Nhà máy nghìn tỷ của Vinachem ngừng hoạt động nhiều năm nay
Nhiều địa phương tìm mọi cách “bơm tiền” cố cứu sống những DNNN đang hấp hối. Đồng tiền chắt chiu của dân tiếp tục bị đổ vào những “cái thùng không đáy”.
Lợi nhuận trước thuế giảm 14%
Mới đây, trong báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình hoạt động của 583 doanh nghiệp (DN) do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ cho thấy, hoạt động kinh doanh không còn nhiều thuận lợi nữa.
Theo đó, lợi nhuận trước thuế của các DN giảm 14% so với thực hiện năm 2015, đạt 139.144 tỷ đồng. Riêng 7 tập đoàn giảm 25% lợi nhuận, trong đó, Tập đoàn Dầu khí giảm 39%; Tập đoàn Hóa chất có số lợi nhuận kế toán trước thuế năm 2016 âm 335.078 triệu đồng.
Lợi nhuận trước thuế/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2016 của khối tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con giảm còn 10%. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế/tổng tài sản bình quân năm 2016 của khối này cũng giảm từ 5,5% xuống còn 4,5%.
Ngoài ra cũng theo báo cáo hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty, tổng số nợ phải trả là 1.537.437 tỷ đồng, tăng 3% so với thực hiện năm 2015. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân 1,22 lần.
Trong số đó, có 19 tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần. Cá biệt, có doanh nghiệp tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lên tới 215 lần như Tổng Công ty Đầu tư Phát triển và Quản lý Dự án hạ tầng giao thông Cửu Long.
Dẫn đầu trong danh sách tập đoàn, tổng công ty có nợ phải trả lớn là Tập đoàn Điện lực với 486.981 tỷ đồng. Tiếp đó là Tập đoàn Dầu khí 338.586 tỷ đồng; Tập đoàn Than và Khoáng sản 100.729 tỷ đồng; Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel 75.111 tỷ đồng; Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp 44.195 tỷ đồng; Tập đoàn Hóa chất 37.471 tỷ đồng…
Dù vẫn còn nhiều đơn vị huy động vốn vượt quá mức trần huy động (3 lần vốn chủ sở hữu) song Bộ Tài chính đánh giá tình hình huy động vốn và khả năng thanh toán của các tập đoàn, tổng công ty đã có dấu hiệu được cải thiện đáng kể. Năm 2016, không còn tập đoàn, tổng công ty có kết quả hoạt động kinh doanh thua lỗ, mất vốn (âm vốn chủ sở hữu), tài sản không bảo đảm khả năng thanh toán nợ hiện có do hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
Cương quyết không cấp vốn
Tình trạng thua lỗ triền miên, kéo dài suốt thời gian qua được các chuyên gia lý giải do kỷ luật tài chính, kỷ luật ngân sách chưa nghiêm khắc. Nhiều DNNN lâm vào khó khăn lại tìm đến “bầu sữa” ngân sách để bù đắp mà không có phương án kinh doanh vực dậy DN
Thực tế, những hạn chế, yếu kém của khối DNNN đã được chỉ ra từ lâu, nhưng qua nhiều nhiệm kỳ vẫn chậm có sự chuyển biến, thậm chí có mặt còn trầm trọng hơn.
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, các DN muốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh phải sử dụng nguồn vốn huy động là chủ yếu. Thay vì cấp vốn, Nhà nước chỉ hỗ trợ bảo lãnh cho DN trong quá trình huy động vốn để đầu tư phát triển kinh doanh trong các trường hợp DN có nhu cầu huy động vốn ngoài mức giới hạn (vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu), hoặc triển khai nhiều chính sách tín dụng đặc thù đối với DNNN trong một số ngành, lĩnh vực khuyến khích phát triển theo chủ trương chung như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu nông sản...
Mới đây, Bộ Công Thương khẳng định sẽ kiên quyết xử lý các dự án, DN thua lỗ, kém hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường; tôn trọng nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các DN.
Đồng thời kiên quyết thực hiện cho phá sản, giải thể theo quy định của pháp luật đối với các dự án, DN không có khả năng khắc phục, thu hồi tối đa tài sản của Nhà nước, hạn chế thấp nhất thất thoát và những tác động tiêu cực đối với ngân sách Nhà nước và với nền kinh tế nói chung.
Khi đó, đồng vốn nhà nước sẽ được dành cho những địa chỉ xứng đáng, nơi nó có thể sinh sôi, làm giàu cho đất nước.
Thanh Hoa