Huyện Tân Hiệp là nơi có đông đồng bào Công giáo nhất tỉnh Kiên Giang, chiếm gần 40% dân số của huyện, với khoảng 57.000 người. Thời gian qua trong huyện đã nhân rộng mô hình “xứ đạo an toàn” ở 14 xứ đạo cùng với 14 đội bảo vệ an ninh, trật tự giáo xứ với 82 thành viên tham gia.
Nhân rộng mô hình “xứ đạo an toàn”
Đây là mô hình hay và hiệu quả, có tác dụng khá thiết thực, gắn kết các chức sắc, chức việc và đồng bào Công giáo trong các giáo xứ chung tay, chung sức giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương, góp phần đẩy lùi tội phạm, đảm bảo trật tự xã hội tại các xứ đạo ở Tân Hiệp.
Mô hình “xứ đạo an toàn” được nhân rộng đã mang lại sự bình yên cho các giáo xứ ở huyện Tân Hiệp. |
Chẳng hạn như công việc của các đội bảo vệ an ninh, trật tự giáo xứ ở Tân Hiệp, ngoài việc tuần tra, bảo vệ an ninh, trật tự vùng tôn giáo thì họ còn thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân, tín đồ chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước.
Thông qua những mô hình như vậy đã tạo khí thế sôi nổi trong đấu tranh phòng chống tội phạm, từng bước đẩy lùi tệ nạn xã hội trong vùng đồng bào tôn giáo ở Tân Hiệp. Nhận thức của lực lượng công an, các chức sắc, chức việc và tín đồ Công giáo về việc giữ gìn an ninh, trật tự được nâng lên.
Vào những tháng đầu năm 2021 (trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 đợt 4), khi làm thủ tục cấp đổi thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử cho người dân tại các giáo xứ, nhà thờ, Công an huyện Tân Hiệp cũng thường xuyên tiếp xúc, vận động chức sắc phát huy tốt vai trò, uy tín của mình trong việc tuyên truyền đồng bào giáo dân và bà con nhân dân chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là việc cấp và quản lý căn cước công dân, để các giáo dân tích cực tham gia thực hiện.
Linh mục Phạm Thế Hòa, Giáo xứ An tôn ấp Tân Hà A, xã Tân Hiệp B, huyện Tân Hiệp, cho biết: “Cán bộ làm căn cước công dân đã hướng dẫn nhiệt tình cho bà con giáo dân, quá trình làm căn cước công dân mất khoảng 10 phút, tôi thấy rất hài lòng về thái độ làm việc của cán bộ làm căn cước công dân”.
Bên cạnh đó, các giáo dân ở Tân Hiệp còn tích cực tham gia bảo vệ môi trường và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật môi trường. Như hồi năm ngoái ở ấp Kênh 2A, xã Tân Hiệp A đã ra mắt “Câu lạc bộ giáo xứ Mông Triệu tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu” với sự tham gia của 100 hộ gia đình giáo dân.
Câu lạc bộ này đang cho thấy hiệu quả khi giúp bà con giáo dân trong việc tổ chức thu gom và chuyển rác thải sinh hoạt đúng nơi quy định. Nhất là không sử dụng hóa chất cấm trong chăn nuôi và nuôi trồng, tổ chức thu gom, xử lý hoặc thiêu hủy thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật đã hết hạn và sau khi sử dụng đúng quy định…
Chung sức giữ gìn môi trường sống
Đó cũng là một trong 5 mô hình điểm của huyện Tân Hiệp với mục đích là nâng cao vai trò, trách nhiệm, sự đóng góp tích cực của chức sắc, chức việc và tín đồ Công giáo đối với nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn dân cư.
Lãnh đạo huyện Kiên Lương thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với các vị linh mục tại các giáo xứ nhằm tạo sự gắn bó mật thiết. |
Việc chấp hành pháp luật về môi trường cũng lan tỏa rộng trong bà con theo đạo Công giáo ở huyện Kiên Lương - nơi tập trung đồng bào Công giáo lớn thứ 2 ở tỉnh Kiên Giang. Nhất là mô hình “Câu lạc bộ Giáo xứ Cờ Trắng tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu” ở Giáo xứ Cờ Trắng, xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương.
Mô hình này đã nâng cao vai trò, trách nhiệm, sự đóng góp tích cực của chức sắc và tín đồ Công giáo ở giáo xứ đối với nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn dân cư xã Hòa Điền.
Đặc biệt là từ đó đã và đang nhân rộng mô hình ra các giáo xứ, giáo họ khác ở huyện Kiên Lương, góp phần nâng cao chất lượng sống ở cộng đồng, giữ gìn môi trường sống, xây dựng khu dân cư, xã nông thôn mới.
Vai trò của các vị chức sắc, chức việc trong các giáo xứ, giáo họ ở Kiên Lương được phát huy, tích cực vận động tín đồ Công giáo tham gia phong trào ở từng địa bàn. Nhất là kịp thời phát hiện, giải quyết các vấn đề có liên quan đến tôn giáo và các loại tội phạm, tệ nạn xã hội.
Tính đến nay, trên địa bàn huyện Kiên Lương có 8 mô hình trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc trong đồng bào tôn giáo hoạt động có hiệu quả, trong đó có sự tham gia tích cực của các đồng bào công giáo.
Giáo dân Nguyễn Thanh Phong, giáo dân Giáo xứ Ba Hòn ở thị trấn Kiên Lương (huyện Kiên Lương), cho biết chính quyền địa phương các cấp còn hết lòng ủng hộ, tạo điều kiện để bà con tự do hoạt động tín ngưỡng của mình.
Theo ông Phong, bản thân là tín đồ Công giáo thì mình phải gương mẫu chấp hành pháp luật của Nhà nước, phải thể hiện được trách nhiệm công dân trong việc chung tay giữ gìn trật tự xã hội.
Thời gian qua lãnh đạo huyện Kiên Lương cũng thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với các vị linh mục tại các giáo xứ nhằm tạo sự gắn bó mật thiết. Qua đó, các vị linh mục phối hợp với chính quyền địa phương cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con giáo dân địa phương sống “tốt đời đẹp đạo”, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư ngày càng phát triển.
Điển hình như ở Giáo xứ Hòn Chông ở xã Bình An (huyện Kiên Lương), với sự tham gia tích cực của các giáo dân trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc đã giúp hạn chế được tệ nạn xã hội và các vụ việc phạm pháp hình sự.
Như chia sẻ của linh mục Phạm Minh Dũng ở Giáo xứ Hòn Chông, trên tinh thần “kính chúa, yêu nước”, bà con giáo dân luôn nâng cao ý thức chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước, tham gia giữ gìn trật tự và còn tích cực đóng góp giúp đỡ người nghèo, qua đó góp phần chung vào sự phát triển của địa phương.
Thanh Loan