Giáo xứ Lệ Chí (xã Nam Yang, huyện Đak Đoa, Gia Lai) có hơn 3.000 giáo dân, tập trung ở 5 xóm giáo thuộc xã Nam Yang và Hà Bầu. Hiện nay, cộng đồng giáo xứ đã và đang thực hiện tốt việc phòng chống đại dịch Covid-19.
Chủ động phòng dịch Covid-19
Để đảm bảo an toàn trước dịch bệnh, theo linh mục Giuse Trần Văn Bảy, Chánh xứ giáo xứ Lệ Chí, giáo xứ tăng cường việc giao lưu, trao đổi, hướng đạo, giảng bài, làm thánh lễ thông qua các trang mạng điện tử. Bà con giáo dân thường xuyên đeo khẩu trang kháng khuẩn, đảm bảo việc giãn cách xã hội, vệ sinh nơi ăn chốn ở…
Giáo sứ Lệ Chí đã và đang thực hiện tốt việc phòng chống đại dịch Covid-19. |
Ngoài việc hướng dẫn bà con giáo dân thực hiện tốt biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19, các chức sắc, chức việc còn tổ chức thăm hỏi, động viên, trao tặng quà những người nghèo khó trong và ngoài giáo xứ, dòng tu.
Linh mục Giuse Trần Văn Bảy cho biết, các cơ quan, ban ngành của tỉnh và địa phương luôn quan tâm, tạo điều kiện cho bà con giáo xứ hoạt động tôn giáo đúng pháp luật.
Ở làng Piơm, thị trấn Đăk Đoa thuộc huyện Đak Đoa, bà con giáo dân giáo xứ Phao lô Hneng đã thay đổi hoàn toàn việc sinh hoạt tôn giáo vào những thời điểm cả nước xảy ra dịch.
Trước khi thực hiện việc giãn cách, cách ly xã hội, giáo dân đã được cha xứ tuyên truyền bằng hình ảnh về sự nguy hiểm của dịch Covid-19. Và, thay vì tập trung ở nhà thờ vào sáng Thứ 7 và Chủ Nhật hàng tuần, thì bà con giáo dân đã tự tổ chức đọc kinh tại nhà.
Mọi công việc của giáo xứ sẽ được truyền đạt tới giáo dân thông qua ban chức việc. Ông Lick, giáo dân làng Piơm, thị trấn Đăk Đoa cho biết, với sự hướng dẫn của linh mục, nhà ai làm nghi lễ tôn giáo tại nhà đó, vẫn đảm bảo sự linh thiêng và đức tin tôn giáo.
Còn tại thôn Ia Mua (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, Gia Lai), giáo dân Trần Đình Long cho biết, từ ngày xảy ra đại dịch Covid-19 đến nay, bà con các giáo họ Hoàng Yên, Hoàng Ân, Hoàng Tiên, Bản Tân, Grang, Ia Mua... luôn thực hiện nghiêm các quy định trong phòng chống dịch.
Như chia sẻ của ông Long, nếu có việc đến nhà thờ, giáo xứ, mọi người đều đeo khẩu trang kháng khuẩn, giữ khoảng cách 2 m, chỉ đứng ở ngoài nhà thờ hướng về tượng Chúa cầu nguyện nhanh rồi ra về. Nếu không có việc cần thiết, giáo dân không đi ra đường, thường xuyên ở nhà, theo dõi, cầu nguyện và hành lễ trực tuyến.
