Đầu ra cho quả thanh long luôn là nỗi lo với nhiều hộ dân xã Hàm Đức. Có thời điểm, thanh long rớt giá nghiêm trọng, chỉ những quả “tai xanh mình đỏ” với trọng lượng nhất định mới được lựa chọn xuất khẩu, phần còn lại không thể tiêu thụ hết tại thị trường trong nước hay một số kênh dễ tính hơn. Thanh long rớt giá, tư thương nhũng nhiễu, người trồng điêu đứng.
Nâng giá trị
Trước tình hình đó, HTX Hàm Đức đã quyết định tập trung vào chế biến các sản phẩm làm từ trái thanh long để góp phần mở rộng đầu ra. Sản phẩm chính của HTX là rượu vang thanh long.
Sau nhiều lần thử nghiệm thất bại, HTX quyết định thuê kỹ sư công nghệ thực phẩm về hỗ trợ sản xuất. Nguyên liệu đầu vào chính là quả thanh long của các thành viên canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP và mua của một số bà con nông dân khác trong tỉnh Bình Thuận. Thanh long sau khi rửa sạch sẽ được bóc vỏ, nghiền nhỏ, sau đó áp dụng công thức lên men truyền thống.
Chế biến rượu giúp nâng cao giá trị quả thanh long. |
Theo các thành viên, công đoạn sản xuất không quá khó nhưng để có sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm thì không hề đơn giản. Vì vậy, mọi công đoạn đều được tính toán để không xảy ra hiện tượng nhiễm vi sinh vật, lên men gián đoạn. Khi chế biến rượu vang, HTX tuyệt đối không dùng bất cứ một dụng cụ nào bằng đồng hoặc bằng sắt. Lý do là nước quả thường chua, sắt hay đồng bị các axit kết hợp chuyển thành những muối sắt và đồng hòa tan trong nước quả là những nguyên nhân chính làm cho rượu vang sau này kết tủa, mất màu, mất vị.
Đến nay, HTX Hàm Đức cho ra thị trường sản phẩm rượu vang trắng làm từ quả thanh long ruột trắng và rượu vang đỏ làm từ quả thanh long ruột đỏ. Rượu vang được đóng chai với dung tích khác nhau để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Hiện tại, xưởng sản xuất của HTX có công suất sản xuất 100.000 lít sản phẩm/năm, cung ứng ra thị trường 50.000 lít/năm. Thị trường chủ yếu là Bình Thuận, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang… Rượu vang được bày bán ở các trạm dừng chân, các điểm tham quan du lịch trong tỉnh Bình Thuận, siêu thị Coopmart, Nha Trang,… Ngoài ra, HTX còn thực hiện bán qua các kênh online trên khắp cả nước và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Sạch môi trường
Việc tận dụng thanh long không đủ điều kiện xuất khẩu hoặc khó khăn trong tiêu thụ để sản xuất rượu vang không chỉ giúp nâng giá trị loại quả này lên 4-5 lần, mà còn góp phần bảo vệ môi trường.
Theo các thành viên, khi không bán được, thanh long thường bị đổ đống một chỗ tự phân hủy, gây hôi thối, ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, vấn đề này đến nay đã được giải quyết.
Bên cạnh đó, các phế phụ phẩm từ quá trình làm rượu như cặn bã, vỏ thanh long cũng được HTX thu gom xử lý thành phân bón cho cây trồng. Theo các thành viên, việc chăm sóc vườn thanh long chất lượng cao đều rất cần phân bón, nhất là phân hữu cơ nên hầu hết lượng vỏ thanh long đều được tận dụng làm phân bón.
Ngoài sản xuất rượu, HTX Hàm Đức vẫn chú trong trồng thanh long theo tiêu chuẩn an toàn để bảo đảm nguồn nguyên liệu đầu vào. Trong quá trình sản xuất, các thành viên phải tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật canh tác, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo môi trường…
Sản xuất thanh long an toàn giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường. |
Theo Ban giám đốc HTX, sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP tạo môi trường thuận lợi để áp dụng nhanh tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời giúp nâng cao giá trị sản phẩm thanh long Bình Thuận và đáp ứng nhu cầu chế biến.
Mặt khác, sản xuất VietGAP góp phần cải thiện môi trường sản xuất, giảm tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, từng bước làm thay đổi tập quán sản xuất truyền thống của nông dân phù hợp với yêu cầu thực tiễn và xu thế hiện nay.
HTX Hàm Đức đang tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm, nhất là trong bối cảnh thanh long rớt giá hiện nay. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp địa phương, sự ra đời với những thành công bước đầu của HTX Hàm Đức đã mở ra cánh cửa mới cho thị trường tiêu thụ thanh long của tỉnh nhà.
Tùng Lâm