Hồi tháng 7/2021 vừa qua, ở xã Bù Gia Mập thuộc huyện Bù Gia Mập (Bình Phước) đã ra mắt mô hình “Cơ sở tôn giáo an toàn về an ninh trật tự với phương châm tốt đời, đẹp đạo”.
Mô hình hay, hiệu quả cao
Mô hình này đã nhận được sự thống nhất của các ban, ngành, các lực lượng vũ trang, sự đồng thuận, ủng hộ của các cơ sở tôn giáo và nhân dân, nhất là đồng bào công giáo trên địa bàn xã Bù Gia Mập - xã vùng vùng sâu, vùng xa, nằm ở khu vực biên giới giáp với Campuchia, nơi có đồng bào công giáo chiếm khoảng 30%.
Chi hội Tin lành Đăng Blang ở xã Phú Sơn (huyện Bù Đăng) tham gia tích cực vào mô hình tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân vùng có đạo bảo vệ an ninh trật tự. |
Thiếu tá Bùi Quang Hòa, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Bù Gia Mập, Bội đội Biên phòng tỉnh Bình Phước cho biết: Đây là mô hình tập hợp các cơ sở tôn giáo tham gia phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm. Mô hình cũng sẽ phát huy vai trò, trách nhiệm của đồng bào công giáo trong công tác giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương. Mô hình mới này cần được nhân rộng.
Hoặc như 2 năm trước ở xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng (Bình Phước) đã thành lập mô hình “Công tác tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân vùng có đạo tham gia bảo vệ an ninh trật tự”.
Là xã có địa bàn xa nhất huyện Bù Đăng và tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số theo đạo Tin lành, trước đây ở Phú Sơn tình hình phạm pháp hình sự, sinh hoạt tôn giáo trái phép, cầm cố, mua bán điều non, hoạt động tín dụng đen... diễn ra khá phức tạp.
Chính vì vậy, Công an tỉnh Bình Phước đã phối hợp chính quyền xã Phú Sơn và các cơ sở tôn giáo để thực hiện mô hình nêu trên. Các chiến sĩ công an kết hợp với hệ thống chính trị xã và các chi hội thánh Tin lành trên địa bàn Phú Sơn thường xuyên gặp gỡ, tranh thủ người có uy tín, chức sắc, chức việc các tôn giáo để giúp họ hiểu rồi lồng ghép tuyên truyền cho tín hữu trong các buổi sinh hoạt.
Từ mô hình này, việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các tín hữu Tin Lành được thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, các thành viên tham gia mô hình còn kết hợp tuyên truyền về thủ đoạn của tội phạm và giúp người dân hiểu để thực hiện đúng phương châm: “Kính chúa yêu nước” và “sống tốt đời, đẹp đạo”.
Theo mục sư Điểu Hiêng, Trưởng ban đại diện Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) tỉnh Bình Phước, Quản nhiệm Chi hội Bù Đăng kiêm Quản nhiệm Chi hội Tin lành Đăng Blang (xã Phú Sơn) cho biết nhờ tuyên truyền mà các tín hữu Tin lành hiểu hơn về chính sách, pháp luật của Nhà nước.
“Tình trạng bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội như bài bạc, ma túy, trộm cắp, đánh nhau… hầu như không còn. Người dân đã ý thức và tích cực tham gia cùng lực lượng công an, chính quyền địa phương bảo vệ an ninh trật tự thôn, xóm”, mục sư Hiêng nói.
Toàn tỉnh Bình Phước hiện có 8 tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân, gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Hồi giáo, Phật giáo Hòa Hảo, Tịnh độ Cư sỹ Phật hội Việt Nam và đạo Ba ha’I, với 263 cơ sở thờ tự, 245.785 tín đồ (chiếm 25% dân số).
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào tôn giáo trong những năm gần đây ở tỉnh Bình Phước được giữ vững nhờ sự lan toả tính hiệu quả của các mô hình phòng ngừa tội phạm tại các cơ sở tôn giáo.