Theo ghi nhận, trong những thời điểm xảy ra dịch Covid-19, bà con giáo hữu trong tỉnh Gia Lai đã tạm ngưng việc trực tiếp sinh hoạt giáo lý, cử hành các thánh lễ, lễ mừng, hành hương, dâng hoa…
Thay vào đó, các chức sắc, chức việc và bà con giáo dân thực hiện sinh hoạt tín ngưỡng trực tuyến qua internet, không tụ tập đông người, thường xuyên vệ sinh và phun thuốc khử trùng giáo đường, nhà xứ…
Đồng bào công giáo, tin lành trong tỉnh cũng nhắc nhau hạn chế tối đa việc ra ngoài nếu không thật cần thiết, chú trọng cách ly xã hội, giãn cách tiếp xúc giữa người với người, luôn đeo khẩu trang kháng khuẩn, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
Đa dạng tuyên truyền, phổ biến pháp luật
Bên cạnh việc tích cực phòng chống dịch Covid-19 thì đồng bào công giáo và tin lành trong tỉnh Gia Lai đã chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần giữ vững an ninh trật tự, thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Bà con giáo dân trên địa bàn xã Ayun, huyện Mang Yang (Gia Lai) tham gia các buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật. |
Việc tuyên truyền pháp luật cho đồng bào công giáo, tin lành cũng được chính quyền các địa phương trong tỉnh chú trọng một cách đa dạng. Như hồi cuối năm ngoái, tại thôn Plei Bông, xã Ayun, huyện Mang Yang (Gia Lai), công an xã phối hợp đội nghiệp vụ công an huyện đã tổ chức buổi tuyên truyền pháp luật cho hơn 400 bà con giáo dân trên địa bàn xã và phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Tại buổi tuyên truyền, bà con được cán bộ công an phổ biến, khái quát tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn xã. Trong đó, nổi lên tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các hình thức “núp bóng” vay vốn của tín dụng đen và tình hình trật tự, an toàn giao thông…
Cũng tại đây, người dân được chia sẻ, giải đáp những thắc mắc về thủ tục hành chính như: Đăng ký chứng minh nhân dân, tạm trú, tạm vắng; xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ…
Thời gian gần đây, vào giai đoạn nước rút của chiến dịch cấp Căn cước công dân ở huyện Đak Đoa (nơi tập trung nhiều đồng bào công giáo và tin lành), công an huyện cũng có những cách làm hay để đảm bảo tiến độ.
Theo đó, để người dân và đồng bào công giáo, tin lành không cảm thấy buồn chán, mệt mỏi trong thời gian xếp hàng chờ cấp căn cước công dân, lực lượng công an huyện còn tổ chức các buổi tuyên truyền về pháp luật, về an toàn giao thông và cả các hội thi tìm hiểu pháp luật, mời ca sĩ trong huyện về hát để bà con có thêm khoảng thời gian giải trí bổ ích và giao lưu với nhau.
Anh Chôn, một giáo dân tại xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa, cho biết bản thân rất thoải mái, vui và bổ ích trước hoạt động này của công an huyện. Và, anh tin là các giáo dân khác trong xã khi đi làm căn cước công dân cũng cảm thấy như vậy.
Ở huyện Đak Đoa, trên tinh thần “Kính Chúa, yêu nước”, công tác tuyên truyền, giáo dục bà con công giáo, tin lành ở địa phương sống với phương châm “Tốt đời, đẹp đạo” đã được thực hiện thường xuyên.
Tại Nhà thờ của Chi hội Tin lành Plei Brel Dôr ở xã Glar, huyện Đak Đoa – nơi tham gia sinh hoạt tôn giáo của hơn 8.000 tín hữu thuộc 9 làng của xã Glar và một làng của thị trấn Đak Đoa. Nhờ thường xuyên được tuyên truyền về pháp luật đã giúp bà con tín hữu trong chi hội nâng cao cảnh giác, không nghe theo những luận điệu tuyên truyền của các phần tử phản động và quyết tâm làm ăn, phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc hơn.
Còn ở xã A Dơk, huyện Đak Đoa, nhiều năm qua, mục sư Uyên đã phát huy vai trò Ủy viên Ban đại diện Tin lành tỉnh, quản nhiệm chi hội Tin lành Kông Brech (hiện có hơn 5.000 tín hữu).
Ngoài giờ sinh hoạt đạo, mục sư Uyên thường dành thời gian tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của tín hữu, cùng tập thể Ban Chấp sự chi hội tận tình hướng dẫn bà con thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới.
Nhiều năm trở lại đây, nhờ biết trồng cà phê, tích cực tham gia phát triển HTX, tổ hợp tác nên bà con theo đạo công giáo, tin lành ở huyện Đak Đoa ai cũng có của ăn của để. Thu nhập từ cà phê mỗi năm đã giúp các gia đình xây được nhà ở ổn định, mua sắm phương tiện phục vụ cho sản xuất, đời sống ngày càng đi lên.
Thanh Loan