trật tự” nhằm đẩy lùi tệ nạn xã hội.
Giáo xứ Hòa Yên ở thị trấn Cam Đức đang duy trì hiệu quả mô hình “Tiếng chuông học bài”. |
Hoặc như Giáo xứ Hòa Yên đang duy trì hiệu quả mô hình “Tiếng chuông học bài”. Khi tiếng chuông vang lên từ nhà thờ, học sinh đều dừng mọi hoạt động vui chơi, tự giác ngồi học bài. Tình hình hoạt động băng nhóm, mê tín dị đoan không còn. Tình trạng mất an toàn giao thông tại các tuyến giao thông đô thị thuộc thị trấn được hạn chế tối đa…
Hay như Giáo xứ Tân Bình tại xã Cam Hòa (huyện Cam Lâm) là khu dân cư gồm hai thôn Văn Tứ Đông và Văn Tứ Tây, có trên 95% dân số theo đạo Công giáo.
Trước đây, vì quá lo cho cơm áo, đời sống, nhiều giáo dân không có điều kiện chăm lo việc học hành của con cháu mình, có nhiều cháu học yếu, phải lưu ban, rồi bỏ học. Buổi tối, các cháu không tập trung học tập mà tụ tập chơi đùa, thậm chí quậy phá, gây ồn ào, mất trật tự trong thôn xóm.
Sau đó, chính quyền xã Cam Hòa cùng với linh mục quản xứ, ban hành giáo cùng bàn bạc rồi thành lập mô hình “Tiếng chuông học bài”. Theo đó, cứ hàng đêm, lúc 19 giờ tối, nhà thờ gióng một hồi chuông thì tất cả các em trong độ tuổi đều phải ngồi vào bàn học.
Tiếp đến, ban hành giáo sẽ đi kiểm tra, nhắc nhở những em còn la cà ngoài đường về nhà. Từ khi triển khai mô hình “Tiếng chuông khuyến học” đến nay, tình trạng thanh, thiếu niên tụ tập, quậy phá dứt hẳn. Học sinh không trốn học, bỏ học.
Trưởng Ban hành giáo, Giáo xứ Tân Bình cho biết: Không chỉ nhằm mục đích khuyến học, việc triển khai mô hình này còn giúp giữ gìn an ninh trật tự. Hoạt động này cũng góp phần hạn chế thanh thiếu niên tụ tập, quậy phá hay có hành vi vi phạm pháp luật.
Trong nhiều năm liền, mô hình “Tiếng chuông khuyến học” là điển hình trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc của xã Cam Hòa. Ngoài ra, chính quyền và công an xã còn nhận được sự hỗ trợ tích cực của linh mục quản xứ cũng như Ban hành giáo của Giáo xứ Tân Bình trong vấn đề an ninh trật tự.
Với phương châm “Sống tốt đời, đẹp đạo”, linh mục quản xứ và Ban hành giáo, Giáo xứ Tân Bình còn động viên giáo dân tham gia tổ an ninh nhân dân, tổ hòa giải ở mỗi thôn, đồng thời vận động giáo dân đóng góp kinh phí để mua bóng đèn chiếu sáng các tuyến đường trong thôn, giúp phòng ngừa tội phạm và tệ nạn hiệu quả.
Theo đánh giá của lãnh đạo huyện Cam Lâm, bà con đạo Công giáo có tính đoàn kết cộng đồng nên việc thành lập mô hình “Giáo họ tự quản về an ninh trật tự” hay mô hình “Tiếng chuông khuyến học” là rất hiệu quả, cần nhân rộng.
Với các mô hình hay về an ninh trật tự như vậy, đa số đều giao cho các chức sắc, chức việc kiêm phụ trách mô hình đã đoàn kết giữ gìn an ninh trật tự, tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, thực hiện đoàn kết lương - giáo, sống tốt đời đẹp đạo…
Thanh Loan