Hiệu quả nhờ làm tốt tuyên truyền
Đơn cử như các mô hình: “Khu đạo Công giáo an toàn” tại Giáo xứ Lộc Quang (Lộc Ninh), “Khu đạo không có tệ nạn xã hội” tại Chi hội Tin lành Bù Đăng, mô hình “Công tác tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân vùng có đạo tham gia bảo vệ an ninh trật tự” ở xã Phú Sơn (Bù Đăng)...
Nhờ tuyên truyền tốt nên nhiều đồng bào các tôn giáo ở Bình Phước tham gia tích cực vào phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và được ghi nhận, khen thưởng. |
Hoặc có thể kể đến điển hình như thôn Sơn Hòa thuộc xã Thọ Sơn (Bù Đăng) - nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với trên 70% người dân theo đạo Tin lành. Đây là một trong những thôn văn hóa điển hình của tỉnh Bình Phước đang hướng tới trở thành thôn “3 không” gồm: Không hút thuốc lá, không uống bia rượu và không tệ nạn xã hội.
Trong các hộ dân đang sinh sống tại thôn Sơn Hòa thì có đến 93% số hộ là người dân tộc thiểu số, chủ yếu người M'nông, S’tiêng và theo đạo Tin lành, sinh hoạt tại 2 nhà thờ.
Nhờ làm tốt tuyên truyền, trong khoảng 2-3 năm trở lại đây, gần 100% người dân theo đạo Tin lành đều không sử dụng thuốc lá, bia, rượu. Những bữa tiệc hay đám cưới, hỏi trong thôn cũng chỉ có nước ngọt, nước lọc.
Theo lãnh đạo Công an xã Thọ Sơn, người dân thôn Sơn Hòa chủ yếu theo đạo Tin lành nên bà con không uống rượu, bia; chấp hành rất tốt Luật Giao thông đường bộ. Hằng năm, Sơn Hòa được chọn làm mô hình điểm cho các thôn học tập.
Không còn tệ nạn xã hội, ít sử dụng rượu bia, thuốc lá, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở thôn Sơn Hòa luôn được bảo đảm. Nhất là tinh thần cảnh giác, phòng chống tội phạm được các tín hữu Tin lành đề cao, địa bàn không còn tình trạng trộm cắp, cướp giật tài sản...
Đây chính là thành tố quan trọng giúp Sơn Hòa nhiều năm liền được công nhận khu dân cư văn hóa tiêu biểu và được huyện Bù Đăng chọn làm thôn tiêu biểu về thực hiện tuyên truyền pháp luật trong cộng đồng dân cư và hướng tới trở thành thôn “3 không” kiểu mẫu của huyện.
Xác định tầm quan trọng của tuyên truyền, trong 5 năm trở lại đây, các cấp chính quyền ở tỉnh Bình Phước đã tổ chức được 1.780 buổi thông tin, tuyên truyền với 119.275 lượt chức sắc, chức việc, trưởng điểm nhóm, tín đồ các tôn giáo tham dự.
Qua công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật đến đồng bào các tôn giáo, ý thức trách nhiệm của đồng bào tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ trật tự xã hội và giữ gìn an ninh trật tự được nâng lên.
Nhất là kéo giảm được tình trạng xây dựng, cơi nới, sửa chữa cơ sở thờ tự và tổ chức truyền đạo, giảng đạo, sinh hoạt tôn giáo trái pháp luật ở vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhờ được tuyên truyền mà đồng bào các tôn giáo ở Bình Phước trong 5 năm qua đã cung cấp cho cơ quan chức năng, chính quyền các cấp 1.090 tin có giá trị, giúp cơ quan chức năng xử lý 985 vụ việc về an ninh trật tự; hòa giải thành công 855 vụ mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân..
Ngoài ra, đồng bào các tôn giáo còn trực tiếp phát hiện 85 vụ phạm pháp quả tang, bắt giữ 130 đối tượng giao cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định pháp luật. Đã có 15 tập thể, 30 cá nhân tại các cơ sở tôn giáo, vùng có đạo được tỉnh Bình Phước và các cơ quan chức năng khen thưởng do có thành tích trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Thanh Loan