Những năm qua, các chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, cho vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất… đã được quan tâm triển khai ở vùng DTTS và MN. Nhờ đó, kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều địa phương đã phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng đồng bào DTTS và MN, tập trung phát triển sản xuất hàng hóa, chuyên canh cây trồng, vật nuôi theo cơ chế thị trường.
![]() |
Người dân tộc Cơ Tu chăm sóc cây ba kích dưới tán rừng. |
Phát triển cây dược liệu dưới tán rừng
Dù vậy, theo thống kê của UBND tỉnh Quảng Nam, tính đến cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn vẫn còn cao gấp 1,6 lần so với mức bình quân của cả nước, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS chiếm tới hơn 40%. Mặc dù đã bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để thực hiện giảm nghèo nhưng thiên tai cuối năm 2020 đã “quét” đi nhiều nỗ lực của các huyện miền núi trong phát triển sinh kế cho người dân. Vì vậy, dù nỗ lực đến đâu nếu không bảo vệ được rừng, người dân vẫn bị thiệt hại về tài sản lẫn tính mạng.
Quảng Nam có phần lớn diện tích là đất lâm nghiệp, độ che phủ rừng hiện đạt 58,64% với nhiều loại cây dược liệu phong phú. Chính quyền địa phương xác định, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng vừa giúp người dân có thu nhập ổn định vừa bảo vệ rừng tránh thiên tai, bảo vệ thiên nhiên.
Điển hình như Phước Sơn là một trong 3 huyện nghèo của tỉnh Quảng Nam được thụ hưởng theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, với hơn 2.000 hộ nghèo. Trong đó, chủ yếu là đồng bào DTTS Giẻ Triêng, Bhnoong, Ca dong, Xơ đăng… chiếm 31,3% dân số toàn huyện. Xác định mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng là hướng đi mới, lâu dài để xóa đói giảm nghèo, hàng năm huyện Phước Sơn dành khoảng 1 tỷ đồng để hỗ trợ người dân về nguồn giống cây, đồng thời giao khoán rừng theo nhóm hộ, thành lập các Tổ hợp tác (THT) để người dân canh tác kết hợp với bảo vệ rừng.
Cách đây hơn 1 năm, đồng bào DTTS Giẻ Triêng ở hai xã Phước Xuân và xã Phước Mỹ, huyện Phước Sơn đã triển khai mô hình THT trồng cây ba kích tím dưới tán rừng ở khu vực vành đai của Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh.
Ông Hồ Văn Búp (thôn 1, xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) chia sẻ, trước đây, người dân chỉ biết trồng lúa rẫy, đi làm thuê hoặc vào rừng khai thác những sản vật theo mùa để mưu sinh. Từ khi được hỗ trợ vốn và kỹ thuật để trồng cây dược liệu dưới tán rừng góp phần tạo sinh kế bền vững cho gia đình.
“Thời gian đầu có nhiều bỡ ngỡ nhưng với sự hướng dẫn tận tình của cán bộ kỹ thuật, bà con dần làm chủ được quy trình trồng và chăm sóc cây. Vì vậy, giá trị kinh tế thu được khá”, ông Búp nói.
Thoát nghèo bền vững
Cũng giống như đồng bào DTTS Giẻ Triêng ở huyện Phước Sơn, cây dược liệu quý ba kích cũng đang là cây trồng giúp đồng bào Cơ Tu ở huyện Đông Giao thoát nghèo.
![]() |
Sản phẩm thu hoạch của trồng cây ba kích của THT huyện Đông Giang. |
Mô hình trồng cây ba kích tại đây được UBND huyện Đông Giang giao cho Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện triển khai từ cuối 2018. Đến nay, đã có hơn 26.000 cây giống ba kích được trồng dưới tán rừng, tỷ lệ sống đạt từ 85 – 90%.
Thực hiện mô hình này, Nhà nước đầu tư 100% cây giống ba kích, phân bón hữu cơ vi sinh, hỗ trợ công chăm sóc, kỹ thuật trồng; Hỗ trợ thành lập Tổ hợp tác sản xuất để nhóm hộ tham gia bảo tồn, phát triển cây ba kích, tạo đà phát triển vùng dược liệu.
Anh Arấl Tài ở thôn Aduông, thị trấn P’rao, huyện Đông Giang, Quảng Nam cho biết, gia đình anh thuộc diện khó khăn, được địa phương hỗ trợ trồng cây ba kích để thoát nghèo.
“Nhà nước cấp giống cho bà con, được chăm sóc kỹ. Mong rằng, cây ba kích lớn để mai mốt bà con thu hoạch và thu nhập”, anh Tài chia sẻ.
Khi tham gia vào mô hình trồng cây ba kích ở huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, các nhóm hộ đồng bào Cơ Tu được tập huấn kỹ thuật liên quan đến trồng cây dược liệu dưới tán rừng như: kỹ thuật xây dựng vườn ươm, chăm sóc cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, sơ chế ba kích.
Để nhân rộng mô hình trồng cây dược liệu ba kích, huyện Đông Giang đã hỗ trợ thành lập tổ hợp tác (THT) sản xuất để nhóm hộ tham gia bảo tồn, phát triển cây ba kích, tạo đà phát triển vùng dược liệu.
Chị chị Pơ Loong Vờn (dân tộc Cơ Tu), thành viên THT Đông Giang chia sẻ: “Nhìn chung bà con nông dân rất phấn khởi khi tham gia thực hiện mô hình này, và tin chắc rằng trong tương lai không xa với chủ trương đầu tư đúng hướng về quy hoạch, bảo tồn và phát triển cây dược liệu huyện Đông Giang, nhất định sẽ đem lại những thành công lớn, góp phần đáng kể trong việc giảm nghèo, người dân tham gia mô hình sẽ có khoản thu nhập đáng kể, giúp nhiều hộ, nhóm hộ gia đình (đồng bào Cơ Tu) thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng từ rừng và đất rừng được giao”.
Theo ước tính của các thành viên THT Đông Giang, bình quân 1ha trồng được 6.500 cây ba kích, thời gian trồng và chăm trong vòng 3 - 4 năm cho thu hoạch, bình quân cứ 5 cây cho 1 kg củ. Tính ra sẽ được 1,5 tấn/ha, với giá bán 500.000 đồng/kg thu về 650 triệu đồng/ha.
Hoàng Hà
Bài 2: Vai trò "bà đỡ" của Hợp tác xã